Hà Nội : Cuộc chiến với rác và nước

Hà Nội : Cuộc chiến với rác và nước
TP - Ba giờ sáng 20/7, trạm bơm Yên Sở (Hà Nội) bắt đầu đưa mực nước trên hai kênh O (kênh thông thường) và kênh E (kênh điều hòa) trở lại mức bình thường. Chưa đầy tiếng sau, một trận mưa ào ào lại đổ xuống. Cuộc chiến với nước và rác lại bắt đầu...

>> Hà Nội lại ngập chìm trong biển nước

Cứ năm phút một xe rác bốn tấn

“Trận mưa hôm qua giống như xô nước to đổ vào chiếc bồn rửa mặt, nên nước không thể thoát ngay”, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Giám đốc Trạm bơm Yên Sở, ví von.

15 giờ.  Ngồi trong phòng điều hành, nhìn lên tín hiệu đèn hiển thị mực nước trên máy, tôi có cảm giác như mưa ngày một to hơn mặc dù ngoài trời nắng đã lên. Thì đây, lúc 6 giờ sáng, mực nước ở kênh O (nối trực tiếp với hệ thống thoát nước) mới có 3, 4m, nhưng bây giờ  là 3,6m.

Ông Lương giải thích: “Phải mất vài ba tiếng nước mới đổ về trạm bơm mạnh. Vì hệ thống thoát nước của Hà Nội chưa đồng bộ nên nước về chậm”.

Cái sự “chưa đồng bộ” mà ông Lương than phiền là những chiếc cống thoát nước to nhất cũng chỉ ba mét, chưa có những chiếc cống to “ôtô có thể chạy bên trong” như ở nước ngoài. Đã thế, trong cống, trên sông lại vô vàn rác thải, mà  tất cả mọi ngả đều dẫn tới trạm bơm Yên Sở. Ở trạm bơm này, anh em công nhân ngán rác còn hơn cả mưa lũ.

Hà Nội : Cuộc chiến với rác và nước ảnh 1
Vũ Mạnh Nam đang vận hành dây chuyền cào rác đã quá tải

Tôi nhìn chiếc băng tải chở rác mà hoa cả mắt vì rác quá nhiều. Dây chuyền  nhặt rác này tương đối hiện đại, có thể tự động gom rác từ dưới sông rồi chuyển vào băng tải, băng tải sẽ đưa rác vào xe. Tôi thấy cả một thế giới rác trên chiếc băng tải đang quay đều, bao nylon, vỏ chai, gốc cây, quần áo rách, chăn chiếu, chân giường.

Rác nhiều đến mức, cứ năm phút lại một chiếc xe tải bốn tấn chở rác từ băng chuyền đổ xuống, đều như vắt chanh. Trong khi đó, trên sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch... đã có đội chuyên thu gom rác. Nhưng cùng với nước lũ và không kém nước lũ, rác vẫn ầm ầm đổ về trạm bơm Yên Sở.  Chỉ cần một lượng rác nhỏ lọt vào các tổ máy bơm, cả hệ thống thoát nước này có khả năng tê liệt. Chính vì thế, để vớt rác, ngăn chặn rác trôi vào máy bơm, anh em cán bộ công nhân phải căng mắt, căng sức ra làm.

Ông Nguyễn  Thành Lương than thở: “ý thức về môi trường nhìn chung còn kém. Cứ tiện tay quăng rác xuống cống, xuống sông, để mặc cho nước cuốn đi. Có lúc chúng tôi vớt  được cả cái giường hỏng”.

Anh Vũ Mạnh Nam - tổ trưởng tổ vận hành bơm 3, chỉ những chiếc kim tiêm trong băng tải  bảo: “ở đây, nhặt được rất nhiều kim tiêm, không thể nào đếm xuể được. Nhưng kim tiêm vẫn không đáng sợ bằng những cây gỗ lớn, như cây dừa và cây dâu da xoan đâm vào máy, băng tải bé không tải nổi. Anh em chúng tôi phải hò nhau vứt ra ngoài”.

