Hà Nội dừng làm nhà vệ sinh tiền tỷ là đúng

Bà Bùi Thị An
Bà Bùi Thị An
TP - Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trao đổi với Tiền Phong về chuyện Hà Nội dừng làm 14 nhà vệ sinh tiền tỷ.

 “Việc làm của thành phố rất đáng hoan nghênh. Đây là điều hành rất nhạy bén, sáng suốt, hợp lòng dân. Thành phố xanh, sạch đẹp nhưng cũng phải chống lãng phí, hình thức. Những hạng mục đầu tư, chi tiêu liên quan đến tiền từ ngân sách phải minh bạch từ chủ trương, phê duyệt đến quy mô dự án”, bà Bùi Thị An nói.

Hà Nội có nhiều dự án, công trình lãng phí như làm cổng chào, đào vỉa hè còn tốt, làm nhà vệ sinh tiền tỷ. Lãnh đạo thành phố đã cho dừng kế hoạch xây 14 nhà vệ sinh tốn kém. Bà nghĩ sao?

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nếu đầu tư mà gây lãng phí, tốn kém ở địa phương, ngành mình quản lý. Để hạn chế, tránh đến tận cùng lãng phí tiền của dân, phải rất công khai về nguồn vốn. Phải công khai để hạn chế tham nhũng, lãng phí. Mặt khác phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng và nhân dân. Nếu để đầu tư không cần thiết, phải giải trình, chịu trách nhiệm. Bởi đây là kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí.

Cho nên việc thành phố dừng 14 nhà vệ sinh tiền tỷ bằng tiền ngân sách là chủ trương đúng, rất đáng hoan nghênh. Nhưng cũng qua đây, thành phố nên có rà soát, những công trình nào lãng phí, tốn kém, hình thức đều phải dừng để lấy tiền lo cho dân, cho những việc thiết thực hơn.

Bà nghĩ gì về những cổng chào đua nhau mọc lên thời gian qua?

Với thành phố Hà Nội hay địa phương nào cũng thế, kiến trúc rất quan trọng, vì đó là bộ mặt nhưng phải chống hình thức. Nếu chỉ nặng hình thức, cổng chào đẹp, nhà vệ sinh đắt tiền mà bẩn, trường không tốt, đường sá xuống cấp thì không xứng. Hình thức cần thiết nhưng phải phù hợp điều kiện phát triển của xã hội, của địa phương đó, đừng tiêu phí quá, nhiều tiền của dân đóng góp.

Tôi nghĩ căn bệnh cổng chào trong năm nay sẽ được chữa trị. Lãnh đạo thành phố chắc đã chủ trương không cho làm thêm cổng chào mới. Còn về trách nhiệm, thì cổng chào là vấn đề quá khứ, không lẽ xử lý là phá đi? Trách nhiệm cũng cần nhưng cái hay là có giải pháp để có đột phá chuyển biến mới trong năm 2014 -  năm trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị của Thủ đô.

 Nên xã hội hóa

 Hà Nội dừng nhà vệ sinh tiền tỷ từ tiền ngân sách, còn TPHCM lại làm nhà vệ sinh 4-5 sao (chi phí khoảng 800 triệu đồng/nhà vệ sinh), dùng nguồn xã hội hóa, để dân sử dụng miễn phí. Là đại biểu Quốc hội Hà Nội, bà có cho rằng, Thủ đô cũng nên tham khảo cách làm đó?

Đầu tư, chi tiêu công thì bất kỳ đồng tiền nào của ngân sách cũng đều phải được quản lý chặt chẽ đến tận cùng. Vì đây là tiền từng người dân lao động đóng góp cho Nhà nước. Tôi nghĩ nhu cầu về nhà vệ sinh thành phố đang rất cần, thậm chí nhiều nơi đang thiếu. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nếu sử dụng ngân sách xây dựng thì nên tính toán quy mô, hình thức sao cho phù hợp, tiện lợi,  đừng tiêu tốn ngân sách quá.

Còn nếu mà tổ chức xã hội hóa được thì quá tốt. Đấy cũng là một cách làm mà thành phố nên tính đến. Nếu xã hội hóa thì các nhà vệ sinh đó sẽ sạch, hiệu quả, tốt hơn. Qua đây, thành phố cũng nên có rà soát, tính toán lại vấn đề này.

Cảm ơn bà.

MỚI - NÓNG