Hà Nội ngày cuối năm

Hà Nội ngày cuối năm
TPO - Mặc dù là ngày cuối năm nhưng không khí mua sắm tại các siêu thị và các chợ nội thành Hà Nội không mấy sôi động. Trong khi đó, các rạp chiếu phim và các quán lẩu lại nhộn nhịp người. Ghi nhanh của phóng viên TPO trong ngày cuối cùng của năm 2007.
Hà Nội ngày cuối năm ảnh 1
Siêu thị Fivimart đầu giờ chiều 31/12 vẫn vắng hoe - Ảnh Phan Kiền

Tại các siêu thị lớn của Hà Nội như Vincom, Intimex, BigC, Fivimart… lượng người mua không tăng nhiều.

Chị Ngọc, nhân viên bán hàng quầy sâm và rượu ở tầng 2, Vincom, cho biết: “Mặt hàng của bọn mình chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đán thôi, tết dương lịch này người mua cũng có nhích lên một chút nhưng không đáng kể”.

“Người đi xem là chính chứ mua không nhiều lắm, người đến quầy hàng thì có tăng nhưng lượng bán vẫn thế”, đang gói hàng cho vị khách thứ ba trong ngày, Cường, nhân viên quầy hàng thời trang Yishion tâm sự. Hầu hết sức mua các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ trang sức những ngày này không có nhiều biến động.

Đinh Công Huy, nhân viên quầy thực phẩm (tầng 3, Vincom) lúi húi niêm yết giá mới vào các gói thực phẩm đông lạnh cho biết, những ngày này các mặt hàng thực phẩm ở đây tăng giá một chút vì người mua đông hơn.

“Hôm qua lượng mua tăng gấp đôi bình thường, ngày kia là gấp ba, những ngày này các mặt hàng tủ lạnh, lò vi sóng… bán rất được”, đó là nhận xét của anh Vũ Tiến Dũng, giám sát bán hàng cửa hàng điện tử Carings ở tầng 4.

Một điểm dễ thấy ở các siêu thị những ngày này là hầu hết các mặt hàng đều có những chương trình khuyến mại đặc biệt.

Gần như các mặt hàng thời trang ở siêu thị Vincom giảm giá từ 10% đến 30%, các cửa hàng điện tử có những chương trình khuyến mại hấp dẫn: tặng cặp rượu vang cho 50 khách hàng đầu tiên trong ngày, tặng bộ ví da cao cấp cho khách hàng mua hàng giá trị từ 20 triệu trở lên…

“Khuyến mại và giảm giá là dành cho dịp cuối năm của Tết Nguyên đán chứ vào dịp tết dương lịch, dù khuyến mại nhưng vẫn không tăng được lượng mua được là bao đâu anh ạ”, Hà, nhân viên cửa hàng mỹ phẩm cười cho biết.

Các siêu thị Intimex ở bờ hồ Gươm, Fivimart ở Trấn Vũ sáng nay rất vắng vẻ. Theo lời người giữ đồ ở siêu thị Fivirart thì phải đến chiều lượng khách mua hàng mới tăng nhưng chắc cũng không đông hơn ngày thường là bao.

Dù cuối năm nhưng Tràng Tiền Plaza vẫn không đổi lịch mở cửa, 14h mới bắt đầu mở và lượng người đến cũng không khác mọi hôm.

Dạo quanh một vòng các khu chợ, lượng người mua cũng không tăng đáng kể. Chị Phương, chủ cửa hàng thời trang ở chợ Đồng Xuân buồn rầu: “ế ẩm lắm em ạ. Dịp này chả có mấy người đi chợ đâu, tết Âm cơ”.

Chợ Phùng Khoang vốn đông đúc vì lượng sinh viên tập trung ở khu vực này nhiều nhưng hôm nay cũng vắng vẻ vì phần lớn sinh viên ngoại tỉnh về quê gần hết.

Một lý do dễ hiểu giải thích cho tình trạng "vắng vẻ" này là hôm nay các cơ quan, doanh nghiệp vẫn làm việc bình thường, lại là ngày đầu tuần nên lượng người đi mua sắm sẽ giảm.

Và dường như siêu thị, các khu chợ không còn là điểm đến hấp dẫn mọi người trong dịp tết dương lịch này...

Xem phim, ăn lẩu là số 1

Hà Nội ngày cuối năm ảnh 2
Chen nhau mua vé tại Megastar chiều 31/12- Ảnh Minh Thùy

Cái lạnh tăng cường của đợt không khí lạnh làm thay đổi hẳn thực đơn ăn chơi của nhiều người dân Hà Nội. Hai chỗ đến lý tưởng cho ngày nghỉ tết dương lịch được lựa chọn nhiều nhất là đi xem phim ở các rạp và ăn lẩu.

Đầu giờ chiều ngày 31, tại một số rạp chiếu phim như Megstar,  Trung tâm chiếu phim quốc gia, rạp Hồng Hà… đã đông nghịt người.

Theo chị Phạm Vi, người quản lý rạp chiếu phim Megastar, để đáp ứng cho nhu cầu của người xem trong dịp tết dương lịch, Megastar đã xếp kín giờ chiếu từ sáng sớm đến tận khuya, các phim cũng đã có sự chọn lọc từ lâu, với hai chủ đề là phim hành động và phim về gia đình như: Bản sắc anh hùng, Găng tơ Mỹ, Kế hoặc làm bố…

Trong ngày 31, quầy vé của các rạp chiếu phim đã đông kín người vì theo chị Vi, đa phần là khách đến lấy vé đặt và mua trước vì sợ ngày mồng 1 sẽ không còn vé.

Hà Nội ngày cuối năm ảnh 3 Hà Nội ngày cuối năm ảnh 4
Mới đầu giờ chiều mà các quán lẩu đã đón không ít khách. Ảnh chụp tại "phố lẩu" Phùng Hưng lúc 14h15' ngày 31/12. Ảnh: Minh Thùy.

Ngoài các rạp chiếu phim, hai "phố lẩu" của Hà Nội là Cao Bá Quát và Phùng Hưng cũng đã lên kế hoạch cho việc kinh doanh tết dương lịch từ trước mấy ngày.

“Một số loại thực phẩm hải sản sống đã phải mua dự trữ cách mấy ngày. Trong đợt tết này, thực phẩm phải mua nhiều gấp ba lần ngày thường mà vẫn sợ thiếu.

Từ sáng tới giờ, ngót nghét đã bán hết 40 nồi rồi. Cả nhà được huy động để chuẩn bị phục vụ khách tối nay”, Nguyễn Hồng Anh chủ quán lẩu trên phố Phùng Hưng hồ hởi.

Theo quan sát của chúng tôi, các quán lẩu đều tăng giá trong dịp này, khoảng từ 10 nghìn đến 20 nghìn một nồi nhưng khách hàng không phàn nàn, vì nói như anh Hùng chủ quán lẩu ở Cao Bá Quát thì “tăng giá vì thực phẩm đắt lên theo thị trường chứ không phải vì thấy tết đông khách mà tăng”.

MỚI - NÓNG