Hà Nội lập 10 đoàn ra quân truy quét rượu giả

Cấp cứu cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN/Vietnam+.
Cấp cứu cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN/Vietnam+.
TPO - Ngày 15/3, tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng chống ngộ độc methanol, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, từ ngày 16/3 đến ngày 15/4, Hà Nội sẽ đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở từ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu tại các cửa hàng, nhà hàng, quán nước…

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ ngày 22/2/2017 đến 14/3/2017, trên địa bàn có 25 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong số đó, 3 bệnh nhân tình trạng nặng đã tử vong tại nhà; 4 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, tình trạng tỉnh táo và ổn định; 18 bệnh nhân đã ra viện. Những bệnh nhân ở các địa chỉ khác nhau tại 7 quận ở Hà Nội. Trong đó tập trung nhiều ở quận Đống Đa 10 trường hợp, Cầu Giấy 10 trường hợp. Đa số các bệnh nhân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc tại nhà hoặc tại quán ăn. Hầu hết rượu được mua tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, quầy tạp hóa, không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác.

Đại diện Công an TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội, với ca tử vong do rượu giả chứa methanol trên địa bàn quận Đống Đa, Công an TP đã yêu cầu Công an quận Đống Đa vào cuộc. Cơ quan công an đã khẩn trương điều tra truy nguồn gốc rượu giả gây chết người, làm rõ đối tượng sản xuất, kinh doanh, bán cho người dân uống gây ngộ độc, tử vong…

Trước đó, liên quan đến vụ nhiều sinh viên ngộ độc methanol sau khi uống rượu mừng ngày 8/3, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án do vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định tại điều 244 Bộ luật Hình sự. Đại diện Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị, khi phát hiện rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác phải lập tức tiêu hủy. Việc quản lý phải chặt chẽ, giao đến từng ban quản lý chợ để quản lý việc kinh doanh mặt hàng này.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo các đơn vị Sở, ngành, quận, huyện ngay sau hội nghị xây dựng kế hoạch cụ thể. Tổng kiểm tra từ sản xuất đến tiêu dùng. Cụ thể, thành lập 10 đoàn kiểm tra độc lập, liên ngành từ 16/3 đến 15/4 tiến hành kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan. 

Riêng các quận, huyện, thị xã giao các Chủ tịch và Phó Chủ tịch phường, xã, thị trấn trực tiếp đi kiểm tra thường xuyên hàng tuần. “Đích thân tôi sẽ kiểm tra đột xuất việc triển khai, xem các Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận/huyện, xã/phường có đi thực tế kiểm tra hay không. Nếu kiểm tra thấy địa phương nào làm không tốt sẽ bị phê bình”, ông Sửu khẳng định.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.