Vô hiệu đèn tín hiệu, bỏ rơi bộ hành

Hà Nội lại điều chỉnh giao thông trên hàng loạt tuyến đường

Hà Nội lại điều chỉnh giao thông trên hàng loạt tuyến đường
TP - Để chữa căn bệnh ùn tắc giao thông đang ngày thêm trầm trọng, Hà Nội liên tục tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến phố. Tuy có kết quả nhất định song cũng nảy sinh nhiều bất cập...

Tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), với sáu làn xe cùng hệ thống đèn tín hiệu giao thông dày đặc được đầu tư hàng tỷ đồng, cuối tháng Năm, nhiều đoạn dải phân cách được san bằng, nhiều thảm cỏ cây xanh được phá bỏ để tổ chức lại giao thông.

Hầu hết các nút giao cắt ngã ba, ngã tư trên tuyến đường này (trừ ngã ba Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến), đều được bịt lại bằng bê tông hay dải phân cách di động inox sáng loá để mở các điểm quay đầu, ngã rẽ mới.

Việc tổ chức lại này khiến người tham gia giao thông thấy lạ nên lúng túng. Chẳng hạn, nếu muốn sang đường phải đi thêm khoảng 50m so với điểm giao cắt cũ mới được phép quay đầu, rẽ sang đường.

Trong khi hàng loạt hệ thống đèn tín hiệu giao thông ba pha tại các nút giao cắt vẫn báo xanh, đỏ nhưng bị vô hiệu khi đường đã bị bịt lại bằng barrier và dải phân cách.

“Ban đầu khi tổ chức lại giao thông tại đường Nguyễn Trãi, chủ trương là tắt các hệ thống đèn tín hiệu để các phương tiện lưu thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế không ổn vì dễ ùn tắc” - Một CSGT phân trần.

Với mục tiêu giảm xung đột tại các điểm giao cắt không còn phù hợp, hàng loạt tuyến đường mới rộng và thoáng nhất của Hà Nội như Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Đại Cồ Việt, Lê Thanh Nghị, Giải Phóng... được phá dỡ dải phân cách, thảm cỏ (đầu tư hàng tỷ đồng) để bịt nút giao cắt ở các ngã ba, ngã tư; đồng thời cho mở các lối rẽ mới ở hai đầu. 

Ngay cả một số đoạn vườn hoa, thảm cỏ được coi là đường đẹp nhất Thủ đô trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng cũng phải nhường chỗ cho xe cộ.

Tại ngã tư Trần Khát Chân - Phố Huế, một dải phân cách cứng được đặt tại tim đường Bạch Mai và kéo vòng cung ra đường Trần Khát Chân để buộc người điều khiển phương tiện thay vì đi thẳng, phải chuyển hướng rẽ phải ra đường Trần Khát Chân khoảng 100m, sau đó mới quay đầu xe đi ngược đến Phố Huế.

“Ở ngã tư này, với hệ thống đèn tín hiệu và CSGT, việc phân luồng mới là bất hợp lý, không cần thiết. Dải phân cách cứng làm thu hẹp mặt đường dễ xảy ra tai nạn” - Một người tham gia giao thông nói.

Điều đáng chú ý nữa là, khi tổ chức lại giao thông, dường như cơ quan chức năng đã bỏ rơi phần đường dành người đi bộ. Tại các ngã ba, ngã tư tổ chức lại đều bịt kín lối rẽ, khiến hệ thống đèn tín hiệu ba pha giờ chỉ làm nhiệm vụ báo xanh, đỏ cho mỗi dòng phương tiện đi thẳng.

“Làn đường dành bộ hành tại các điểm giao cắt giờ bị bịt kín. Nếu theo đèn tín hiệu, phải trèo qua dải phân cách, trong khi các lối rẽ mới không có đèn tín hiệu báo sang đường cho người đi bộ”- Ông Cường, ngụ trên đường Nguyễn Trãi giải thích.

30 nút đèn tín hiệu không còn phù hợp

Hà Nội lại điều chỉnh giao thông trên hàng loạt tuyến đường ảnh 1
Sẽ có nhiều nút đèn tín hiệu không còn phù hợp với cách tổ chức giao thông mới  Ảnh: Phùng Sưởng

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, Sở đã và sẽ tổ chức giao thông trên gần 20 nút giao, tuyến đường. Theo đó có khoảng 30 nút đèn tín hiệu sẽ không còn phù hợp với cách thức tổ chức giao thông mới.

Theo lý giải của ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra GTVT, việc thay đổi, tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến đường hiện nay là cần thiết nhằm giảm ùn tắc cục bộ, khắc phục xung đột giữa các làn xe tại các điểm giao cắt.

“Nhiều tuyến đường mới được thực hiện nên nhiều người vẫn chưa quen. Nhưng việc tổ chức lại giao thông đã có hiệu quả. Những điểm nào còn bất cập sẽ tiếp tục được điều chỉnh tiếp” - Ông Mạnh nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, xén hè, thu hẹp dải phân cách chỉ mang lại hiệu quả nhất thời. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước mắt, một số nút đèn tạm thôi hoạt động, một số nút đèn vẫn hoạt động. Do việc tổ chức giao thông mới diễn ra nên Sở chưa thể khẳng định được nút đèn nào sẽ tiếp tục hoạt động và nút nào sẽ chấm dứt hoạt động hẳn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, khẳng định, khi việc tổ chức giao thông đi vào ổn định, Sở sẽ phân loại các nút đèn theo hướng vẫn duy trì hoạt động. Thay vì dùng để tổ chức luồng tuyến, làn rẽ tại các nút, các nút đèn sẽ được sử dụng chức năng điều tiết tốc độ lưu hành của phương tiện và chỉ huy giao thông phục vụ người đi bộ.

Trong trường hợp thực sự không cần thiết tồn tại các đèn tín hiệu, phương án di chuyển đèn đến một nút giao thông khác mới được tính đến. Ông Hùng cũng khẳng định, việc tổ chức giao thông là việc làm thường xuyên, không phải bất biến. Việc có nhiều nút đèn tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian cũng là việc khó tránh khỏi.

Hà Nội hiện có khoảng gần 200 nút giao thông có lắp đèn tín hiệu. Tỷ lệ này chiếm khoảng 30 phần trăm tổng số nút giao thông (chưa tính Hà Nội mở rộng).

Khoảng bốn tỷ đồng được đầu tư để tổ chức giao thông tại một số nút, tuyến đường trọng điểm bao gồm: dựng dải phân cách, phân làn, phân luồng để hạn chế tối đa xung đột dòng phương tiện, lắp đèn, biển báo, sơn vạch…

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội vẫn có 91 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc và 33 điểm phát sinh. Tổng số, có 124 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.