Hà Nội: Công trình ngàn tỷ, xây xong để đấy

Hà Nội: Công trình ngàn tỷ, xây xong để đấy
TP - Ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị (KĐT) Bắc Thăng Long- Vân Trì lãng phí do công trình hoàn thành nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.
Hà Nội: Công trình ngàn tỷ, xây xong để đấy ảnh 1

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 818 phê duyệt định hướng quy hoạch chung KĐT mới Bắc Thăng Long- Vân Trì.

Tiếp đó, năm 2002 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 159 phê duyệt dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KĐT Bắc Thăng Long- Vân Trì với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng, gồm vốn vay và vốn ngân sách (8,2 tỷ yên Nhật và 455 tỷ đồng).

Theo quyết định, Bắc Thăng Long- Vân Trì sẽ trở thành một KĐT mới để phát triển công nghiệp, dịch vụ và nghỉ ngơi, giải trí phục vụ cho việc giải tỏa quá tải ở nội thành; đến năm 2005 dân số dự kiến của KĐT sẽ là năm vạn, quy mô đất đai cần sử dụng là 1.000ha, đến năm 2020 sẽ là mười một vạn người (2.640ha).

Quyết định 818 là cơ sở để thành phố Hà Nội lập dự án đầu tư hạ tầng cho KĐT mới Bắc Thăng Long – Vân Trì với mức đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng như xây dựng nhà máy cấp nước sạch, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống đường, điện...

Tính từ năm 2005, nhiều hạng mục của dự án hoàn thành nhưng hầu hết bị đắp chiếu hoặc sử dụng không hiệu quả. Ví như nhà máy cung cấp nước sạch Vân Trì (đầu tư 282 tỷ dồng) hoàn thành năm 2005, song nước sạch chưa được sử dụng nên thành phố phải xây dựng đường ống đưa nước từ nhà máy này về nội thành.

Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải được gấp rút xây dựng và hoàn thành tháng 10/2005. Tuy nhiên, nhà máy này cũng chỉ được dùng làm cảnh... Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án Trọng điểm Phát triển Đô thị Hà Nội (Ban Trọng điểm) khi đó, giải thích rằng nhà máy chưa có điện nên chưa thể vận hành. Phải đến tháng 7/2008 sau khi dầm mưa ba năm nhà máy này mới được đóng điện.

Những tưởng khi có điện thì nhà máy sẽ hoạt động, nhưng hạng mục trạm bơm nước thải chưa hoàn thành nhà máy chưa biết đổ nước thải đã qua xử lý đi đâu. “ Chúng tôi sẽ hoàn thành toàn bộ trạm bơm và kênh dẫn trong tháng 12/2008”- Một cán bộ của Ban Trọng điểm  khẳng định vào tháng 10/2008.

Nhưng hết tháng 12/2008 trạm bơm (trị giá 100 tỷ đồng) hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải vẫn chỉ để… ngắm do không có nước thải để xử lý khi đô thị chưa hình thành. Trong khi đó, hàng ngày Hà Nội có đến 500.000 m2 nước thải cần xử lý. Để khởi động nhà máy trị giá cả chục triệu USD, mới đây người ta đang thú hút nước thải từ Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Tuy nhiên, nếu việc này thành công nhà máy cũng mới chỉ vận được hành mười phần trăm công suất. Trong lúc gần 300 tỷ đồng tiền vay đầu tư xây dựng nhà máy, trạm bơm từng ngày đẻ lãi, nhiều thiết bị của nhà máy cũng đang hoen gỉ dần và công nghệ xử lý nước thải ngày một tụt hậu!

Hạ tầng đón đầu- khu đô thị ở đâu?

Hà Nội có một bước đi chiến lược khi vay hàng ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng để đón các nhà đầu tư vào KĐT Bắc Thăng Long- Vân Trì. Trên thực tế, hạ tầng đã được đầu tư nhưng chẳng thấy bóng dáng đô thị đâu. ngoại trừ một khu nhà ở công nhân. Đại diện Ban Trọng điểm cho rằng, Ban đã hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng, việc thu hút các dự án đầu tư không phải thẩm quyền của Ban!

Ông Phạm Văn Châm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh tỏ ra sốt ruột: “Huyện rất mong muốn có nhà đầu tư đầu tư vào KĐT Bắc Thăng Long- Vân Trì. Tuy nhiên, quyết định các dự án này thuộc thẩm quyền UBND TP Hà Nội”. Ông Châm cho biết thêm, hiện KĐT mới chỉ có quy hoạch 1/5000 (quy hoạch chung huyện Đông Anh) chưa quy hoạch 1/2000 và 1/500 chưa hề có.

Và vì vậy, có nhà đầu tư đến cũng chưa thể chỉ cho họ đầu tư vào đâu? Được biết thành phố đã giao cho một số chủ đầu tư tự làm quy hoạch 1/2000, song hầu như các quy hoạch đều đang dở dang.

Vì sao lại có chuyện hạ tầng “phủ mền” chờ dự án chính? Một số chuyên gia cho rằng: Hà Nội thay vì phát triển sang hướng bắc sông Hồng như trước được điều chỉnh tiến về phía tây. Hàng trăm dự án phát triển đô thị ào ạt đổ về phía tây Hà Nội, vì vậy một siêu dự án đô thị đã được rót hàng ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng đã bị chìm trong quên lãng. Sự lãng phí này còn kéo dài đến bao giờ và ai phải chịu trách nhiệm?

MỚI - NÓNG