Hà Nội: Năm cơ quan “đánh vật” với mười con lợn

Hà Nội: Năm cơ quan “đánh vật” với mười con lợn
Tám hộ dân phải “chung sống với lợn” trong nhà số 9 phố Nam Ngư, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ hơn chục năm nay. Chuồng lợn này là của bà Phạm Thị Ngân, sống cùng số nhà.
Hà Nội: Năm cơ quan “đánh vật” với mười con lợn ảnh 1
Hà Nội phố nhỏ, nhà cổ - Ảnh minh hoạ

Hồi mới nuôi, bà chỉ bắt hai, ba con. Vài năm lại đây, bà mở rộng quy mô chuồng trại sang cả nhà vệ sinh chung để chứa thường xuyên chừng chục chú.

Hàng đống phân lợn theo nước trôi xuống cống, lềnh bềnh qua một đoạn cống hở nằm giữa lối đi chung.

Bà Ngân cũng chiếm luôn nhà tắm chung để đặt lò tráng bánh phở và chiều chiều đỏ lửa. Hơi nóng ngùn ngụt như lò bát quái. Chị X. (xin giấu tên), thuê nhà ở tầng trên, hàng ngày muốn ngủ phải… chui vào nhà tắm. Những hôm Hà Nội nóng 38-39 độ C, chị X phải đi ngủ nhờ.

Thăm chuồng lợn, PV Tiền Phong phải nhờ 113 giải vây

Khoảng 11h00 trưa 27/7, PV Tiền Phong được một người dân sống tại số 9 Nam Ngư dẫn vào khu chuồng lợn nhà bà Phạm Thị Ngân.

Trong bóng tối mờ ảo nhuốm mùi phân lợn, chúng tôi vừa lôi máy ảnh trong túi ra thì bà Phạm Thị Ngân từ trên gác chạy xuống.

Tiếp đó, chồng bà Ngân là ông Khuê, cùng hai người cháu tên Hoa và Thành, xông tới lớn tiếng đòi thu và đập máy ảnh. Khi chúng tôi chạy được vào nhà một người dân và khóa cửa lại, những người này vẫn tụ tập ngoài cửa la lối, đòi bắt trói PV và đe dọa: “Không cho thoát khỏi đây nếu không chịu xuống nộp mạng”.

Chừng nửa tiếng sau khi bị “bao vây”, thấy tình hình không lắng dịu, PV Tiền Phong đành gọi điện cầu cứu CS 113 mới được giải thoát.

Trưa 27/7, khi chúng tôi đến “mục sở thị” chuồng lợn, bà Ngân đã kịp xuất chuồng năm con. Len lỏi qua lối đi ngoằn ngoèo, tối om và sền sệt mùi phân lợn, chúng tôi phải “lừa” con chó hung dữ án ngữ trước lối đi mới tới được nơi nuôi lợn.

Năm con heo trong cái ngách cầu thang ẩm ướt, thiếu ánh sáng và không khí, vẫn béo hồng. Cách đó một quãng là dàn tráng bánh phở khá hoành tráng.

Đàn ruồi nhặng đậu trên mấy bức tường đen kít ngửi thấy hơi người bay vù lên. Mới kịp nín thở “lia” mắt tới đó, nghe tiếng chó sủa đánh động, vợ chồng bà chủ “trại lợn” đã từ trên gác lao xuống, mắng nhiếc không ngớt!

“Hai nhà tắm và hai nhà vệ sinh chung bị bà Ngân chiếm mất một nửa. Hai cái còn lại ám mùi, chẳng ai dám dùng. Phần vì bà Ngân xích chó ở đó không cho ai vào, phần chui từ đó ra thì người toàn mùi… lợn” - Một chị tên ánh nói.

Bà Lê Thị Bình phải “bỏ hoang” căn nhà đang ở sát chuồng lợn để đi thuê nơi khác.

Dân sống trong số nhà đội đơn kiện khắp nơi. Cứ tưởng việc giải quyết của chính quyền chỉ chờ một sớm một chiều. Ai dè, lò bánh phở vẫn đỏ lửa, đàn lợn chục con, hết lứa này đến lứa khác, cứ lần lượt xuất chuồng.

