Hà Nội đề xuất tăng phí lòng, hè đường gấp 3 lần

Những tuyến phố bị cắt ra dành cho để xe. Ảnh: Tr.Đ.
Những tuyến phố bị cắt ra dành cho để xe. Ảnh: Tr.Đ.
TP - UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất tăng phí sử dụng lòng, hè đường lên cao nhất gấp 3 lần. Tại hội nghị lấy ý kiến đại diện các tổ chức xã hội về nội dung này do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội vừa tổ chức, nhiều người cho rằng, vỉa hè, lòng đường cần quản lý tốt chứ không phải đặt mục tiêu tăng doanh thu.

Tăng phí để tăng thu cho ngân sách

Đề xuất tăng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký gửi Thường trực Thành ủy, nêu: lãnh đạo thành phố đề xuất sửa đổi, bổ sung mục 17 của Quyết định 20/2016 - HĐND về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Cụ thể, phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ ô tô tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm), trong đó có phố Nguyễn Xí, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Hàng Ngang, Hàng Đào… được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề xuất tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/tháng (gấp 3 lần hiện nay). Lòng đường, hè phố các tuyến còn lại của quận Hoàn Kiếm và các tuyến phố nằm trong khu vực đường vành đai 1 được tăng từ 60.000 lên 150.000 đồng/m2/tháng; Lòng đường, hè phố các tuyến nằm trong đường vành đai 2, vành đai 3 tăng từ 45.000 đồng - 60.000 đồng lên từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/m2/tháng. Phí lòng đường, hè phố sử dụng để trông giữ xe máy tại khu vực lõi đô thị (gồm 12 tuyến tại quận Hoàn Kiếm) tăng từ 45.000 đồng lên 135.000 đồng/m2/tháng; khu vực từ đường vành đai 1 đến vành đai 3 có mức tăng 45.000 đồng đến 90.000 đồng/m2/tháng…

Để có cơ sở xây dựng tờ trình, đưa ra kỳ họp HĐND vào tháng 12 tới, ngày 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến đại diện các tổ chức xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn. Tham dự buổi họp còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và các sở, ngành liên quan. Tại đây, ông Thái Dũng Tiến, Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội (thành viên xây dựng đề xuất) đã nêu lý do tăng phí. Ông Tiến cho biết, mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện đã được xây dựng từ nhiều năm qua và hiện không còn phù hợp với thực tế. Ông Tiến đưa ra 5 mục tiêu tăng phí: Thứ nhất, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân; Thứ hai: giảm vi phạm của các tổ chức trông giữ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Thứ ba, tăng thu cho ngân sách nhà nước (thông qua phí, thuế...); Thứ tư: tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe hiện đại; Thứ 5: việc triển khai ứng dụng điểm đỗ xe thông minh - Iparking trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân.

 Chưa thuyết phục

Ủng hộ các giải pháp quản lý lòng đường, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu vẫn chưa rõ ràng, đúng trọng tâm và thuyết phục. Một số ý kiến cho rằng, vừa qua thành phố và nhiều cơ quan ban ngành mất nhiều công sức, thời gian ra quân “giành” lại vỉa hè, lòng đường, vậy sau khi lòng đường, vỉa hè được thông thoáng phải sử dụng cho đúng chức năng, mục đích, nếu cho thuê để thu phí thì chưa thuyết phục. “Trong mục tiêu tăng phí, lãnh đạo thành phố ít ra phải giải nghĩa rõ ràng được nội dung này: Vỉa hè, lòng đường như thế nào thì được cho thuê để trông giữ xe, vỉa hè, lòng đường thế nào thì phải sử dụng đúng chức năng là giao thông, đi lại”, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo, nguyên Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng nêu ý kiến.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đưa ra 3 lý do mà ông cho rằng, đề xuất chưa thuyết phục: Hạn chế xe cá nhân thành phố đã có cả một đề án đã được thông qua, do vậy đề xuất không cần phải đặt mục tiêu đầu tiên là hạn chế xe cá nhân; Thành phố đang hướng đến hạn chế xe cá nhân, nhưng trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm đỗ xe được thành phố cho thuê mặt bằng, tạo thuận lợi cho người đi xe cá nhân; Tăng phí là để tăng
ngân sách.

Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến cũng cho rằng, lòng đường, vỉa hè là những công trình công ích, đối tượng phục vụ là nhân dân, không thể xem đây là loại hình dịch vụ để kinh doanh hoặc tăng phí. Để quản lý tốt vỉa hè có nhiều giải pháp chứ đâu nhất thiết cứ phải tăng phí như đề xuất của lãnh đạo UBND thành phố. Trường hợp có tăng phí đi nữa thì có ai dám cam kết sau đó các vi phạm trật tự đô thị, “chặt chém” giá sẽ giảm. “Để chia sẻ và giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, năm 2017 các bộ, ngành, địa phương sẽ không bàn đến việc tăng thuế, phí. Vậy UBND thành phố Hà Nội vừa đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gấp 3 lần liệu có đi ngược chỉ đạo trên?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.

Có nhiều ý kiến muốn “chất vấn” trực tiếp ông Nguyễn Văn Sửu, trong đó có một số ý kiến có nội dung là lãnh đạo UBND thành phố thực hiện vai trò quản lý Nhà nước cho tốt. Phải làm sao “dẹp” được nạn lấn chiếm làm bãi xe lậu, “chặt chém” giá vô tội vạ, rồi mới tính đến tăng phí. Đã là vỉa hè, lòng đường thì phải dành cho giao thông, đi lại. Sau đó, với những tuyến đường, vỉa hè còn đủ rộng thì mới cho thuê lại, tuy nhiên giá thuê cũng phải trên hoạt động công ích. “Đây là những nội dung rất cần được thông tin rõ trong đề xuất để nhân dân hiểu, chia sẻ, tuy nhiên trong các mục tiêu, cơ cở để tăng phí lòng dường, vỉa hè vừa qua không thấy lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề cập đến các vấn đề này”, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội chuyển ý kiến đến Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Được trông chờ sẽ là người tiếp nhận và giải đáp những ý kiến của đại biểu nêu ra, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sửu đã không tham dự đến cuối buổi họp để giải đáp các nội dung này. Cuối cùng, chủ tọa Nguyễn Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã kết thúc buổi họp với lời hứa sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu để gửi UBND và HĐND thành phố.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.