Hà Nội: Lắp 20 trạm quan trắc không khí năm 2020

Hà Nội: Lắp 20 trạm quan trắc không khí năm 2020
TPO - Dự kiến đến năm 2020, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội sẽ tiến hành đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 2 xe quan trắc lưu động. Thành phố cũng đang xây dựng mô hình lan truyền ô nhiễm không khí nhằm đánh giá hiện trạng xu thế diễn biến chất lượng không khí để từ đó đưa ra các giải pháp.

Sáng 27/11, tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan hợp tác phát triển Đức GIZ, và Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) tổ chức Hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội”

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, 92% dân số thế giới đang hít bầu không khí không trong lành. Việt Nam nằm trong các quốc gia có chất lượng không khí kém trên thế giới, trong đó ô nhiễm bụi là vấn đề nổi cộm.

Sở TNMT Hà Nội cho biết, tại Thủ đô theo thống kê năm 2018, dân số khoảng 8 triệu người, 6 triệu xe gắn máy, 600 ngàn ô tô, và sự bùng phát các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với việc tiêu thụ 40 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày … đã gây ra nguồn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu và làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.

Trước thực trạng đó công tác cải thiện chất lượng không khí nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của chính quyền các cấp, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội và cộng đồng.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc tự động. Dự kiến đến năm 2020, sẽ tiến hành đầu tư lắp đặt thêm 20 trạm quan trắc không khí cố định, 12 trạm cảm biến và 2 xe quan trắc lưu động. Thành phố cũng đang xây dựng mô hình lan truyền ô nhiễm không khí nhằm đánh giá hiện trạng xu thế diễn biến chất lượng không khí để từ đó đưa ra các giải pháp.

Đến nay đã có nhiều sáng kiến, chương trình, dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn thành phố như: chương trình hạn chế sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố nhằm phấn đấu đến năm 2020 thành phố nói không với bếp than tổ ong và không đốt rơm rạ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhằm thực hiện hiệu quả Thỏa thuận Paris và cam kết của tổ chức C40 (Nhóm lãnh đạo các sáng kiến về khí hậu).

Ngoài ra, Hà Nội cũng đầu tư hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân tham gia các phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân. Đồng thời, sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông. Xây dựng kế hoạch đánh giá phơi nhiễm do ô nhiễm không khí để đưa ra các khuyến cáo về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và sự phát triển của thành phố….

Hà Nội xếp thứ 2 về mức độ ô nhiễm ở Đông Nam Á

Theo dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia). Cũng theo dữ liệu này, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí ở TP. Hồ Chí Minh có xu hướng xấu dần, dù tốt hơn Hà Nội trong cùng kỳ 3 năm gần đây. Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã và đang phải chống chọi với tình trạng ô nhiễm khói bụi đô thị ở mức báo động màu cam (mức độ ô nhiễm cao). Chỉ trong tháng 3 đầu năm nay cảnh báo màu cam được thông báo 2 lần. Cảnh báo này cho biết khói bụi đã làm giảm tầm nhìn xuống dưới 1,24 dặm và độ ẩm tương đối ít hơn 80%, nồng độ bụi trong không khí PM2.5 đạt từ 500-700µg/m³. Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo nên tránh các hoạt động ngoài trời để đảm bảo sức khỏe. Dự báo thời tiết Bắc Kinh cho thấy ô nhiễm leo thang với mức độ nhanh từ ô nhiễm nhẹ ở mức 3 trong vòng 3 ngày liên tiếp đã tăng lên ô nhiễm nặng ở mức 5. Bắc Kinh trở thành thủ đô ô nhiễm hàng đầu thế giới. Vào đầu năm 2017, 9 tỉnh và thành phố lớn ở miền Bắc và miền Trung Trung Quốc chìm trong khói bụi ô nhiễm. Ô nhiễm không khí đã khiến giao thông ùn tắc nhiều ngày, nhiều tuyến đường bị đóng cửa do khói bụi dày đặc làm giảm tầm nhìn, nhiều chuyến bay đã bị hủy. Trung Quốc rơi vào cảnh “ngày cũng như đêm”

MỚI - NÓNG