Hà Nội: Lãnh đạo nhiều quận cam kết dẹp “loạn vỉa hè”

Xe ô tô đỗ kín vỉa hè trước khách sạn Fotuna Hà Nội trên phố Láng Hạ (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong
Xe ô tô đỗ kín vỉa hè trước khách sạn Fotuna Hà Nội trên phố Láng Hạ (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong
TPO - Hôm nay, 10/3, Hà Nội đồng loạt ra quân lập lại trật tự với lòng đường, vỉa hè. PV Tiền Phong đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo nhiều quận, nơi từng là điểm nóng về tình trạng vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè.

Sẽ xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long - Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Sau hơn 10 ngày liên tục huy động trên 1000 người thuộc các lực lượng đồng loạt ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, điểm trông giữ xe, đến thời điểm này tình trạng vi phạm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã giảm đi rõ rệt.

Thực tế cho thấy, sau khi đã được UBND phường phát tờ rơi tuyên truyền việc giữ gìn trật tự đô thị, rất nhiều hộ dân ở khu vực vùng “lõi” phố cổ (những nơi có vỉa hè trật hẹp) ủng hộ chủ trương, nhiều hộ đã tự nguyện ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè. 

Để việc giữ gìn trật tự đô thị được bền vững và lâu dài, phương án đẩy mạnh tuyên truyền để tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tự giác ký cam kết không lấn chiếm lòng đường vỉa hè là phù hợp nhất. Giải pháp này sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân, đồng thời tạo cơ sở thuận lợi để UBND các phường và lực lượng chức năng dễ dàng xử lý khi tái vi phạm.

Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức đối với người dân, UBND quận sẽ có những biện pháp xử lý kiên quyết với cán bộ quản lý địa bàn theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, Chủ tịch UBND phường và Trưởng Công an phường phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè. Việc gắn cụ thể trách nhiệm với cán bộ quản lý là giải pháp hiệu quả, buộc UBND - Công an các phường phải tăng cường giám sát, bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý vi phạm.

Khuyến khích người dân gửi thông tin vi phạm

Nói về các biện pháp giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn, một lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, từ đầu tháng 3/2017, toàn bộ hệ thống chính trị quận Cầu Giấy gồm Quận uỷ - UBND - MTTQ đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm điểm kinh doanh, trông giữ phương tiện sai quy định. 

Trong đó, Chủ tịch UBND quận là người trực tiếp chỉ đạo kế hoạch xử lý, các Phó chủ tịch được phân chia quản lý trật tự đô thị ở từng khu vực rõ ràng, phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm hoặc tái vi phạm.

Cùng với đó, UBND quận giao nhiệm vụ cho 8 phòng xuống hỗ trợ 8 phường xử lý dứt điểm vi phạm giai đoạn đầu, trước khi bàn giao lại cho UBND phường quản lý. Phường nào để xảy ra tái lấn chiếm, Chủ tịch UBND phường và Công an phường sẽ bị xử lý trách nhiệm. Cùng với đó, Quận uỷ đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Bí thư Đảng uỷ 8 phường yêu cầu thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc giữ gìn trật tự đô thị thuộc địa bàn mình quản lý.

Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, quận đã giao cho các lực lượng chức năng thiết lập các kênh thông tin để khuyến khích các tổ dân phố, từng người dân sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin thông minh gửi ảnh về các địa chỉ do UBND quận lập ra, từ đó quận sẽ cử cán bộ xuống trực tiếp xử lý. 

Đại diện lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho rằng việc thiết lập các hình thức tương tác thông tin giữa chính quyền và người dân sẽ nâng cao hiệu quả giám sát, bởi giờ hầu hết người dân Hà Nội đều quen thuộc với việc sử dụng thiết bị thông minh, từ phản ánh trực tiếp của người dân, chính quyền các cấp sẽ nắm bắt được nhanh và xử lý vi phạm kịp thời.

Bố trí cán bộ xử lý 24/24 giờ

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng, muốn đẩy lùi tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên các tuyến phố thì việc tuyên truyền thuyết phục người dân tự giác không vi phạm là cần thiết và hiệu quả nhất, bởi UBND - Công an phường không thể bố trí lực lượng ứng trực 24/24 để xử lý các hộ dân tái vi phạm.

Ông Tuấn cho biết, hiện UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền áp dụng ở nhiều cấp, việc tuyên truyền được thực hiện từ các tổ dân phố để thay đổi nhận thức của từng hộ dân. 

Sau khi được tuyên truyền mà các hộ kinh doanh, các cơ quan, doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, UBND quận, UBND các phường và Công an phường sẽ đưa ra những biện pháp xử lý kiên quyết, giống như việc xoá sổ tình trạng lập điểm trông giữ phương tiện trái phép dưới cầu vượt đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa thực hiện.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.