Hà Nội: Nhếch nhác nhà vệ sinh công cộng

Hà Nội: Nhếch nhác nhà vệ sinh công cộng
TP - Ở thủ đô, có lẽ thứ khó tìm nhất là …nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Từ những phố trung tâm đến những đường xa hơn như Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy… đỏ mắt cũng chẳng thể thấy nơi “giải quyết nỗi buồn”.

>> 1001 chuyện đi vệ sinh công cộng

Hãi hồn nhà vệ sinh công

Hà Nội: Nhếch nhác nhà vệ sinh công cộng ảnh 1
Nhà vệ sinh hay cửa hàng photocopy? Ảnh chụp tại NVS vườn hoa ĐH Công đoàn

Quanh Hồ Gươm có 3 nhà vệ sinh, một ở phố Đinh Tiên Hoàng, hai nhà vệ sinh (NVS) khác nằm trên phố Lê Thái Tổ. Nếu không phải người bản địa, chịu khó quan sát, có lẽ khó mà nhìn thấy nhà vệ sinh nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng.

Mặt ngoài được “ngụy trang” làm quầy bán đồ lưu niệm, mặt sau là khu vệ sinh gồm 8 phòng quay ra hồ. WC này có vẻ khá sạch sẽ, đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.

Nhìn kỹ lại, bồn rửa tay đã cáu bẩn, mẩu xà phòng để rửa tay gần đó cũng đã lên mốc. Thêm vào đó là sự bất tiện của việc sử dụng “xí xổm”. Nhiều khách nước ngoài bị rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì toilet này lạ quá không biết cách sử dụng.

Cách đó nửa vòng hồ, đối diện nhà hàng Thủy Tạ là nhà vệ sinh số 8 Lê Thái Tổ. Vừa bước vào cửa, sộc vào mũi là mùi amôniăc. Hai tường bao quanh mỗi nhà vệ sinh cá nhân chi chít những câu “quảng cáo” kiểu như “gọi là có: 0987154xxx”, “trai gọi…”, “gái gọi…” và những câu tục tĩu. Giấy vệ sinh và nước sạch là “hàng hiếm” ở WC này.

Bồn xả nước treo phía trên còn khá mới nhưng sau khi giật chục lần vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi đành nhắm mắt thò tay vào một bể chứa chưa đến 1 mét khối, rêu bám đầy. Dụng cụ dùng múc nước là một xô sắt tây đã nhuốm màu thời gian.

Anh Hiếu Thượng (Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bức xúc: “Tôi bị sốc khi thấy giữa thủ đô Hà Nội lại có một WC tệ như thế này”. Nghĩ là nhà vệ sinh này có thu phí, anh Thượng đưa 2.000đ cho nhân viện trông coi, người này thản nhiên cầm.

Mất tiền “tươi” nhận dịch vụ rởm!

Hà Nội: Nhếch nhác nhà vệ sinh công cộng ảnh 2
Bên trong của NVS ở số 5 Lê Duẩn: Di chứng thời bao cấp?

Tại NVS số 5 Lê Duẩn (đối diện siêu thị Hapro), khu vệ sinh nữ có 8 phòng thì cả 8 cửa đều đã ọp ẹp, mối ăn lỗ chỗ, không có chốt cửa.

Nhiều người vào đây phải vừa giữ cửa vừa “giải quyết nỗi buồn.”(!) Thêm nữa, vì không có bồn xả cá nhân, nên chỉ có thể xả nước bằng phương pháp “cổ truyền”.

Một bể nước nổi váng được sử dụng chung cho các mục đích dội toilet, rửa tay, thậm chí là rửa mặt. Mùi xú uế ở đây cũng không chịu kém cạnh WC số 8 Lê Thái Tổ.

Những NVS ở khu vực chợ hoa quả Long Biên, cầu Chương Dương, bến xe Mỹ Đình…khá “nổi tiếng”, không chỉ vì sự xập xệ mà còn vì chúng là bãi đáp của nhiều con nghiện. Nhìn đống kim tiêm còn vương vãi máu, vỏ chai nước cất trên sàn, người ta cũng đủ rùng mình.

Ngay cả một NVS rất sạch như NVS số 20 Nguyễn Chí Thanh cũng đầy kim tiêm, xi lanh trong sọt rác. Có lẽ vì thế mà rất nhiều người chọn cách tiểu tiện “gần gũi với thiên nhiên”, hơn là vào NVSCC. Những cột điện và tường bê tông ở khu vực từ chợ Long Biên đến cầu Chương Dương ít khi… khô ráo, vì quá nhiều người thi nhau “xả”.

Sử dụng sai mục đích cũng là vấn đề đáng nói của NVSCC tại Hà Nội. Đơn cử như trường hợp ở vườn hoa Tây Sơn (cạnh cổng trường ĐH Công đoàn). Nhìn tấm biển photocopy trước cửa, ít ai “dám” nghĩ đây là một NVS thuộc hệ thống NVSCC của thành phố.

Các tấm pano bao quanh vẫn là của toilet nhưng trong ruột nó lại là cửa hàng photo. Nhiều năm nay, nơi đây đã từng là cửa hàng rửa xe máy, cắt tóc và giờ là  photo, mặc dù mục đích xây dựng là NVSCC. Bao giờ nơi đây mới trở về chức năng thật của mình?

WC công cộng - Cha chung ai khóc?

Hà Nội: Nhếch nhác nhà vệ sinh công cộng ảnh 3
Mặt tiền NVS đường Đinh Tiên Hoàng

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc các NVSCC chưa được quan tâm đúng mức là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của người sử dụng quá kém. Với tâm lý “khách vãng lai”, lại ỷ đã trả tiền vệ sinh, rất nhiều người vô ý thức không dội nước sau khi đi vệ sinh.

Cố nín thở trong NVS số 5 Lê Duẩn 15 phút, tôi đếm thấy 7 người vào, nhưng có đến 5 người đi mà quên luôn … dội nước. Những NVS khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nếu người quản lý nhắc nhở, hoặc chăm chỉ dọn dẹp, không khí ở các NVS còn dễ thở.

Nhưng tiếc thay, rất nhiều NVSCC trở thành nỗi ám ảnh của khách lỡ đường, bởi tình trạng vệ sinh quá kém, nguy cơ lây các bệnh hô hấp, tiêu hóa, da liễu… rất cao. Đó là chưa nói đến kim tiêm, xi lanh mà những đối tượng nghiện hút ném bừa bãi tại các NVS. Nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao, nếu người dọn dẹp NVS hoặc người đi vệ sinh dẫm phải những kim tiêm này.

Xảy ra hiện tượng các đối tượng nghiện hút vào NVSCC để chích ma túy, một phần là do ý thức bảo vệ công trình công cộng của nhân viên quản lý chưa cao. Hầu hết nội quy chỉ được “truyền miệng”, hoặc nhân viên quản lý tự viết trên tường.

Những nhân viên quản lý NVS thường là nữ giới, nên việc ngăn chặn các đối tượng khả nghi vào NVS hút, chích rất khó. Mặt khác, tâm lý “việc ai người nấy làm” của các chị cũng vô tình tạo điều kiện cho những đối tượng này.

Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đang đến gần, việc chấn chỉnh, nâng cấp hệ thống nhà VSCC tại Hà Nội được xem là một công việc đầy ý nghĩa. Sẽ có hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm Hà Nội - Thủ đô linh thiêng và hào hoa. Với tình trạng thiếu NVS và  NVS  đang sử dụng nhếch nhác như hiện nay, liệu chúng ta có đủ tự tin để đón những du khách thăm Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.