Hà Nội: Hơn 2.000 điểm công sản 'trôi nổi', lãng phí

Hà Nội: Hơn 2.000 điểm công sản 'trôi nổi', lãng phí
TP - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cho biết: “Hiện thành phố có hơn 2.000 điểm công sản là nhà, đất của thành phố đang được cho thuê, cho thuê lại, hoặc sử dụng không đúng mục đích...".
Hà Nội: Hơn 2.000 điểm công sản 'trôi nổi', lãng phí ảnh 1
Một điểm công sản sử dụng sai mục đích

“Mặc dù chưa phát hiện vụ việc lớn trong thời gian qua, nhưng không thể lơ là, xem nhẹ nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, lãng phí”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo như vậy tại Hội nghị giao ban lãnh đạo thành phố với quận huyện-hôm qua (26/6).

Đánh giá việc thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng có 3/5 nhiệm vụ được triển khai, thực hiện khá tốt, đó là: Công tác cải cách hành chính; chấn chỉnh, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng; xã hội hoá thu hút các nguồn lực đầu tư.

Hai vấn đề thành phố chưa hài lòng

Theo Bí thư Phạm Quang Nghị, có hai vấn đề lãnh đạo thành phố chưa thật sự hài lòng, đó là: Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Hà Nội: Hơn 2.000 điểm công sản 'trôi nổi', lãng phí ảnh 2 Nhìn lại con đường xử lý các công trình sai phạm vừa qua thật không đơn giản. Có người đã tưởng không thể làm được.

Bản thân tôi cũng rất lo lắng-vì đây là một chủ trương lớn-nếu không làm được, thành phố sẽ mất lòng tin với nhân dân.

Nhưng tới nay, cả 6 công trình sai phạm nổi cộm đã được xử lý, các chủ đầu tư đều đã nhận lỗi và chấp hành nghiêm chủ trương xử lý của thành phố Hà Nội: Hơn 2.000 điểm công sản 'trôi nổi', lãng phí ảnh 3

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Bởi lẽ, vẫn còn nhiều vụ việc về xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng khiến dân khiếu kiện, nhất là tại cấp quận, huyện. Nếu chính quyền không giải quyết tốt, người dân tiếp tục khiếu kiện vượt cấp và họ có thể đưa vụ việc ra toà án hành chính.Lúc đó, các cấp chính quyền lại phải tiếp tục theo kiện để giải quyết, rất mất thời gian và phức tạp.

Theo Bí thư Nghị, hiện nay sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính theo chiều ngang đã khá tốt, tuy nhiên sự phối hợp theo chiều dọc từ thành phố xuống cơ sở có chỗ chưa thông suốt. Chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính vì đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá của thành phố.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cho biết: “Hiện thành phố có hơn 2.000 điểm công sản là nhà, đất của thành phố đang được cho thuê, cho thuê lại, hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây thất thoát lãng phí rất nhiều tiền của (chiếm khoảng 20% số điểm nhà đất công trên toàn địa bàn thành phố-PV).

Chủ tịch thành phố phân tích, trong hơn 2.000 điểm công sản bị “thả nổi” đó, thành phố mới tổ chức kiểm tra thí điểm, rà soát tại 400 điểm (thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng và một Tổng Cty quản lý) cho thấy: hầu hết công sản bị cho thuê với giá rất rẻ, hoặc bị sử dụng không đúng mục đích, trong khi nhiều trụ sở cơ quan của thành phố phải đi thuê với giá rất cao. Việc xử lý, thu hồi số công sản “trôi nổi” này gặp rất nhiều khó khăn.

Lãng phí lớn do dự án chậm tiến độ

Đường Hoàng Cầu-Cát Linh khởi công 6 năm nay, nhưng mới chỉ hoàn thành được 3/4 khối lượng, không thể đưa vào sử dụng. “Đó là sự lãng phí tiền của trong các dự án vì tiền đổ vào dự án nhiều, nhưng công trình không được sử dụng”- Ông Triệu nói.

Tương tự, nhiều dự án khác cũng đang bị chậm tiến độ: đường Trần Khát Chân - đê Nguyễn Khoái chưa giải phóng được dân hộ nào vì nhà tái định cư thiếu điện, nước! Nhiều dự án triển khai quá chậm như dự án Cổ Loa, Thành cổ.

Dự án Trường chuyên của thành phố (trên đường Trần Duy Hưng) theo kế hoạch phải hoàn thành, khai giảng vào tháng 9/2007, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công! Nguyên nhân chậm-theo ông Triệu là do công tác GPMB chậm, một số chính sách có thay đổi, nhưng cơ bản là do các Ban quản lý dự án quá yếu kém.

Lãnh đạo thành phố cũng cho biết: Hà Nội đang triển khai 3 cụm công trình trọng điểm, 36 dự án chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tổng kinh phí cho các dự án lên đến 65 ngàn tỷ đồng, phải GPMB khoảng 13 ngàn hộ dân. Nhưng với tiến độ như hiện nay, khó có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Để khắc phục tình trạng này, ông Triệu kêu gọi “Nên giảm hội họp tối đa. Thay vào đó, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý, các quận huyện sở ngành phải trả lời là đã làm được những gì cho thành phố. Muốn vậy, phải giảm hội họp. Giảm hội họp tức là tăng trách nhiệm”.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).