Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về quản lý loa phường

Loa phường từng là phương tiện thông tin hiệu quả với người dân. Ảnh: Võ Hải.
Loa phường từng là phương tiện thông tin hiệu quả với người dân. Ảnh: Võ Hải.
Nửa năm sau khi thành phố dừng phát loa phường hàng ngày tại bốn quận nội thành, quy chế quản lý loại hình này được đưa ra lấy ý kiến.

Hà Nội đang lấy ý kiến người dân vào dự thảo “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố”. Đây là văn bản do Sở Thông tin Truyền thông xây dựng, có nội dung tương tự Đề án sắp xếp lại loa phường được thành phố ban hành trước đó, nhưng có một số điểm cụ thể hơn. 

Theo đó, thành phố vẫn giữ quy định không phát loa phường hàng ngày tại bốn quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Địa bàn các quận trên chỉ phát loa trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất và các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chính trị theo hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Địa bàn các quận còn lại, loa phường phát thanh tối đa 2 buổi/ngày (sáng, chiều), thời gian 15 phút/buổi, 5 ngày/tuần (thứ 7 và chủ nhật chỉ phát khi có trường hợp khẩn cấp, đột xuất hoặc theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền). Nội dung được phát trên loa là những thông tin liên quan đến dân cư trên địa bàn.

Quy định loa phường chỉ được phát tối đa 2 buổi/ngày cũng được áp dụng với các huyện và thị xã Sơn Tây, nhưng thời gian phát thanh được kéo dài lên thành 45 phút.

Về số lượng loa, các phường thuộc quận sẽ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm 1-2 loa); mỗi cụm loa phường thuộc xã, phường, thị trấn ở các huyện và thị xã Sơn Tây có 1-4 loa.

Các cụm loa được đặt tránh các vị trí gần trường học, bệnh viện, cơ quan ngoại giao, khu vực người nước ngoài sinh sống, khu nhà cao tầng. Tại địa bàn giáp ranh, các phường, xã, thị trấn phải trao đổi thống nhất về vị trí cụm loa, thời gian phát thanh để không chồng lấn nội dung khi phát.

Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về quản lý loa phường ảnh 1

Hà Nội đã thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa phường, tuy nhiên việc thí điểm gây nhiều ý kiến khác nhau. Ảnh: Võ Hải.

Điểm khác của Quy chế so với Đề án đưa ra trước đó là đưa ra nguyên tắc phát thanh. Cụ thể, loa phường chỉ được phát các nội dung theo quy định; không phát chương trình ca nhạc thuần túy, chỉ phát ca khúc cách mạng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước, ca khúc về Hà Nội lồng ghép trong các chương trình tuyên truyền chính trị và trong phần nhạc hiệu chương trình; không phát quảng cáo trên đài cấp xã.

Đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu thông tin trên đài cấp xã, loa chỉ được phát thông tin trong các trường hợp cụ thể (thông báo tuyển sinh lớp 1; thông báo tuyển dụng lao động; thông báo nhân đạo, từ thiện).

Việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo quy chế quản lý loa phường sẽ diễn ra trong một tháng (từ 24/4 đến 24/5).

Hơn một năm trước, Hà Nội cũng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về loa phường sau khi cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó” và yêu cầu rà soát “nếu không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ”.

Kết quả được công bố sau đó cho thấy, khoảng 90% số người được hỏi cho rằng nên bỏ loa phường, tỷ lệ ý kiến cho rằng thông tin từ loa phường không có ích cũng lên đến 90%.

Từ kết quả rà soát và lấy ý kiến nhân dân, TP đã có thông báo, trước mắt giữ nguyên hệ thống loa truyền thanh tại các huyện, thị xã; giảm tối đa hệ thống loa truyền thanh tại các phường thuộc các quận; sắp xếp lại vị trí đặt loa, thay đổi thời gian, thời lượng, nội dung phát và nghiên cứu thiết bị thông minh dần dần sử dụng thay loa phường.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.