Hà Nội: Khi nào củ cải hết cảnh 'sáng tươi, chiều héo'?

Củ cải trắng được siêu thị Lotte Mark bán ủng hộ bà con nông dân. Ảnh: PV.
Củ cải trắng được siêu thị Lotte Mark bán ủng hộ bà con nông dân. Ảnh: PV.
TP - Chiều 20/3, phát biểu tại Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở Công thương và Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ ra nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Xử phạt kinh doanh trái cây không phép 

Về thực hiện đề án quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ tháng 1/2018 đến nay, Sở đã phối hợp cùng các quận, huyện rà soát, thống kê hơn 900 cửa hàng kinh doanh trái cây; rà soát các tiêu chí của đề án theo quy định. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền, gắn biển nhận diện kinh doanh cho các cửa hàng đủ điều kiện. “Hiện nay đã cấp được 112 biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây. Hết tháng 3 sẽ cấp cho hơn 300 cửa hàng. Theo lộ trình, đến tháng 11/2018 sẽ cấp xong toàn bộ biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”, bà Lan nói. Theo bà Lan, theo đề án, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ tuyên truyền, vận động đến hết tháng 3; từ  tháng 4 sẽ kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm. “Trong thời gian này, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để các hộ kinh doanh đáp ứng các điều kiện. Có hơn 80% các cửa hàng đã được cấp các loại giấy chứng nhận. Chi cục QLTT cũng đã thành lập 4 đội kiểm tra phối hợp với 12 đội QLTT trực tiếp giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các cửa hàng”, bà Lan thông tin.

Theo bà Lan, từ 1/3 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 28 vụ, xử phạt hơn 12 triệu đồng các cửa hàng với lỗi vi phạm chủ yếu về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chưa niêm yết giá công khai cho người tiêu dùng. “Chúng tôi yêu cầu các quận, huyện tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động để bà con hiểu. Chi cục QLTT đã ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh trái cây cho các cửa hàng hiểu rõ quy định thế nào, xử phạt ra sao để khi bị phạt không bỡ ngỡ”, bà Lan nói. Bà Lan cũng thông tin, bước đầu triển khai đề án cho thấy, nhận thức của người kinh doanh, người dân đã được nâng lên, các cửa hàng được cấp biển có doanh thu tăng từ 30 – 50% so với lúc chưa cấp biển.

Còn khó khăn trong tiêu thụ nông sản

Về vấn đề tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vụ việc “khủng hoảng” tiêu thụ củ cải ở xã Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) vừa qua, theo bà Lan, dù lượng rau củ quả trên địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thành phố, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Theo bà Lan, người nông dân sản xuất chưa nắm vững được quy luật cung cầu, nhiều khi cung vượt quá cầu. Hơn nữa, chưa đưa được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, an toàn giá rẻ, nên khó cạnh tranh với sản phẩm từ nước ngoài. Cùng với đó, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu tập thể, chỉ bán cho các thương lái kinh doanh nhỏ lẻ, không đưa vào các kênh phân phối hiện đại được. “Bao bì, đóng gói, nhãn mác phải phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Ví dụ, người tiêu dùng chỉ muốn mua sản phẩm khoảng 2 lạng dùng cho một bữa, nhưng lại đóng gói sản phẩm 5 lạng. Ăn không hết mà mua cả 5 lạng xong bỏ đi rất lãng phí. ”, bà Lan nêu.

“Đừng nghĩ việc chế biến chỉ để tránh sáng tươi chiều héo, để ăn dần. Chế biến là để tạo ra sản phẩm ngon hơn, tốt hơn, tạo ra giá trị cao hơn và chuyển dịch cơ cấu lao động”.  

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu ở các chợ truyền thống.

“Sản xuất nông nghiệp hiện nay, từ chế biến, hạ tầng tiêu thụ đến người tiêu dùng đang theo phương thức truyền thống. Điều đó không phù hợp xu thế phát triển, xảy ra nhiều bất cập, mất ổn định trong sản xuất”, ông Tường nói. Theo ông Tường, phải sản xuất theo chuỗi, sau đó phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm mua sắm thì mới khắc phục được việc “sáng tươi, chiều héo”.

Cũng theo ông Tường, phải tổ chức sản xuất theo chuỗi, chú ý đến nhu cầu người tiêu dùng. Đặc biệt, quan trọng nhất phải có công đoạn chế biến, gắn nhãn mác, truy xuất nguồn gốc mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

“Vụ củ cải ở Tráng Việt, có người nhắn tin cho tôi là không biết Việt Nam trồng được loại củ cải to thế . Nghĩ là không phải của Việt Nam nên sợ không dám mua, không dám ăn”, ông Tường nói.

Ông Tường cũng thông tin, sau khi các cơ quan đơn vị vào cuộc, báo chí thông tin, trong những ngày qua đã có hàng chục doanh nghiệp, thậm chí nhiều sinh viên lên tận nơi mua củ cải. “Tôi nắm sơ bộ số liệu có trên 70 tấn củ cải được thu mua tại ruộng và giá cũng được nâng lên”, ông Tường nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.