Hà Nội: Di tích cách mạng chưa được quan tâm

Hà Nội: Di tích cách mạng chưa được quan tâm
Hà Nội rất nhiều di tích cách mạng kháng chiến. Tuy nhiên, do chưa được quan tâm đúng mực, nhiều di tích đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Hà Nội: Di tích cách mạng chưa được quan tâm ảnh 1
Bên ngoài ngôi nhà 48 Hàng Ngang - Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Nói đến di tích cách mạng và kháng chiến ở Hà Nội có lẽ phải kể đến số 5D Hàm Long, 90 Thợ Nhuộm, 48 Hàng Ngang, Phú Thượng, Phủ Chủ tịch, quảng trường Ba Đình, quảng trường Cách mạng Tháng Tám, quảng trường 1/5, Bắc Bộ phủ...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, loại hình di tích này vừa khó bảo tồn vừa khó phát huy tác dụng nếu không có sự quan tâm đặc biệt.

Trong số 1952 di tích của HN, có 252 di tích cách mạng - kháng chiến (gồm 38 di tích cấp quốc gia và Thành phố, 84 di tích được thành ủy, UBND Thành phố quyết định gắn biển...).

Tại buổi hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội, nhà Sử học Dương Trung Quốc, PGS Phan Khanh và nhà nghiên cứu Giang Quân cùng cho rằng thành phố HN chưa quan tâm đúng mức cho di tích cách mạng-kháng chiến.

Nhà 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ sống và làm việc trong những ngày tháng mới từ Việt Bắc về HN, nơi gắn với Quốc khánh, gắn với tấm lòng người HN, hiện vẫn ngổn ngang.

Mặt di tích phía Hàng Cân cũng chưa thể giải tỏa. Nhìn vào, người ta không thể hình dung vì sao Bác Hồ lại chọn nơi này làm chỗ làm việc bí mật, cũng không biết ai là chủ nhân.

“Chúng ta chỉ vun vén cho nội dung chính, còn cảnh sinh hoạt, đồ gia dụng của một gia đình Hà Nội hồi ấy thì đã bị bỏ qua” - ông Dương Trung Quốc nói.

Hà Nội: Di tích cách mạng chưa được quan tâm ảnh 2
Bộ bàn - ghế ở trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Tại đây Bác Hồ đã viết bản Tuyên ngôn độc lập

Các nhà khoa học cũng đưa ra một số đề nghị như mở lễ hội cách mạng kháng chiến gắn với di tích (nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc), khôi phục ngay nhà làm việc của Bác tại 12 Ngô Quyền mà bây giờ đang là một địa điểm ẩm thực (PGS Phan Khanh), dựng tượng đài độc lập như Mỹ, Indonesia, Campuchia đã từng làm (nhà Sử học Dương Trung Quốc).

Di tích sẽ “sống” khi nó còn sinh lãi cho người đương thời và người hậu thế. Bởi vậy, cần bàn tay công nghiệp không khói. Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó GĐ Sở Du lịch HN nêu một vài dự định.

Tuy nhiên, cũng theo bà Lan khâu hướng dẫn viên đang là một cái khó của du lịch HN. “Hướng dẫn viên là người thổi hồn vào di tích trước du khách, nhưng với di tích cách mạng-kháng chiến, có lẽ họ cũng như học sinh học môn Lịch sử thôi”(!)

Hai năm 2005 - 2006 sẽ có 41 điểm di tích được hoàn tất việc gắn biển, bàn giao cho địa phương quản lý. Theo một khảo sát gần đây nhất của BQL di tích và danh thắng HN, có 75-80% di tích và điểm di tích đã gắn bia, biển thời kỳ trước cần chỉnh lý nội dung sự kiện, thay đổi chất liệu, hình thức, mới có thể tiếp tục mời gọi người đương thời.

MỚI - NÓNG