Hà Nội: Doanh nghiệp bị thu hồi đất, đại biểu nói Sở vô cảm

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn: Sở vô can, vô trách nhiệm!
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn: Sở vô can, vô trách nhiệm!
TP - Trong phiên chất vấn sáng 9/7 của HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Sóc Sơn) phản ánh việc một doanh nghiệp bị thu hồi đất mà không biết, đề nghị Sở TN&MT, UBND thành phố Hà Nội làm rõ.

Thanh tra doanh nghiệp "bí mật"?

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất của một doanh nghiệp tại phường Yên Hoà (quận Cầu Giấy), nhưng theo khiếu nại của doanh nghiệp thì đơn vị không biết mà chỉ “nghe nói” có quyết định này. Ông Sơn cho hay, quyết định này bắt nguồn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2017 về việc thực hiện dự án của doanh nghiệp, nêu rõ 3 vấn đề chính là doanh nghiệp chưa có biên bản bàn giao mặt bằng, chưa nộp ngân sách tiền sử dụng đất và chưa thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định, cơ quan Thanh tra tiến hành thanh tra “rất bí mật”, không tiếp cận tìm hiểu hồ sơ, không làm việc với doanh nghiệp, và doanh nghiệp hoàn toàn không được biết về quá trình thanh tra cũng như kết luận sai phạm. Ngay cả quyết định thu hồi đất cũng rất bí mật, doanh nghiệp không được nhận. Đến khi doanh nghiệp này đi làm thủ tục mới biết đất đã bị thu hồi.

Theo ông Sơn, doanh nghiệp đã có đơn khiếu nại, thành phố giao Thanh tra thành phố xem xét lại trường hợp này. Sau khi có báo cáo từ Thanh tra, thành phố đã có quyết định tạm ngừng thu hồi đất. Tuy nhiên, từ 2017 đến nay doanh nghiệp không thể làm được gì với dự án. “Theo quy định, Sở TN&MT phải tiến hành kiểm tra, thanh tra mới tham mưu cho thành phố thu hồi. Tuy nhiên Sở không xuống làm việc với doanh nghiệp mà vẫn tham mưu như vậy, rất vô cảm, vô trách nhiệm. Như vậy có vi phạm luật không?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, dự án này được thành phố cho thuê đất từ năm 2004, năm 2008 đã bàn giao đất nhưng đơn vị chưa thực hiện xây dựng. Năm 2011, Thanh tra Bộ TN&MT đã thanh tra và gia hạn cho dự án thêm 6 tháng nhưng vẫn chậm thực hiện. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ có thanh tra các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố và ra kết luận thu hồi đất. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho thành phố thu hồi đất. “Sở không có thẩm quyền đi thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ mà chỉ thực hiện. Hiện thành phố đang giao cho Thanh tra thành phố xem xét khiếu nại của doanh nghiệp. Khi có kết luận về vấn đề này sẽ thông báo”, ông Đông nói. Chưa hài lòng với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn tiếp tục chất vấn. Ông Sơn nêu, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rất rõ là giao cho UBND thành phố xem xét, thu hồi. Như vậy, xem xét ở đây theo quy định trong Luật Đất đai và nhiệm vụ, trách nhiệm của Sở TN&MT là phải tổ chức thực hiện, chứ không phải Sở thanh tra lại kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Rà soát, làm đúng luật

Làm rõ thêm vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Sở TN&MT có xuống cùng với quận Cầu Giấy lập biên bản vi phạm. Theo Luật Đất đai, dự án 12 tháng chưa đưa vào sử dụng, chậm 24 tháng theo quy định thì tổ chức thu hồi, Sở TN&MT đã thụ lý hồ sơ theo Luật Đất đai. Tuy nhiên, khi thu hồi xong, doanh nghiệp có khiếu nại lại quyết định của thành phố thì thành phố phải tiếp cận xử lý theo Luật Tố cáo.

