Hà Nội: Nhiều cán bộ không phù hợp chuyên môn vẫn được giữ lại

Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng
Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng
TPO - "Tôi tiếp nhận 146 cán bộ thì có 87 viên chức và 59 cán bộ hợp đồng, trong đó có cán bộ không phù hợp chuyên môn nên tôi đề nghị cho nghỉ thì lại có ý kiến cho giữ nguyên...", Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, nói. 

Ngày 31/8, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020 và giai đoạn 2016- 2020.

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi về nguyên nhân Ban QLDA nông nghiệp có 8/14 dự án chuyển tiếp đang thi công, Ban QLDA cấp thoát nước có 10/14 dự án chuyển tiếp, trong đó có nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như một số dự án trạm bơm của Ban QLDA nông nghiệp; các dự án xử lý nước thải Yên Xá, dự án thoát nước và cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2…

Đại biểu Nguyễn Văn Nghinh cho rằng, dự án trụ sở công an cấp quận huyện, phường tiến độ giải ngân chậm, mới đạt khoảng 19% cho 11 dự án. Điều này đã khiến kéo dài vốn từ năm 2019 sang năm 2020. "Lãnh đạo Ban QLDA công trình Văn hóa xã hội thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của ban và các ban liên quan, giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình trên", ông Nghinh nêu câu hỏi.

Đại biểu Đoàn Nhật Cường nêu năm 2020 thành phố có bố trí kế hoạch vốn cho Ban QLDA công trình giao thông là 50 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay mới giải ngân được 5,8 tỷ đồng…

Tại buổi giải trình, Giám đốc Ban QLDA công trình cấp thoát nước và môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, kế hoạch năm 2020 Ban được giao vốn 1.300 tỷ đồng, đến thời điểm giải trình, đã giải ngân đạt 42,3%.

Về những tồn tại, ông Hùng cho biết, trước hết thuộc trách nhiệm chủ đầu tư trong quá trình điều hành, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của cán bộ các Ban QLDA.

Ông Hùng nói: Về trình độ, chúng tôi tiếp nhận cán bộ từ toàn bộ các ban cũ theo quyết định ngày 31/12/2016, nhưng có người đến nay chưa thể thay đổi, chưa tiếp nhận được các công việc, có những cán bộ có chuyên môn không liên quan gì đến chuyên ngành, nhưng vẫn phải thực hiện công việc...

"Tôi tiếp nhận 146 cán bộ thì có 87 viên chức và 59 cán bộ hợp đồng, trong đó có cán bộ không phù hợp chuyên môn nên tôi đề nghị cho nghỉ thì lại có ý kiến cho giữ nguyên. Phải thừa nhận nguyên nhân đầu tiên là trách nhiệm chủ quan của chúng tôi, những trong quá trình điều hành có những cán bộ năng lực chuyên môn rất tốt nhưng còn sợ sệt, không dám làm… Ngoài ra, còn vướng mắc do luật, sửa nghị định…", ông Hùng cho hay.

Cụ thể, với dự án xử lý nước thải Yên Xá, theo ông Hùng, đến nay giải ngân được 45%. Dự án này những năm trước khó khăn trong thủ tục đấu thầu, liên danh tư vấn rất phức tạp. Với gói thầu số 1 trên 4.000 tỷ đồng, Ban đấu thầu đến nay còn gần 3.100 tỷ, tiết kiệm cho thành phố 928 tỷ đồng (theo thời giá 2018).

Với dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, là dự án Ban nhận lại từ giai đoạn quyết toán. Vừa qua, trên cơ sở những hồ sơ phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng của các quận huyện, Ban phải đưa vào danh mục để báo cáo Sở KH&ĐT báo cáo thành phố bố trí vốn 115 tỷ đồng, song đến nay giải ngân của các địa phương rất chậm.

Phó Giám đốc BQLDA Văn hóa xã hội thành phố Nguyễn Ngọc Tường cho biết, đến nay, Ban đã giải ngân được hơn 382 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch năm 2020.

Ông Tường cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ giải ngân chung của Ban chưa đạt mục tiêu chung đề ra, nhưng cam kết Ban sẽ hoàn thành 95-97% kế hoạch giải ngân chung năm 2020. Ban có nhiều dự án gặp vướng mặc trong giải phóng mặt bằng phải chờ đợi như Trụ sở Công an quận Hoàng Mai còn vướng hơn mấy chục hộ không nhận tiền đền bù, Ban phải thực hiện quy trình cưỡng chế theo quy định. Trụ sở phòng cháy chữa cháy huyện Thanh Trì cũng vướng GPMB…

Giám đốc Ban QLDA công trình Văn hóa xã hội thành phố Nguyễn Trường Sơn giải trình thêm, trong quá trình thiết kế các trụ sở, một số dự án thiết kế cho quận huyện phải điều chỉnh thiết kế một số hạng mục theo mẫu thiết kế mới của Bộ Công an, dẫn đến tình trạng hồ sơ phê duyệt “vòng đi vòng lại” để thẩm tra, thẩm định với Bộ Công an. Ví dụ như hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống nhà tạm giam, camera giám sát, hàng rào an ninh…

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết nếu theo đúng tiêu chuẩn này thì một số dự án sẽ vượt mức đầu tư được duyệt. Vì vậy, tinh thần của Ban sẽ phối hợp với ngành công an để xem xét những thiết bị cần thiết sẽ bổ sung, cái gì sẵn có sẽ cố gắng sử dụng lại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nêu việc giải ngân của thành phố Hà Nội năm nay còn chậm. Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ, cố gắng hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 53%. Thành phố quyết tâm giải ngân từ 97%-100% và thực hiện giải ngân năm 2020 đến hết tháng 1/2021.

Ông Sửu cho biết, sẽ tiếp tục yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tổ chức thực hiện các biện pháp, giải pháp đã xác định. Sở KH&ĐT sẽ đánh giá lại kế hoạch trung hạn, điều chỉnh vốn năm 2020 và tiếp tục đưa các giải pháp thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, đầu tháng 9, thành phố sẽ gửi văn bản Bộ KH&ĐT để trình Chính phủ tiếp tục thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng. Về điều hành, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, điều hành cụ thể hơn, đẩy mạnh triển khai trong quý IV/2020. Trong đó, làm rõ nguyên nhân chậm ở từng dự án về vướng gì, ở đâu, trách nhiệm của ai...

MỚI - NÓNG