Hà Nội loay hoay quản 1.600 thanh tra xây dựng

Dù có đông đảo lực lượng TTXD nhưng quận Nam Từ Liêm vẫn để xảy ra công trình 18 tầng xây dựng không phép.
Dù có đông đảo lực lượng TTXD nhưng quận Nam Từ Liêm vẫn để xảy ra công trình 18 tầng xây dựng không phép.
TP - Tình trạng vi phạm xây dựng gia tăng, với nhiều công trình nổi cộm thời gian qua làm cho lực lượng Thanh tra xây dựng Hà Nội mang nhiều tai tiếng. Trong khi đó, mô hình quản lý lực lượng này liên tục thay đổi mà vẫn rơi vào tình trạng chồng chéo, khó quy trách nhiệm.

Vướng mô hình quản lý

Trong văn bản Bộ Tư pháp trả lời về việc lấy ý kiến đối với đề nghị của UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm sắp xếp mô hình quản lý của Đội Trật tự xây dựng (TTXD)  với việc chuyển giao về trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã quản lý và đổi tên thành đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, nêu rõ: “Luật Thanh tra năm 2010 không quy định thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện với mục đích giúp cho hoạt động thanh tra được khách quan và thực chất hơn. Bởi vậy, khi xây dựng Nghị định 26/2013 về tổ chức, hoạt động của thanh tra ngành xây dựng Chính phủ đã quyết định đặt Đội TTXD thuộc cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Xây dựng nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Thanh tra”.

Lý do Hà Nội đề xuất mô hình trên đối với TTXD là muốn giao nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành toàn diện lực lượng này cho UBND quận, huyện, thị xã để công tác quản lý trật tự xây dựng đạt hiệu quả trước tình trạng vi phạm diễn ra khắp nơi gây nhiều bức xúc cho dư luận. Trên thực tế ngày 20/7/2016, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3973 về việc giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp đội TTXD. Hiện Sở Xây dựng chỉ chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; quản lý biên chế và chế độ tiền lương của lực lượng TTXD theo Luật Thanh tra; Chánh Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo hoạt động của lực lượng cán bộ, công chức, thanh tra viên của Thanh tra Sở Xây dựng theo quy định.

Đây không phải là lần đầu tiên, Hà Nội muốn thay đổi mô hình quản lý lực lượng TTXD. Kể từ năm 2007, khi thực hiện thí điểm thành lập lực lượng TTXD cấp quận, phường, xã, đến nay lực lượng này có khoảng 1.600 người, có lúc lên đến hơn 1.700 người nhưng liên tục thay đổi mô hình quản lý.

Do thí điểm kéo dài, trong khi Luật Thanh tra quy định TTXD chuyên ngành chỉ có hai cấp là cấp bộ và cấp sở, vì vậy theo Nghị định 26/2013, lực lượng TTXD cấp quận, huyện được gọi là các đội thanh tra trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng quản lý.

Nhưng việc chuyển giao về Thanh tra Sở Xây dựng quản lý cũng bộc lộ những điểm không phù hợp tại đô thị có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội. Trong đó có việc phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và chính quyền các cấp không được thông suốt.

Không ai muốn quản TTXD vì tai tiếng?

Đại diện Ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho biết, qua giám sát về thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính năm 2016, nhiều quận, huyện đều chung kiến nghị thành phố cần phân cấp toàn diện, thống nhất cả con người cũng như công việc đối với lực lượng TTXD cho chính quyền địa phương.

 Phương án được nhiều quận, huyện đồng tình là đưa TTXD về làm bộ phận của Phòng Quản lý đô thị. “Đối chiếu với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cán bộ phòng Quản lý đô thị có quyền lập biên bản vi phạm trật tự xây dựng đô thị - chức năng hoạt động như hiện tại mà TTXD đang thực hiện, đó là được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị UBND các cấp xử lý. Vì vậy, việc kiến nghị bàn giao toàn bộ biên chế đội ngũ TTXD vào phòng Quản lý đô thị các quận, huyện là hợp lý”, đại diện Ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội nói.

Đánh giá về việc chuyển lực lượng TTXD về UBND quận, huyện, thị xã trực tiếp điều hành và quản lý, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, nó phù hợp thực tế, tránh tình trạng “song trùng” quản lý mà không rõ trách nhiệm.

Theo ông Long, đây là lực lượng có chuyên môn, số lượng đông đảo, hiểu biết về địa bàn nhất nên không có lý do gì để biện minh cho việc không phát hiện kịp thời các công trình vi phạm. TTXD là lực lượng trực tiếp phát hiện công trình vi phạm đề xuất phương án xử lý lên phường, quận đã rút ngắn được nhiều thời gian, thay vì phải chuyển hồ sơ lên Sở Xây dựng, rồi Sở chuyển về UBND quận rồi quận lại giao cho từng phường xử lý.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV vẫn “nửa vời”, nếu chỉ giao lực lượng TTXD cho quận, huyện quản lý nhưng lại không quản về con người, không trả lương, chế độ thì rất khó xác định hiệu suất, hiệu quả công việc. Đối với các đội TTXD đang thí điểm giao cho quận, huyện chỉ đạo, điều hành trực tiếp.

Tuy nhiên, biên chế vẫn do Sở Xây dựng quản lý nên hoạt động theo mô hình này chưa hiệu quả. “Phải chăng thời gian qua, trước nhiều vi phạm trật tự xây dựng, TTXD mang nhiều tai tiếng nên không ai muốn nhận, nên lúc thì về Sở Xây dựng, lúc thì về quận, huyện rồi sắp tới không rõ sẽ về đâu?”, một vị cán bộ TTXD phân trần.

Ông Dương Thành Phố, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Xây dựng) cho rằng, địa phương muốn có lực lượng này cấp quận, huyện đủ mạnh để khắc phục nhược điểm xây không phép, sai phép, lấn chiếm đất công..., nhưng lại không phù hợp với quy định hiện hành.

“Có ý kiến lo ngại việc đặt TTXD ở phòng đô thị các quận, huyện là họ vừa đá bóng vừa thổi còi, nhưng nếu đặt cấp cao hơn cũng bất cập ở chỗ xử lý sai phạm không kịp thời, vì vậy sẽ không có mô hình nào toàn diện. Theo tôi quan trọng xây dựng chế tài đủ mạnh xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và lực lượng TTXD”, vị này nói.

MỚI - NÓNG