Hà Nội mùa mưa, lo ngại điện giật chết người

Hà Nội mùa mưa, lo ngại điện giật chết người
TP - Trong vòng 2 tuần trở lại đây, tại Hà Nội và TP HCM đã xảy ra liên tiếp 3 vụ điện giật vì ngập nước, làm chết 4 người.

Hiện nay, trên các tuyến phố của Hà Nội, ngành điện đang tiến hành đào đường chôn cáp và hộp nối đầu cáp, vị trí của các hộp đựng cáp này lại đặt quá thấp, trong khi đường phố Hà Nội thường xuyên chìm trong nước mỗi khi mưa to, khiến người dân lo ngại.

Hộp đấu nối cáp điện bị ngập trong trận mưa ngày 13-7 tại Hà Nội.
Một hộp đấu nối cáp điện bị ngập trong trận mưa ngày 13-7 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Đức.

Điện giật chết người, lỗi tại ai ?

Ông Thống trả lời chất vấn của báo chí về trường hợp 3 người dân chết vì điện giật trong cơn mưa ngày 13-7 tại Hà Nội.
Ông Thống trả lời chất vấn của báo chí về trường hợp 3 người dân chết vì điện giật trong cơn mưa ngày 13-7 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Đức

Hôm qua, trả lời chất vấn báo chí, ông Hồ Viết Thống, Trưởng Ban An toàn điện, Tổng Cty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) khẳng định: Việc 3 người dân tử nạn vì điện giật trong cơn mưa ngày 13-7 là do lỗi của chính họ. Vị này giải thích: Họ bị điện giật sau công tơ nên không thuộc phạm vi bảo vệ của ngành điện.

Tuy nhiên, khi PV Tiền Phong nêu câu hỏi, khi điện tại nhà của 3 nạn nhân trên bị chạm chập, cứ cho rằng hệ thống bảo vệ tại nhà của họ không hoạt động, vậy tại sao Atômát của ngành điện ở ngoài cột lại không tự động ngắt ? Ông Thống cho rằng, tai nạn gây chết người của 3 nạn nhân này là hiện tượng rò điện chứ không phải chập điện (dây lửa chạm đất), nên Atômát của công tơ điện ngoài cột không nhảy.

Ông Thống giải thích, trong điều kiện ẩm, ngập nước chỉ cần 25 vol là có thể gây chết người, trong điều kiện khô ráo khoảng 40 vol cũng có thể gây ra tử vong. Người dân phải sử dụng những thiết bị bảo vệ trong nhà, ngành điện không bảo vệ ở mức 40 và 25 vol.

Rất tiếc, việc 3 nạn nhân trên bị chết là do điện giật trực tiếp (ở mức 220 vol) hay do rò điện (mức 25-40 vol), đến nay vẫn chưa thấy có cơ quan nào kết luận. 

Người dân quan ngại về cáp ngầm

Hàng loạt các tuyến phố Hà Nội đang được đào bới ngổn ngang để hạ ngầm cáp điện, người dân lo lắng, trời mưa, đường ngập, phải lội nước đến ngang bụng, vậy những hộp đấu nối, cáp điện ngầm có đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông hay không.

Ông Hồ Viết Thống cho rằng: Lưới điện trung thế, chúng tôi quy định tất cả cáp ngầm phải có khả năng chống thấm; khi xuất hiện những điểm bị nước thâm nhập, trong cấu tạo vỏ cáp có một loại bột tự nó sẽ băng kín lại chỗ hở.

Chúng tôi sử dụng một hệ thống nối đất để loại bỏ tất cả những trường hợp chạm, chập, lúc này hiện tượng rò điện sẽ được định nghĩa là sự cố và hệ thống bảo vệ sẽ cắt ngay, những tính năng này chúng tôi đang thi công và có tính đến yếu tố ngập nước.

Hiện có rất nhiều hộp đấu nối cáp điện đặt trên các tuyến phố của Hà Nội thường xuyên bị ngập khi có mưa to, khiến người dân lo ngại mỗi khi ra đường gặp trời mưa. Ông Hồ Viết Thống giải thích: Hiện các tủ điện được bố trí trên bệ móng với độ cao tối thiểu khoảng 30 cm, những nơi hay bị ngập lụt, độ cao này được tăng lên tới 70-80 cm. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên thống kê các điểm hằng năm xảy ra úng ngập để ngắt điện kịp thời khi có mưa bão.

Tuy nhiên, một khi các hộp đấu nối này bị ngập, ông Thống thừa nhận là không thể tính hết trong những trường hợp đặc biệt, vì vậy ngành điện sẽ có thêm một biện pháp nữa là yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải nắm bắt được tình hình ngập úng và cắt điện ngay khi có nguy cơ.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Trưởng Bộ môn Hệ thống điện, ĐH Bách khoa Hà Nội:

Điện hở làm chết dân là lỗi của ngành điện!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất an toàn về điện, nhưng những trường hợp chết người vừa rồi có thể do “nối đất” kém. Bình thường, các bộ phận của cột điện được nối với cọc kim loại (chôn dưới đất) qua các dây dẫn. Nếu dây dẫn không đúng tiêu chuẩn an toàn thì sẽ rò rỉ điện, gây nguy hiểm.

Những trường hợp hở điện làm chết dân là do lỗi của những người quản lý điện khi không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Người dân cũng cần được tuyên truyền nhiều hơn kiến thức về an toàn điện.

Hiện nay, các dây cáp ngầm đều có vỏ bọc ngoài dày, nên khá an toàn. Nhưng ở những vị trí đấu nối, nếu không được bảo vệ và nối đất tốt thì sẽ dễ rò rỉ điện, gây nguy hiểm.

Bây giờ, đã có thiết bị RCD, giúp ngăn chặn sự cố điện trong gia đình. Các nước châu Âu đã dùng loại này. Giá khoảng 600 nghìn đồng. Người dân nên lưu ý, khi nhà bị ngập nước thì cần ngắt điện ngay.

MỚI - NÓNG