Hà Nội - Hào hùng ký ức 65 năm

Tái hiện không khí mùa thu lịch sử 1954 Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Tái hiện không khí mùa thu lịch sử 1954 Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - Sáng nay, 10/10, tại phố bích họa Phùng Hưng sẽ diễn ra chương trình “Ký ức Hà Nội - 65 năm”, kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).

Tái hiện  lịch sử

Trước đó, từ ngày 4/10, tại phố bích họa Phùng Hưng, những hình ảnh tư liệu quý, thể hiện không khí hào hùng lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô cách đây 65 năm được trưng bày, giúp người xem có cơ hội tìm hiểu về một trong những cột mốc quan trọng nhất của cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta. Một cổng chào được dựng lên với biểu ngữ “Hồ Chủ tịch muôn năm” bên cạnh chân dung vị cha già dân tộc, tái hiện thời khắc giữa trời thu trong xanh, cờ đỏ sao vàng cùng băng rôn, khẩu hiệu rợp phố phường trong ngày tiếp quản Thủ đô 65 năm trước.

Thông qua hình ảnh tư liệu, trưng bày, ban tổ chức kể lại câu chuyện lịch sử về Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp từ ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), qua 9 năm nếm mật nằm gai để tiến tới những giờ phút huy hoàng giải phóng Thủ đô.

Hà Nội những ngày này sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô. Cùng với việc trưng bày triển lãm hình ảnh tư liệu, phố bích họa Phùng Hưng cũng diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống, tạo không gian vui chơi lành mạnh cho thế hệ trẻ. Theo ghi nhận của phóng viên, không gian phố bích họa Phùng Hưng thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đổ về tham dự. Không chỉ có các hoạt động triển lãm, tại phố bích họa Phùng Hưng còn diễn ra các chương trình biểu diễn âm nhạc, thời trang, nhảy dân vũ.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Sở VHTT Hà Nội cho biết, chương trình “Ký ức Hà Nội 65 năm” nhằm mục đích tuyên truyền về một trong những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử của dân tộc tới người dân, du khách; ngoài ra tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước với học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, giúp các em thêm cơ hội tìm hiểu về cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Qua đó, giúp mỗi công dân có những hành động thiết thực, ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, giàu truyền thống cách mạng.

Ngày 6/10, Hà Nội cũng tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, đúng ngày Giải phóng Thủ đô với sự tham gia của các đồng chí lão thành cách mạng, các lãnh đạo, cựu lãnh đạo trung ương và Hà Nội, bộ đội, người dân và học sinh. Tại sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ) đã diễn ra Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào.

Ký ức ngày trở về

Dịp này, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng tổ chức giao lưu với nhân chứng lịch sử mang tên “Ký ức ngày trở về”. Tại buổi giao lưu, ông Hoàng Quân Tạo, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946 - 1954, Ủy viên ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò; nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã chia sẻ về ký ức Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần quyết tử của quân và dân thời điểm đó.

Người giao liên tham gia chiến đấu, bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nội, bố mất khi ông mới 2 tuổi, đến năm 5 tuổi thì mẹ đi bước nữa, ông phải về ở với bà ngoại trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Để phụ giúp gia đình, ông sớm phải bươn trải, mưu sinh bằng các nghề như bán báo, đánh giầy. Năm 12 tuổi ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà. “Lúc đó, tôi còn bé chưa được cầm súng, chỉ mang lựu đạn tiếp cho các lực lượng, lúc đó ít tuổi nhưng hăng hái lắm, không ngại khó, ngại khổ”, ông Hoàng Quân Tạo kể.

Tháng 12/1946, Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến , ông Tạo đi theo lực lượng tự vệ chiến đấu. Với sức trẻ sôi sục, ông cùng các chiến sỹ đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, qua các phố như Hàng Ngang, Hàng Cân, Hàng Bồ, Hàng Bút... để tạo thành con đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng, đồng thời ông tham gia vào các lực lượng chiến đấu tại các con phố.

Sau 45 ngày chiến đấu, qua một số trận đánh, ông bị sốt cảm và được đưa ra vùng Thanh Trì làm nhiệm vụ liên lạc cho du kích, đến cuối năm 1948 lại chuyển vào hoạt động trong nội thành. Đến tháng 6/1952, thì ông bị địch bắt tại 85 Hàng Đường, sau đó bị đánh, tra tấn và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông đã cùng các đồng đội bị địch tra tấn chết đi sống lại nhằm triệt tiêu hoàn toàn tinh thần chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng. Mặc dù bị địch dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng với bản chất kiên cường, tinh thần tiến công của người chiến sĩ cách mạng, ông vẫn bảo mật được thông tin về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình.

Không những vậy, trong thời gian bị giam tại nhà tù Hoả Lò, ông đã cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, cùng nhau tổ chức các lớp học văn hoá, chính trị nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ lý luận tiếp tục hoạt động cách mạng khi có thời cơ.

“Những người chiến sỹ cách mạng tuy bị địch tra tấn, bạo hành nhưng luôn giữ tinh thần kiên trung bất khuất. Qua những năm tháng tù đày đã trưởng thành, sau khi ra tù lại trở về chiến đấu trên các mặt trận. Hàng năm cứ đến ngày này trong lòng tôi luôn xốn xang và nhiều xúc cảm khi nhớ lại ngày chiến đấu và chiến thắng trở về” - người giao liên năm xưa nói đầy xúc động.

Qua lời kể của ông, ngày ra khỏi nhà tù Hỏa Lò cũng đúng thời điểm Thủ đô được giải phóng. Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử ông bồi hổi kể rằng, ngày đó - vào mùa Thu lịch sử 65 năm về trước, Thủ đô Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng, khi đoàn quân lớp lớp tiến vào tiếp quản Thủ đô…

Ngày 6/10, Hà Nội cũng tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, đúng ngày Giải phóng Thủ đô với sự tham gia của các đồng chí lão thành cách mạng, các lãnh đạo, cựu lãnh đạo trung ương và Hà Nội, bộ đội, người dân và học sinh.

               
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.