Cũng theo ông Hùng, thành phố đã giao cho Thanh tra rà soát, xem xét và trả lời trên tinh thần tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. “Thanh tra thành phố có phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ trao đổi trước mắt là tạm dừng. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ sẽ có rà soát phối hợp, kết hợp với Sở TN&MT thực hiện nên thành phố đã ra văn bản tạm dừng dự án”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cho rằng, đại biểu Sơn nên thông tin lại cho doanh nghiệp nếu có hồ sơ, tài liệu gì mà trước đây quá trình thanh tra chưa làm rõ hoặc chưa phát hiện thì tập hợp để xem xét, giải trình và có báo cáo Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng thành phố xem xét giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, trong phần giải trình, làm rõ cuối phiên chất vấn ngày 9/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực tế có phát hiện những vi phạm trong quy trình, thủ tục hành chính. “Sáng nay anh Sơn có nhắc, thì dự án này là của Cty Sông Hồng và Petrolimex 1, được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, cuối 2010 đã giao đất. Tính tiền sử dụng đất làm tròn gần 87 tỷ đồng, nhưng đến năm 2014 thì lợi dụng Nghị quyết 02 của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để không phải nộp thuế”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, đến nay, số tiền phát sinh cả nợ gốc và lãi đã lên đến gần 200 tỷ đồng. “Vừa qua chúng tôi rà soát và phát hiện việc này. Tới đây sẽ xin ý kiến, báo cáo Thường trực Thành ủy về các loại dự án thế này”, ông Chung nói và cho biết quan điểm của thành phố, với các dự án mà hiện nay không tìm thấy địa chỉ của doanh nghiệp, sẽ công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, giao cho cán bộ Cục Thuế, nhờ công an xác minh. Nếu sau một thời hạn nhất định mà không đến thì sẽ đề xuất thu hồi theo đúng quy định pháp luật.

Nhà đầu tư … biến mất
Chất vấn về thu hồi các dự án chậm triển khai, đại biểu Hồ Vân Nga nêu vấn đề, với 5 dự án không liên lạc được với chủ đầu tư, gồm dự án ở lô đất 13 KĐT mới Đại Kim (Định Công, Hoàng Mai), dự án ở 75 Phương Mai - quận Đống Đa và 3 dự án ở huyện Thạch Thất sẽ được xử lý thế nào. “Việc triển khai thiết lập hồ sơ xử lý xử phạt của Sở TN&MT với các dự án này tiến hành đến đâu - nếu chưa thì lý do, trách nhiệm các cơ quan liên quan ra sao, kể cả trách nhiệm của các quận huyện có dự án trên địa bàn?”, bà Nga nêu vấn đề. 
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai thông tin, ở Sơn Tây, dự án tiểu khu nhà ở của Công ty Á Châu kéo dài hơn chục năm, đã được gia hạn do khó khăn từ năm 2012, nhưng đến nay đã mất khả năng thanh toán. Nhiều lần Cục Thuế cưỡng chế tài khoản nhưng không có để thực hiện, đề nghị kê biên tài sản…Cty đã cam kết hết 2018 sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính; số nợ gốc phải chậm nộp đến nay lên tới 486 tỷ đồng, gấp 10 lần số tiền phải nộp…và bằng đúng 1 năm dự toán thu ngân sách của thị xã Sơn Tây. Bà Mai hỏi, với những dự án thế này thì xử lý dứt điểm thế nào?
Về vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện Cty đã xây dựng được 5 căn nhà nhưng mới nộp ngân sách được 48 tỷ đồng, tổng số tiền nợ gốc lãi của doanh nghiệp hiện đã lên đến 486 tỷ đồng, doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán. Do đó, doanh nghiệp đã kiến nghị với thành phố chấp hành bị thu hồi lại đất, chỉ đề xuất được sử dụng phần đất tương ứng với số tiền đã nộp.

Phong - Hoàng

Hàng trăm quán karaoke hoạt động chui

Chiều 9/7, trong phần chất vấn liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng kinh doanh karaoke vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Theo báo cáo của Công an thành phố, 323 cơ sở kinh doanh karaoke, chủ yếu ở các huyện như Đông Anh, Mê Linh, Thạch Thất... vẫn lén lút hoạt động. Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ có khoảng 500 điểm đủ điều kiện. Còn lại, hơn 1.000 điểm không đủ điều kiện. “Các quận, huyện đã đình chỉ hoạt động các cơ sở này”, ông Động nói, và cho biết, hiện vẫn có tình trạng hoạt động lén lút.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.