Hà Nội khốn khổ vì 'rào đường'

Hà Nội khốn khổ vì 'rào đường'
TP- Một trong những nguyên nhân gây nên ùn tắc và tai nạn giao thông tại Hà Nội chính là sự tắc trách của một số cơ quan chức năng. Công trình hầm bộ hành ngã tư Kim Liên - Giải Phóng và công trình đường Pháp Vân - Nguyễn Tam Trinh là hai ví dụ điển hình.
Hà Nội khốn khổ vì 'rào đường' ảnh 1
Đường Pháp Vân luôn chứa đầy nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông

“Cung đường rùa” và những cái chết rình rập

Cánh lái xe tải đường gần, đường xa đều hãi hùng mỗi khi đi qua đoạn đường Pháp Vân dài 1,6km.

Người ta biết đến con đường không chỉ bởi nó được mệnh danh là “đường rùa” mà còn bởi tai nạn như bóng ma luôn rình rập trên cung đường này.

Ông Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội CSGT số 4 - CATP Hà Nội cho biết, chỉ với chiều dài 1,6km, song đoạn đường này được xếp vào điểm “nóng” nhất trong danh sách 71 điểm ùn tắc của toàn thành phố. Lý do là cung đường này chạy song song với công trình đường dẫn cầu Thanh Trì. Vì vậy nó đã bị băm nát bởi hàng trăm lượt xe tải hạng nặng mỗi ngày.

Thêm vào đó, đoạn đường còn oằn mình chịu tải cho hàng ngàn lượt xe con, xe container, xe tải đi qua. Vô số “ổ voi”, “ổ trâu”, “ổ gà” đã rải dày đặc trên cung đường.

“Trên cung đường hiện có 4 đoạn đường bị cày xới tan tành. Ngày nắng khói bụi mù mịt. Ngày mưa, có chỗ nước ngập lưng bánh xe. Ùn tắc và tai nạn xảy ra thường xuyên” - Ông Ánh bức xúc nói.

Đường Pháp Vân là con đường huyết mạch của xe tải đi từ hướng nam vượt sang phía bắc qua cầu Thanh Trì hay ngược lên khu vực cầu Chương Dương với lưu lượng khoảng 3.000-5.000 xe tải/ngày, đêm. Tuy nhiên, tất cả các xe đang đi với tốc độ 60 – 80 km/h trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã phải đột ngột về “mo” khi rẽ vào “cung đường rùa” nói trên.

Theo quan sát của chúng tôi trong vòng 1 giờ (chiều 15/10) có khoảng 300 xe tải xếp hàng dài kẽo kẹt bò qua đoạn đường khổ ải. “Chúng tôi phải bố trí trên 10 cảnh sát túc trực 24/24 tại đoạn đường này” - Ông Ánh cho biết.

Do đường quá xấu, nên nhiều xe tải nặng, xe container gẫy cầu, nhiều xe con bị bệt gầm nên ùn tắc thường xuyên xảy ra đặc biệt là vào ban đêm khi đoạn đường không có đèn chiếu sáng. Cung đường khi đó bị tê liệt hoàn toàn.

Cụ thể, ngày 6/10/2007, xe trộn bê tông biển kiểm soát 29T - 1767 đã gãy tan trục cát đăng khi sập “ổ voi”. Ùn tắc kéo dài sau đó. Con đường quá nhiều “ổ voi” còn là mối nguy của rất nhiều người và phương tiện giao thông qua lại. Ngày 28/9/2007, một vụ tai nạn giao thông thương tâm đã cướp đi sinh mạng của hai mẹ con chị Trần Thị Phượng (30 tuổi) và cháu Nguyễn Xuân Hiền (4 tuổi)...

Mặc dù cung đường ngày càng trở nên nguy hiểm cho xã hội song dù chỉ cách trung tâm Hà Nội 10km đoạn đường vẫn chưa được tu sửa từ nhiều tháng nay.

Ngã tư “rào” hành dân

Đã hơn một năm nay, người dân Hà Nội quá mệt mỏi mỗi khi phải qua nút giao thông Kim Liên - Giải Phóng. Theo thống kê sơ bộ thì tại nút giao thông này đã có đến 6 lần được nhà thầu rào nống ra để thi công hầm bộ hành. Ban đầu là rào tại trung tâm nút, sau đó là rào nới về hai phía đường Kim Liên và Đại Cồ Việt...

Theo chủ đầu tư, hiện nhà thầu đã rào toàn tuyến với chiều dài 450m và rộng trung bình 25m. Như vậy tại nút giao thông này có trên 10.000 m2 đường bị quây kín bởi những tấm tôn.

Ông Trần Ngọc Ánh cho biết, nút giao thông này cũng là điểm rất nóng về ùn tắc giao thông. Đặc biệt từ tháng 9 đến nay, cùng với việc diện tích đường bị rào tăng lên là những chuỗi ngày ùn tắc xảy ra triền miên và kéo dài.

Hiện, ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng nhất vào các thời điểm 7 giờ 30 đến 9 giờ và đặc biệt là từ 17 giờ 30 đến 19 giờ. “Dù đã tung hàng chục cảnh sát vào nút giao thông này, song tình hình không thể cải thiện được” - Ông Ánh cho biết.

Tại cuộc họp gần đây, chủ đầu tư - Ban QLDA Trọng điểm phát triển giao thông Hà Nội - cho biết, trong tuần này nhà thầu sẽ tiếp tục rào đường tiếp tại hai đầu Lê Duẩn và Giải Phóng.

Trước cảnh báo của CSGT về việc có thể gây tê liệt toàn bộ nút giao thông nếu rào cả hai đầu đường, nhà thầu đã xin được rào trước khoảng 1.000m2 phía đường Giải Phóng, sau đó mới tổ chức rào đường phía Lê Duẩn. Nút giao thông đã hẹp, nay lại hẹp thêm và ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ thêm trầm trọng.

Có nghịch lý là trong lúc nút giao thông bị rào đến trên 10.000 m2 thì trong khu vực rào lại chỉ có thưa thớt một vài xe máy thi công và vài công nhân làm việc. Điều này càng gây bức xúc cho dư luận.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện có khoảng 100 công nhân chia làm ba ca thi công. Lý giải về việc có ít xe máy thi công, chủ đầu tư cho biết, do ô tô chỉ được vận chuyển đất cát vào ban đêm nên ban ngày số xe, máy hoạt động ít (?).

Dự án hầm vượt Kim Liên được khởi công tháng 7/2006 và hoàn thành sau 22 tháng. Thế nhưng sau hơn một năm thi công, nhà thầu mới thực hiện được 30% khối lượng.

Theo dự tính, tiến độ của dự án sẽ bị chậm ít nhất là 3 - 5 tháng. Không biết, với cung cách thi công và tiến độ triển khai dự án như vậy thì đến bao giờ người dân Hà Nội mới hết khổ cực vì những dự án “rùa”?

Hà Nội đang nỗ lực tìm giải pháp cho bài toán chống ùn tắc và TNGT, vậy nhưng tại hai điểm nóng nói trên những giải pháp này dường như chưa “phủ sóng” tới. 

 Phùng Sưởng

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.