Hà Nội : Giải pháp nào cho con đường gốm sứ?

Hà Nội : Giải pháp nào cho con đường gốm sứ?
TP - Sau hai bài báo đăng trên Tiền Phong cuối tuần số 34 và 35  (ra ngày 21 và 28 tháng 8/2009) về dự án con đường gốm sứ tại Hà Nội, đã dấy lên một làn sóng khen chê tác phẩm nghệ thuật cộng đồng này trên rất nhiều báo chí.

>> Con đường gốm sứ, một kiểu quảng cáo trá hình giá rẻ?
>> Con đường gốm sứ - Một dự án nghiệp dư
>> Nhếch nhác con đường gốm sứ

Hà Nội : Giải pháp nào cho con đường gốm sứ? ảnh 1
Một đoạn con đường gốm sứ mới thi công. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tuy nhiên, khen cũng dễ, chê cũng dễ nhưng đưa ra các giải pháp cho dự án này mới là điều đáng bàn. Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) với những phân tích về các vấn đề đang được đặt ra và giải pháp cho dự án này.

1.Một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà Tiền Phong đã đề cập đến nhưng dường như lại không được các báo chí khác đưa ra mà chỉ xoáy vào nội dung và việc quảng cáo trên con đường gốm sứ, đó là: vị trí thực hiện của con đường là một vị trí sai ngay từ đầu.

Cho dù ý tưởng làm đẹp thành phố này là một ý tưởng rất hay nhưng tiếc là nó đã không được đặt đúng chỗ. Bởi lẽ khi thiết lập ý  tưởng đặt những bức tranh lên bức tường thấp của con đường vành đai này, chủ dự án - nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã hoàn toàn không tính đến điểm nhìn tổng thể của bức tranh gốm sứ mà dự án tạo ra.

Điều này khiến cho các bức tranh nếu có hình thức đẹp, có nội dung hay đi chăng nữa cũng rất hạn chế trong việc thưởng thức. Ngoài ra do mảng tường để thực hiện bức tranh đã hẹp lại dài nên không thể đưa những hoạt cảnh có nội dung lịch sử hoành tráng như chủ dự án khẳng định và do đó giải pháp duy nhất cho nó chính là đặt lên đó những tác phẩm trang trí thuần túy để làm sạch mảng tường bê tông khô cứng. Điều này lẽ ra sẽ không có gì đáng bàn, nhưng xung quanh câu chuyện này đã phủ lên trên nó những ý nghĩa khác nhau vì nó phải hướng đến nhiều mục đích khác nhau.

2.Việc đầu tiên đáng nói là có lẽ người ta đã nhầm lẫn rất căn bản giữa việc qui hoạch tổng thể của dự án con đường gốm sứ với nội dung nó được thể hiện ra. Quy hoạch tổng thể của con đường hiện tại theo kiểu: đoạn tái hiện lịch sử, đoạn tái hiện hoa văn dân tộc, đoạn tranh thiếu nhi… nhưng thực chất đây chỉ là nội dung.

Quy hoạch tổng thể không phải chỉ là việc người ta vẽ gì trên đó mà là thiết kế từng trường đoạn sao cho thích hợp với cảnh quan môi trường. Ví dụ như đoạn này giao thông có tốc độ cao, cần những bức vẽ giản lược về chi tiết. Đoạn khác giao thông tốc độ chậm hơn, cần có những bức tranh thích hợp có ý nghĩa cả về thị giác lẫn nội dung.

Từ những qui hoạch căn bản liên quan đến cảnh quan môi trường như vậy, tiếp đến mới thiết kế tổng thể cho “bức tranh” dài 6.000m với một phong cách chủ đạo. Cuối cùng mới đến nội dung cho những bức tranh được thể hiện ra trên đó. Nội dung này sẽ phải tuân thủ đầy đủ những thông số kỹ thuật cũng như các giá trị cảnh quan đã được quy hoạch trên. Và nằm trong thiết kế phong cách chủ đạo của toàn bộ con đường. Khi đó việc đưa tranh thiếu nhi vào đoạn nào, đoạn nào tái hiện lịch sử … mới có được tính hợp lý nhất định. Việc qui hoạch cụ thể này sẽ tạo ra sự thống nhất chứ không phải kiểu dạng cắt khúc để đặt nội dung như hiện nay.

3.Về yếu tố nước ngoài. Trước hết hãy để con đường gốm sứ là con đường của dân trước khi nó được quốc tế hóa. Những tác phẩm của nghệ sĩ nước ngoài được gắn lên đó cũng cần có sự giải thích một cách rất cụ thể với người dân, bởi thông qua những tác phẩm này, họ đã mang đến thành phố một thứ văn hóa khác, đặt lên con đường của Hà Nội. Vậy những văn hóa, hình tượng nghệ thuật đó có thực sự có ý nghĩa với người dân Hà Nội hay không, có đóng góp giá trị đích thực cho đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô hay không? Bởi những tác phẩm này không chỉ là những tác phẩm thời vụ mà còn là những tác phẩm để đời “cho muôn ngàn năm sau”.

