Hà Nội lãng phí di sản

Hà Nội lãng phí di sản
Có lẽ hiếm có địa phương nào ở nước ta, số lượng di sản văn hoá, kiến trúc, lịch sử, tôn giáo... lại dày đặc như ở thủ đô Hà Nội. Nhưng có vẻ như chính quyền Hà Nội rất lãng phí nguồn tài nguyên này.
Hà Nội lãng phí di sản ảnh 1

Khu vực Tháp mộ Tổ ở Chùa Vua (quận Hai Bà Trưng, HN) bị các hộ dân lấn chiếm.

Theo thống kê chính thức, Hà Nội hiện sở hữu 1.774 di tích (DT). Trong đó có 1.358 DT tôn giáo tín ngưỡng (gồm 551 đình, 258 đền, 549 chùa), 82 DT lịch sử cách mạng kháng chiến, 334 DT khác (gồm am, miếu, lăng mộ, cửa ô, điếm canh, văn miếu, văn chỉ...) Trong đó, có hơn 500 DT đã chính thức được Nhà nước xếp hạng.

Đây là một kho di sản vô cùng quý giá của Hà Nội. Nếu biết quản lý, khai thác, chăm sóc tốt, những DT này hẳn phải có một chỗ đứng xứng đáng trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân thành phố, sẽ góp phần vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ, sẽ là những địa chỉ hấp dẫn đối với khách thập phương, mang lại những nguồn lợi kinh tế không nhỏ...

Tuy nhiên, có vẻ như Hà Nội, cụ thể hơn là chính quyền Hà Nội khá bàng quan với kho tàng di sản phải trải qua hàng nghìn năm mới có.

Chuyện lấn chiếm DT ở Hà Nội là rất phổ biến. Giở trên các trang báo địa phương, thường xuyên bắt gặp những cái tít nói chùa này, chùa kia đang kêu cứu.

Lăng Hoàng Cao Khải - DT lịch sử văn hoá đã được xếp hạng - nay hầu như không còn dấu vết, bởi hàng chục hộ dân thoải mái xây nhà trên nền DT.

Những "điểm nóng" về lấn chiếm nhiều năm nay mà người Hà Nội nào cũng biết là chùa Chân Tiên, chùa Bộc, chùa Thiên Phúc, chùa Vua... Ở chùa Liên Phái (phố Bạch Mai) - nhà chùa phải tự quyên góp tiền, thay chính quyền địa phương làm công tác giải phóng mặt bằng.

Một dạo chùa Cầu Đông (phố Hàng Đường) bị xâm phạm nghiêm trọng. Bà sư trụ trì phải đôn đáo chạy khắp các cấp cầu cứu mới giữ được chùa.

Kinh tế phát triển, tấc đất tấc vàng, đất chùa, đất DT là đất dễ bị lấn nhất vì "cha chung không ai khóc". Chính quyền địa phương thì không quan tâm, các cấp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Những người có tâm huyết muốn giữ gìn DT nhiều khi cũng cảm thấy "lực bất tòng tâm".

Theo các số liệu của Ban quản lý DT HN, có tới 245 DT trên địa bàn (trong đó có 112 DT đã được xếp hạng) bị tấn công, bị xâm phạm với các mức độ khác nhau.

Không những không biết bảo vệ DT, các cấp có trách nhiệm ở HN còn không biết phát huy các thế mạnh về DT của mình. Thử hỏi có bao nhiêu DT ở Hà Nội được sử dụng, khai thác một cách có bài bản, được đưa vào các tour du lịch, được chăm sóc để trở thành những địa chỉ lui tới thường xuyên của khách thập phương?

Có thể nói con số là rất ít ỏi. Quanh đi quẩn lại chỉ có đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Quán Thánh...

Rất nhiều DT khác - chẳng kém phần giá trị, nhưng do không được quan tâm, tu bổ thường xuyên, nên hương tàn nhang lạnh, xuống cấp trầm trọng.

Các nhà trường không bao giờ cho trẻ em vào DT để học về lịch sử, văn hoá, để giáo dục tình yêu và sự kính trọng đối với tổ tiên. Sinh viên các trường xã hội nhân văn, kiến trúc... không vào DT để nghiên cứu, tìm tòi. Rất nhiều bạn trẻ chỉ biết rằng DT là một cái chùa nào đó - nơi các bạn thỉnh thoảng đến để cầu lộc, cầu tài. Mùa thi cử số lượng thanh niên đến Văn Miếu tăng vọt, nhưng cũng chỉ là để... sờ đầu rùa, mong thi đỗ mà thôi.

Thật không quá khi nói rằng Hà Nội đang quá lãng phí trong quản lý kho di sản của mình.

MỚI - NÓNG