Tận thấy giặc rác ở đây mới hay, Hà Nội ngập lũ không thể chỉ đổ cho ông trời.

Không còn phải chống ngập cho trạm bơm

“Alô, mực nước Hồ Tây  6,52m, mực nước  đập Thanh Liệt 405/490”, ông Bùi Xuân Phúc – Giám đốc Trạm bơm Yên Sở đang nghe báo cáo tình hình mưa lũ qua điện thoại.

Ông Phúc cho hay: “Đối phó với trận mưa lớn đêm qua, chúng tôi đã cắt cử anh em vào các vị trí xung yếu. Nhờ chuẩn bị tốt và chủ động nên tình hình thoát nước rất tốt. Đến thời điểm này với mức nước 3,4m trên kênh O thì Hà Nội hầu như không còn điểm ngập nước nữa”.

Hà Nội mở rộng, trạm bơm Yên Sở sẽ phải gánh cả việc điều tiết nước cho sông Nhuệ.

Tới đây trạm bơm này sẽ được giảm tải khi một đơn nguyên nữa với chín tổ máy đang được xây dựng gần trạm bơm Yên Sở theo chương trình của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn hai.

Ông Phúc chỉ tay về bảng đèn điện tử: “11 bóng đèn vẫn đỏ, chứng tỏ 11 máy bơm  vẫn đang hoạt động tốt, không bị hư hỏng. Trạm bơm này được thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội rất quan tâm nên các trang thiết bị ở đây đều thuộc loại tốt và hiện đại. Chỉ có hệ thống cào rác đã hoạt động 10 năm nay nên cũ và yếu đi nhiều”.

Ông Phúc cho hay, trạm bơm Yên Sở được thiết kế để hoạt động trong mùa mưa nhưng thực tế cả mùa khô vẫn phải vận hành. 11 tổ máy  đang phải căng sức ra chạy. Nhưng trong trận lũ lịch sử năm ngoái, trạm bơm có lúc ngừng chạy, phải cấp cứu. Ấy là khi nước dâng cao 5m55, chỉ cách rơ le  khoảng 5 - 6 cm nữa là buộc hệ thống điều hành phải ngừng hoạt động để bảo vệ máy móc với giá trị ước tính lên đến vài trăm tỷ đồng.

Lúc đó, ông Phúc phải  phát đi thông tin trên bộ đàm tới các cơ quan chức năng: “Mực nước dâng cao, hệ thống điều hành của nhà máy có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Hà Nội có nguy cơ phó mặc cho thiên nhiên”.

Cứu trạm bơm lúc ấy hơn cứu hỏa, 300 chiến sỹ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, cùng với dân quân Hoàng Mai dùng  hơn hai vạn bao tải đất với 400 m3 và hàng trăm lượt xe ô tô đắp đập, be bờ để chống ngập cho  trạm bơm. Rốt cuộc, trạm bơm vẫn chạy dù xung quanh  nước dâng lên mênh mông.

Ông Phúc chỉ cho tôi hàng bê tông được xây kiên cố, bảo: “Nếu ông trời lại làm một trận hồng thuỷ như năm ngoái thì trạm bơm vẫn hoạt động tốt vì đã được xây bảo vệ rồi. Trận lũ năm ngoái cho trạm bơm Yên Sở nhiều kinh nghiệm quý”.

Tôi vào phòng máy, 11 tổ máy đang chạy ầm ầm, toả nhiệt nóng cả không gian xung quanh. “Với công suất 45 mét khối nước trên một giây, 11 tổ máy này đã bơm hàng triệu mét khối nước ra khỏi Hà Nội. Nhưng phải mất mấy ngày nữa thì mới đưa mực nước trở về ngưỡng an toàn với điều kiện trời không mưa tiếp. Nghề thoát nước của chúng tôi rất sợ mưa bồi”, ông Bùi Xuân Phúc nói rồi nhìn lên trời.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.