Nếu làm được điều này, thì dự án sẽ tránh được việc người dân vốn đã chả hiểu gì về nghệ thuật lại còn mù tịt hơn trước những tác phẩm rất trừu tượng của các nghệ sĩ nước ngoài. Điển hình là tác phẩm của Dominic de Miscaul  người Pháp đã được gắn lên tường. Bà đã trích những câu văn thơ gì đó trong trường ca “Đẻ đất đẻ nước” và kết hợp với những biểu tượng hóa gì đó mà không ai hiểu nổi.

4.Vấn đề cộng đồng: Một trong những mục đích tiên quyết của dự án con đường gốm sứ đặt ra đó là phát triển nghệ thuật cộng đồng. Chủ dự án cũng rất tự tin nên khẳng định rằng: “Nếu nó không có nghệ thuật thì tại sao bạn bè quốc tế lại có thể ủng hộ đến như vậy?”.

Tuy nhiên, mục đích vì cộng đồng và mục đích hướng ngoại là hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế chúng ta cần nhìn lại chính mình trước khi vin vào bất cứ lý do nào đến từ phía bên ngoài. Bởi nếu ta không giải quyết được những vấn đề của ta, thì khi có sự tham dự của các bè bạn quốc tế vào, họ cũng không giải quyết được các vấn đề của ta.

Với mục đích vì cộng đồng, dự án đã tạo ra được một số cuộc thi vẽ tranh cho các em thiếu nhi nhằm lấy những tác phẩm đó làm nguyên liệu cho các bức ghép gốm. Nhìn vào việc tổ chức các cuộc thi tranh thiếu nhi, hay xem đoạn tranh thiếu nhi đã được ghép gốm ở đây thì thấy rằng: đây vẫn chỉ là những tác phẩm được tạo ra từ những cá nhân chứ không phải tác phẩm thể hiện ra tinh thần chung của cộng đồng thiếu nhi.

Trong khi đối với các dự án nghệ thuật cộng đồng, thì việc tổ chức cho các em xây dựng một bức tranh chung chính là cách giáo dục trẻ sống và ứng xử trong cộng đồng. Bản chất vấn đề tương tự như việc (nếu) dự án tổ chức được các buổi nói chuyện để xây dựng tác phẩm từ chính người dân cho đoạn đường họ chịu trách nhiệm thì mục đích cộng đồng mới đạt. Còn việc tập hợp lại các tác phẩm của cá nhân nghệ sĩ (dù đó là họa sĩ trong nước hay họa sĩ nước ngoài) thì mục đích này đã bị chối bỏ.

Còn những hiệu ứng xã hội như đoạn đường đã tạo thành nền cảnh cho một số đôi uyên ương tìm cái lạ cho những bức ảnh cưới của mình thì hoàn toàn không chứng tỏ được giá trị thẩm mỹ cao của tác phẩm. Nó chỉ chứng tỏ dự án đã được người dân quan tâm. Sự quan tâm tới dự án và việc được tham gia để nâng tầm hiểu biết nghệ thuật của người dân là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Một dự án nghệ thuật vì cộng đồng cần phải được người dân tham dự, tìm thấy được giá trị sống của chính mình và cộng đồng mình ở đó, chứ không phải là dự án dành cho các doanh nghiệp vinh danh và người nước ngoài tham dự vào dưới hình thức giao lưu văn hóa.

5.Vấn đề về việc tài trợ của các công ty, vinh danh nhà tài trợ, thì cách làm có văn hóa nhất là đặt tất cả logo của các nhà tài trợ vào một khu vực riêng trên con đường gốm sứ, chứ không phải là làm logo chặn hai đầu của đoạn đường mà đơn vị đó tài trợ.

Kèm theo việc đặt logo của các nhà tài trợ, thì dự án cũng cần phải công khai hóa việc nhận và sử dụng tiền tài trợ như thế nào đối với cộng đồng. Việc làm này cũng là việc làm được các nước trên thế giới rất chú trọng trong các dự án văn hóa cộng đồng.

6.Vấn đề cuối cùng là tiến độ thực hiện. Nếu chúng ta luôn chạy theo hình thức, chạy theo các dịp kỷ niệm lớn để tạo dựng ra những công trình văn hóa cho gấp rút mà không suy tính đến những hệ quả văn hóa sau nó, thì chúng ta sẽ chỉ có được những công trình thời vụ, kém về chất lượng, xấu về hình thức, hỏng về nội dung, mà những bài học vẫn còn đó như chuyện tượng đài Điện Biên Phủ.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.