Hà Nội đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh, xe bồn: Nghi vấn trục lợi

Cầu vượt đi bộ Trần Duy Hưng tại ĐH LĐ&XH bị biển quảng cáo lắp đặt sai quy định bịt kín mặt 2 bên
Cầu vượt đi bộ Trần Duy Hưng tại ĐH LĐ&XH bị biển quảng cáo lắp đặt sai quy định bịt kín mặt 2 bên
TP - Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với mục tiêu phục vụ người đi bộ sang đường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tuy nhiên sau khi đưa vào sử dụng, 45 cầu vượt đi bộ tại Hà Nội bị biến thành giá đỡ biển quảng cáo. Đây là sản phẩm của dự án “xã hội hóa” đổi biển quảng cáo lấy nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội…

 Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn

Theo thiết kế, cầu vượt đi bộ trên đường Trần Duy Hưng đoạn trước cổng trường Đại học Lao động và Xã hội (ĐH LĐ&XH) có chức năng phục vụ người đi bộ sang đường, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tạo văn minh và cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, sau khi xây xong và đưa vào sử dụng không lâu thì giữa năm 2018, mặt lan can hai bên cầu bỗng dưng bị treo các biển quảng cáo tấm lớn. Với thiết kế khung, mái vòm và bờ lan can để thoáng hai bên, cầu vượt đi bộ Trần Duy Hưng đã phục vụ hiệu quả và an toàn cho hàng vạn lượt người dân, đặc biệt là sinh viên tại ĐH LĐ&XH qua lại.

Từ khi lan can hai bên cầu bị treo biển quảng cáo tấm lớn và bịt hết khoảng thoáng nhìn ra đường phố, khiến việc sử dụng cầu của người dân tại đây gặp trở ngại khi vào ngày nắng thì nóng bí, vào ngày mưa thì ẩm tối. Đó là chưa kể vào ban đêm tại đây nguy cơ làm “bãi đáp” cho các con nghiện ma túy lộng hành…

Quan sát trên cầu vượt ở đường Trần Duy Hưng vào những ngày qua chúng tôi ghi nhận, hiện mặt tiền lan can cầu đang bị bịt kín bởi 4 biển quảng cáo tấm lớn với chiều dài 13 mét, cao 3 mét/tấm. “Do bờ lan can bị che và bịt kín toàn bộ mặt thoáng của cầu như vậy nên bên trong cầu vượt đi bộ không khí luôn bí bách và có cảm giác không an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là phụ nữ”, anh Tiến, một người dân sống trên đường Trần Duy Hưng phản ánh.

Khảo sát trên hàng chục tuyến phố đã được đầu tư, xây dựng hệ thống cầu vượt đi bộ, chúng tôi ghi nhận, toàn bộ thành cầu vượt, từ bờ lan can cho đến trụ đỡ mái vòm được thiết kế, lắp đặt thẩm mỹ, hài hòa với cảnh quan đô thị từng tuyến phố nhưng nay như chiếc “áo vá” bởi các biển quảng cáo, hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp (DN). Đường Võ Chí Công đoạn từ Cầu Giấy đi cầu Nhật Tân còn là con đường đối ngoại nối thẳng tới sân bay quốc tế Nội Bài.

Trên tuyến hiện có 3 cầu vượt đi bộ được thiết kế đồng bộ theo kiến trúc thoáng nóc, bờ lan can hình răng lược phù hợp với trục giao thông hiện đại, tuy nhiên hơn 1 năm nay toàn bộ 3 bờ lan can tại 3 cầu này lần lượt bị biến thành giá đỡ của biển quảng cáo tấm lớn. Nếu cầu vượt tại đầu đường Võ Chí Công và cầu tại vị trí trường cấp 2 Xuân La biển quảng cáo được phủ một màu đen nâu để giới thiệu một dự án bất động sản, thì cầu vượt tại Phú Thượng lại phủ một nền sơn trắng, ghi rất to số điện thoại để mời gọi quảng cáo…

Tương tự, tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ có 3 cầu; đường Nguyễn Trãi: 3 cầu; đường Nguyễn Chí Thanh: 2 cầu; phố Thái Hà - Chùa Bộc: 2 cầu; Xã Đàn - Đại Cồ Việt: 2 cầu…; tất cả bờ lan can các cây cầu vượt đi bộ cũng bị bịt kín bởi biển quảng sản phẩm nước uống, sữa tươi, bất động sản, ô tô… Do hầu hết các cầu vượt đường bộ lắp đặt ở nút giao thông, khu vực có mật độ giao thông lớn, nên mỗi khi đi qua đây hoặc dừng đèn đỏ, thay vì ngắm không gian phố phường, những cây cầu vượt phần nào thể hiện nét văn minh thì “đập” vào mắt người đi đường là các biển quảng cáo đủ màu, đủ loại hình ảnh sản phẩm…khiến người đi đường loạn mắt. Đặc biệt, có những tấm biển quảng cáo sử dụng nhiều đèn Led, làm lóa mắt người đi đường vào ban đêm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Sai phép và sai quy định