“Chẳng lẽ bắt lợn nhốt vào UBND phường?”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, ông Trần Đức Hiếu, cho biết, sau khi nhận được đơn thư của bà con số 9 Nam Ngư, UBND phường có mời đại diện gia đình bà Ngân và “bên nguyên” đến trụ sở.

Cuộc họp hòa giải ngày 9/7/2004 kết luận việc kinh doanh bánh phở và nuôi lợn của gia đình bà Ngân phải đình chỉ ngay, phải trả lại diện tích sử dụng chung.

Gia đình bà Ngân không thực hiện. Dân tiếp tục kiện. Phường tiếp tục họp. Hòa giải, thuyết phục, vận động, dọa “sẽ có các hình thức xử lý”. Tình hình không xoay chuyển, lại kiện. Cái vòng “luân hồi” ấy quay cật lực một năm nay mà bà Ngân vẫn thi gan.

Là “ốc đảo” của phường Cửa Nam chật chội, Nam Ngư yên tĩnh và cổ kính thường được khách du lịch ngoại quốc đến trọ và ăn uống khá nhiều. Tứ mùa, cụ thể là mùa hè này, giá ăn và ở tại đây đắt khét.

Phòng trọ mấy khách sạn mini dọc Nam Ngư bèo nhất cũng 25 USD/ngày, trong khi với giá ấy có thể thuê trên phố Hàng Gai đoạn ngay sát Bờ Hồ. Không ít lần du khách có dịp chứng kiến những người ở nhà số 9 cãi vã om xòm và xỉa xói mặt vào nhau.

Chờ xử lý đến bao giờ?

Theo ông Hiếu, thẩm quyền của phường chỉ được xử phạt hành chính dưới 500.000 đồng trong khi chục con lợn và lò tráng bánh phở của bà Ngân  định giá cao hơn mức phạt nhiều lần.

Cái khó nữa là pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chưa có chế tài cụ thể về xử lý hành vi chăn nuôi lợn như một nguồn kinh tế phụ gia đình. “Không thể cưỡng chế bắt lợn” - Một cán bộ phụ trách nhà đất nói - Mà giả sử có được bắt, biết xử lý ra sao? Giết thịt thì không được. Chẳng lẽ bắt nhốt vào UBND phường?”.

Bó tay, phường gửi công văn lên cấp trên và các cơ quan liên quan, đề nghị phối hợp giải quyết. Căn cứ vào hồ sơ do UBND phường Cửa Nam cung cấp, chúng tôi thấy có ít nhất năm cơ quan tham gia giải quyết vụ việc này là UBND phường, y tế, môi trường, quản lý thị trường, và xí nghiệp kinh doanh nhà quận Hoàn Kiếm.

Sau nhiều công văn dọa đi dọa lại tình trạng “lợn một bên và phở một bên”, ngày 29/4/2005, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ra “quả đấm” có thể xem là mạnh nhất từ trước đến nay trong vụ việc này: Đó là Quyết định số 114/TTR xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hộ bà Phạm Thị Ngân.

Mức phạt 3,8 triệu đồng và một lần nữa, nhắc lại cụm từ “đình chỉ hoạt động này” đã quá quen thuộc trong hàng đống công văn trước đó.

Đến hẹn, bà Ngân lại dây dưa chưa nộp với lý do chưa đủ tiền! Còn việc chưa chấm dứt hai nguồn kiếm sống kia, vẫn không thấy bà nêu lý do.

Một tuần sau khi nhận được câu hỏi của Tiền Phong về “hình thức xử lý kiên quyết” tiếp theo như ghi rõ trong công văn ra sao, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng không thấy đưa ra câu trả lời nào.

Chúng tôi lại tìm đến UBND quận Hoàn Kiếm. Bà Đặng Mai Anh, Phó phòng Tài nguyên &Môi trường (TNMT) mới thành lập từ tháng 4/2005, nhẹ nhàng: “Mới quá, nên chưa được giao thẩm quyền nào khả dĩ có thể xử lý được”! Phòng chỉ có thể làm được việc là gửi công văn tới Sở TN-MT&NĐ đề nghị cho người xuống đo kiểm mức độ ô nhiễm.

