Hà Nội: Không chống được “buýt nhái”

Hà Nội: Không chống được “buýt nhái”
TP - Gần đây, dư luận xôn xao trước hiện tượng xe “buýt nhái” ngang nhiên hoành hành, tạo nên một cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh với xe buýt thật. Nhưng bản chất của sự việc như thế nào?
Hà Nội: Không chống được “buýt nhái” ảnh 1
Chủ xe 29Y-0443: “Chúng tôi không nhái màu sơn xe buýt vì đã được đăng ký đàng hoàng!”

“Buýt nhái” là ai?

Việc các cơ quan chức năng Hà Nội xử phạt xe “buýt nhái” dường như chỉ rộ lên rồi đâu lại vào đấy. Bởi lẽ, cơ sở để xử phạt xem ra vẫn có nhiều tranh cãi, lúng túng.

Trên thực tế, đây mới chỉ là giải quyết phần “ngọn”, còn gốc rễ vấn đề chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm, chưa ai chỉ rõ diện mạo của “buýt nhái” là gì.

Tuy nhiên, có một thực tế là, gần đây một số xe khách liên tỉnh có màu vàng đỏ như màu xe buýt chạy cùng tuyến đã dừng đỗ vào các điểm đỗ của xe buýt để “bắt” khách. Một lãnh đạo của Tổng Cty Vận tải HN (TRANSERCO) khẳng định: “Buýt nhái” là có thật.

Thấy các tuyến buýt kế cận (chạy đi các tỉnh gần Hà Nội) hiệu quả, lập tức một số doanh nghiệp đã nhái màu sơn, đỗ vào các điểm đỗ của buýt để tranh khách. Thanh tra giao thông chụp ảnh và đã bắt được một số vụ”.

Bức xúc trước việc này, Sở GTVT Hưng Yên đã có ngay một văn bản gửi tới HTX Vận tải Thăng Long Hà Nội (HTXVTTL) - một trong những đơn vị bị tố cáo là có “buýt nhái” của HaNoibus - để chấn chỉnh hoạt động vận tải của doanh nghiệp này.

Theo đó, Sở GTVT Hưng Yên yêu cầu HTXVTTL chỉ đạo chủ xe 29Y-0443 phải sơn lại màu vàng đen đã đăng ký với cơ quan quản lý tuyến. Sở dĩ có văn bản này vì Sở GTVT Hưng Yên cho rằng, HTXVTTL đã thay đổi màu sơn xe thành vàng đỏ (giống màu sơn của các tuyến xe buýt của Hanoibus - PV).

Việc yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải sơn lại màu xe chứng tỏ Sở GTVT Hưng Yên chưa nắm rõ quy trình quản lý Nhà nước đối với các phương tiện vận tải.

Bởi theo tìm hiểu của Tiền phong, hiện vẫn chưa có quy định nào của Nhà nước buộc các doanh nghiệp vận tải không được đăng ký màu sơn giống với màu xe buýt (chưa kể Sở GTVT Hưng Yên đã cố tình nhầm lẫn vì HTXVTTL chưa bao giờ đăng ký màu xe là vàng đen).

Thêm vào đó, Sở GTVT Hưng Yên không biết được rằng, màu sơn xe này là do Cty 3/2 (đơn vị sản xuất xe) thực hiện sau đó bán cho nhiều khách hàng trong cả nước (phiếu kiểm tra chất lượng do CA Hà Nội cấp cũng ghi màu vàng đỏ) chứ không riêng gì một doanh nghiệp nào.

Trong Quyết định 09 về vận tải khách liên tỉnh của Bộ GTVT cũng không nhắc tới quy định màu sơn xe khi doanh nghiệp đăng ký cấp sổ nhật trình chạy xe theo tuyến cố định. Trong khi đó, một lãnh đạo của TRANSERCO thừa nhận: “Màu vàng đỏ của xe buýt cũng chưa được cấp đăng ký là màu độc quyền!”.

Hành khách được lợi gì? 

“Không thể quy kết các xe khách dừng, đỗ tại những điểm đón khách của xe buýt là xe buýt nhái, mà đó chỉ là vi phạm điểm đỗ” - Ông Bùi Danh Liên -Chủ nhiệm HTX VTTL bức xúc nói. Ông Liên phân tích, theo quy định, xe buýt chỉ được phát triển ở nội đô, các khu dân cư đông người. Xe buýt liên tỉnh chỉ là “buýt trá hình”.

Việc cho mở các tuyến buýt kế cận chẳng khác nào biến điểm đỗ xe buýt thành các “bến xe khách nội đô” (trong khi ta đang cố gắng đưa bến xe ra ngoại thành).

Đối với các tuyến liên tỉnh, phát triển xe khách phù hợp hơn, hành khách cũng được lợi hơn:  vì đi xe khách sẽ có đủ chỗ ngồi (buýt chỉ có 30% chỗ ngồi, còn lại hành khách phải đứng), tiết kiệm thời gian (vì ít dừng đỗ).

Theo ông Liên, thực chất đây là tranh chấp giữa vận tải hành khách liên tỉnh giữa xe khách và xe buýt kế cận (trong khi “sân chơi” này đang thiếu các quy định cần thiết). Điều này phản ánh cơ chế quản lý vận tải khách tuyến cố định hiện nay vẫn còn lỏng lẻo.

Nên việc Sở GTVT Hưng Yên yêu cầu HTXVTTL phải sơn lại màu xe là… cảm tính! Như vậy, chính cơ chế quản lý trên đã tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, khi có tranh chấp không có cơ sở để giải quyết.

Trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải HN cho biết: “Tổng Cty Vận tải HN đã đăng ký thương hiệu xe buýt Hà Nội cách đây 1 năm nhưng vẫn chưa có hồi âm từ phía cơ quan chức năng.

Cho nên chưa có cơ sở nào để nói các doanh nghiệp khác đã nhái màu sơn xe buýt. Hiện tượng các doanh nghiệp khác bắt khách tại những điểm của xe buýt phản ánh thương hiệu của Hanoibus ngày càng trở nên có uy tín, được hành khách đón nhận. Chúng tôi cũng sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp để phát triển”.

MỚI - NÓNG