Trước khi xuất hiện các biển quảng cáo trên cầu vượt đường bộ như hiện nay, trong các năm 2009 - 2010 trên cầu vượt Ngã Tư Sở đã từng xuất hiện những tấm biển quảng cáo ở thành cầu để quảng cáo cho một siêu thị lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi báo Tiền Phong và một số báo khác phản ánh về việc này, Sở VH-TT Hà Nội đã cho dỡ bỏ. Tại thời điểm đó, khẳng định với phóng viên, lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội cho biết, đây chỉ là việc làm cục bộ và việc lắp này đã gây ảnh hưởng đến giao thông, sai thiết kế cầu vượt, sai quy định về quảng cáo... Tuy nhiên đến nay, không chỉ 1 cầu vượt mà việc lắp đặt biển quảng cáo trên còn xuất hiện đồng loạt trên 45 cầu vượt đi bộ tại Hà Nội (!?).

Theo tìm hiểu, đây không còn là “việc làm cục bộ” nữa mà đã trở thành “chiến dịch” bịt mặt cầu vượt, thâu tóm các vị trí vàng đắc địa nhất về quảng cáo khi việc này được lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội ra quyết định phê duyệt thành dự án khá quy mô. Cụ thể, theo Quyết định số 2856/QĐ-UBND được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 18/5/2017, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận để doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng nhà vệ sinh, đầu tư 10 xe bồn, 50 cây lọc nước và 200 ghế gang đúc phục vụ công cộng trên địa bàn thành phố. Tổng giá trị của dự án là 193 tỷ đồng. Để hoàn vốn dự án, doanh nghiệp thực hiện được phép khai thác quảng cáo trên các cầu vượt đường bộ trong vòng 10 năm. Doanh nghiệp được chọn thực hiện dự án là Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing (viết tắt Cty Vinasing).

Về tiến độ thực hiện, quyết định trên nêu rõ: Doanh nghiệp triển khai dự án bắt đầu từ quý I/2017 đến quý III/2017 (khoảng 7 tháng). Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện cũng như rà soát tiến độ dự án, Sở Xây dựng (đơn vị quản lý dự án trực tiếp) cũng lưu ý, doanh nghiệp chỉ được thực hiện khai thác quảng cáo trên cầu vượt đường bộ khi đã bàn giao 2/3 số công trình công cộng. Tuy nhiên, ngoài tiến độ thực hiện và bàn giao các công trình trên bị chậm, chất lượng kém, việc thực hiện treo biển quảng cáo trên cầu vượt hiện nay có nhiều vi phạm các quy định về quảng cáo ngoài trời.

Cụ thể, Quy hoạch và Quy chế quản lý quảng cáo của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Về vị trí lắp đặt biển quảng cáo tại cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ, việc treo, gắn biển quảng cáo phải thực hiện ở mặt phía trong lan can cầu, hầm. Về chiều cao, để không ảnh hưởng đến kiến trúc cầu, mỹ quan trong khu vực, biển quảng cáo không vượt quá chiều cao lan can cầu… Tuy nhiên, ghi nhận tại hầu hết các cầu vượt đường bộ đã được Cty Vinasing lắp đặt biển quảng cáo vừa qua, chúng tôi thấy rằng, toàn bộ vị trí biển quảng cáo đều được lắp đặt phía bên ngoài lan can cầu (mặt hướng ra đường giao thông).

Về chiều cao, kích thước, nhiều biển quảng cáo cao hơn cả lan can cầu, thậm chí còn cao, rộng gấp nhiều lần so với kích thước được cấp phép. Đơn cử, ngoài biển quảng cáo lắp đặt phía mặt ngoài lan can (vi phạm quy định), chiều cao bờ lan can thành cầu qua đường Trần Duy Hưng tại ĐH LĐ&XH chỉ khoảng 70 cm, tuy nhiên biển quảng cáo tại đây có chiều rộng tới 3 mét, vượt gấp 4 lần chiều cao thành lan can. Tương tự, cầu vượt trên đường Giải Phóng đoạn trước Bệnh viện Bạch Mai, cầu trên đường Xã Đàn đoạn qua trường tiểu học Phương Liên, cầu trên đường Yên Phụ đoạn qua số nhà 34, ngoài lắp đặt phía bên mặt ngoài, biển quảng cáo tại đây còn cao gần gấp đôi bờ lan can…

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.