Sở TN- MT&NĐ giải quyết ra sao? Tiếp phóng viên Tiền Phong, KS Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên, than phiền: “Cái kiểu cứ có đoàn kiểm tra đến là lợn “bốc hơi”. Còn chuồng lợn, chỉ cần một xô nước là sạch bóng. Việc chúng tôi mang máy móc xuống đo kiểm là hoàn toàn vô nghĩa”.

Liên quan đến xử lý tranh chấp đất đai, bà Chu Kim Khanh, PGĐ Xí nghiệp (XN) kinh doanh nhà Hoàn Kiếm, đơn vị trực tiếp quản lý nhà số 9 Nam Ngư, cho biết:

“XN chỉ có thẩm quyền quản lý trên phương diện chủ hợp đồng chứ không quản lý trên phương diện hộ. Về mặt hồ sơ quản lý, nhà số 9 Nam Ngư có hai hợp đồng thuê nhà.

Các thành viên của hai chủ hợp đồng này phân chia quyền sử dụng đất ra sao là tùy thuộc vào thỏa thuận của họ với nhau. Chính vì vậy khi có tranh chấp, áp dụng văn bản xử phạt hành chính đối với các thành viên của hợp đồng là không hợp pháp.

Ngày 19/7/2005, XN có công văn số 189/XNHK-QBN gửi UBND phường Cửa Nam, đưa ra hai cách giải quyết.

Một là, nếu các hộ có nhu cầu “hoạch định” lại diện tích sử dụng chung, thỏa thuận với nhau và làm đơn đề nghị, XN sẽ tạo điều kiện bằng cách báo cáo Sở và Cty Kinh doanh Nhà số 2, cho các hộ được ký cam kết hoạch định mới.

Hai là, nếu các hộ không tự thỏa thuận được mà vẫn tranh chấp, XN buộc phải giải tỏa diện tích tranh chấp để sử dụng chung.

Tuy nhiên, theo bà Khanh, cái khó nằm ở chỗ bà Ngân không xây mới kiên cố diện tích tranh chấp mà chỉ chiếm dụng để sử dụng riêng nên không thể cưỡng chế tháo dỡ.

Trong khi đó, đoàn đến kiểm tra lại chả thấy cả lợn và lò bánh đâu mỗi lần “vi hành”! Cuối cùng, cách giải quyết muôn năm cũ là “phụ thuộc vào thỏa thuận của các hộ với nhau là chính”.

Cấm nuôi lợn trong thành phố – bao giờ?

Trao đổi với Tiền Phong, quan chức thuộc các đơn vị chức năng liên quan hầu hết đều chung quan điểm, nếu có quy định cấm nuôi lợn trong thành phố, món “canh hẹ” này “được giải quyết xong ngay”.

KS Bình nói: “Dây dưa đến nhiều cơ quan mà vẫn lùng nhùng không xử lý được là do còn thiếu những chế tài, thể chế cần thiết. Đã đến lúc UBND TP cần nhanh chóng ban hành quy định cấm nuôi lợn trong thành phố, ít ra là ở khu vực nội đô. Sở TN - MT& NĐ sẽ đề nghị Sở Y tế Hà Nội có ý kiến với UBND TP về việc này.

Đồng thời, phía Sở TN - MT& NĐ cũng sẽ gửi một công văn riêng”. Ông Bình phàn nàn, “Thời bao cấp khó khăn, khi các cán bộ, công chức Hà Nội vẫn cố tăng gia thêm con gà, con lợn trong nhà, có lẽ đã qua. Một Thủ đô Hà Nội đang tiến tới đô thị văn minh mà đó đây vẫn có những chuồng lợn, chuồng gà mất vệ sinh, có khả năng gây dịch bệnh trong khu dân cư, là không thể chấp nhận được”.

Chưa biết khi nào có quy định cấm nuôi lợn trong thành phố. Thời điểm làm việc với báo Tiền Phong, công văn nói trên của Sở TN - MT& NĐ vẫn đang là ý tưởng! Như vậy, 8 hộ dân số 9 Nam Ngư sẽ tiếp tục phải ở chung với lợn cho đến khi quyết định của UBND TP ra đời.

MỚI - NÓNG