Hà Nội đòi lại vỉa hè: Linh hoạt nhiều giải pháp

Một hộ kinh doanh trên phố Lò Sũ bị lập biên bản xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Trường Phong
Một hộ kinh doanh trên phố Lò Sũ bị lập biên bản xử phạt hành vi lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Trường Phong
TP - Theo ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn Thủ đô là việc làm thường xuyên. Còn đợt ra quân “giành” vỉa hè lần này chỉ là tăng cường độ, chứ không làm theo cảm hứng.

Đòi lại vỉa hè làm… giảm doanh thu?

Ngày 6/3, tại cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội với các đơn vị liên quan, vấn đề “giành lại” vỉa hè trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được các đại biểu làm rõ. Ông Phan Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đưa ra hàng loạt chế tài, quy định liên quan đến việc khai thác, quản lý và xử lý việc lấn chiếm vỉa hè. Theo quy định, Hà Nội cũng có thể tăng mức xử phạt gấp 2 lần. Từ những căn cứ pháp lý, ông Sơn cho rằng, thành phố có thể nghiên cứu tăng mức xử phạt hành chính ở lĩnh vực này, dù đây không phải giải pháp số một.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị tăng chức năng cho lực lượng thanh tra xây dựng để thêm lực lượng quản lý trật tự đô thị. Thực tế, theo ông Sơn thì việc quản lý trật tự đô thị của Hà Nội đã làm từ đầu khóa, làm trọng tâm, quyết liệt và bài bản, đạt được nhiều thành tựu. Do vậy, ông Sơn cho rằng, trong đợt ra quân “giành lại” vỉa hè lần này của Hà Nội chỉ gia tăng cường độ chứ không phải làm từ cảm hứng của ông Phó Chủ tịch quận 1 hay lan tỏa từ TPHCM ra Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo chỉ đạo của thành phố, vừa qua sở đã thành lập đoàn công tác làm việc với các quận, lập danh mục các bãi đỗ xe. Từ đó, Hà Nội sẽ làm rõ nếu bãi nào đủ điều kiện thì cho phép lập bãi đỗ xe vì hiện nay nhu cầu lớn. Dự kiến, đến ngày 30/3, Sở GTVT Hà Nội sẽ có báo danh mục các bãi xe kể trên lên UBND TP. Ông Viện cũng báo cáo với lãnh đạo thành phố về tiến độ xây dựng bãi đỗ xe thông minh. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các đơn vị liên quan, nội dung của dự án thiên về phương án thu tiền đỗ xe qua điện thoại. Trong tháng 3 này, đề án sẽ được trình thành phố và triển khai trong tháng 5.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua việc các đơn vị của quận Hoàn Kiếm xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các hộ kinh doanh ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũng phản ánh việc giảm doanh thu. Do vậy, ông Chung đề nghị nghiên cứu mỗi tuyến phố, khu vực tìm chỗ đỗ xe thuận tiện để hướng dẫn người dân đến đó để xe. Ông Chung cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại Quyết định 15 về lòng đường, vỉa hè. Về đề xuất giao thêm chức năng cho lực lượng thanh tra xây dựng, ông Chung cho rằng, giao cho lực lượng này xử lý người dân vứt rác là phù hợp.

Lãnh đạo quận gửi thư ngỏ kêu gọi trả lại vỉa hè

Ngày 6/3, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã gửi thư ngỏ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân quận liên quan đến vấn đề vỉa hè. Lãnh đạo quận Thanh Xuân cho rằng, để quận văn minh, hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp thì rất cần sự thống nhất, ủng hộ, đồng sức, đồng lòng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân. UBND quận đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân không chiếm dụng lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định. “Đặc biệt UBND quận trân trọng đề nghị và tin tưởng các hộ gia đình đang cư trú, kinh doanh tại các nhà mặt đường, mặt phố sẽ sắp xếp gọn gàng hàng hóa trong khuôn viên nhà đất của mình để dành vỉa hè phong quang, sạch đep cho người đi bộ”, bức thư có đoạn.

Thư ngỏ của lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng yêu cầu những hộ kinh doanh buôn bán ở mặt đường chủ động tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, các hạng mục xây dựng không đúng quy định, bệ bục, vật dụng... gây ảnh hưởng đến sự thông thoáng của vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Không dừng, đỗ phương tiện trên vỉa hè, dưới lòng đường sai quy định; đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả nước thải bừa bãi. Tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh và bảo vệ môi trường, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt không đúng quy định. Trao đổi với Tiền Phong, ông Lưu cho biết, thư ngỏ là bước đầu tiên, nhằm tuyên truyền đến người dân. “Theo đúng lộ trình của kế hoạch thì bước đầu chúng tôi tuyên truyền kết hợp vận động tại hiện trường. Mong rằng mọi người dân trong quận đọc thư ngỏ và có thay đổi tốt cho chính bà con, cho phố phường, cho quận và cho Thủ đô. Đây là điều quan trọng nhất để đồng thuận thực hiện”, ông Lưu nói.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, quận sẽ gửi thư ngỏ theo chỉ đạo của thành phố. Theo ông Long, quận đã có những nghiên cứu rất cụ thể về điều kiện để xe máy của các hộ dân, hộ kinh doanh trên tuyến phố địa bàn, đặc biệt là khu vực phố cổ. Các đơn vị, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm trong giới hạn vạch kẻ cho phép thì vỉa hè vẫn còn diện tích cho người đi bộ. Tại các điểm di tích, tại các tuyến phố có các bệnh viện, quận đều đã bám sát các chỉ đạo của thành phố để làm việc với công an và Sở GTVT về việc sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua việc các đơn vị của quận Hoàn Kiếm xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các hộ kinh doanh ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào cũng phản ánh việc giảm doanh thu. Do vậy, ông Chung đề nghị nghiên cứu mỗi tuyến phố, khu vực tìm chỗ đỗ xe thuận tiện để hướng dẫn người dân đến đó để xe.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.