Hà Nội: Nóng chuyện đất đai và nhà ở

Hà Nội: Nóng chuyện đất đai và nhà ở
(TPO) Sáng 4/8, UBND TP Hà Nội đã trả lời chất vấn các vấn đề bức xúc của cử tri xung quanh việc thu hồi đất sử dụng sai mục đích, quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới, cải tạo, nâng cấp các công trình đang xuống cấp...
Hà Nội: Nóng chuyện đất đai và nhà ở ảnh 1

Mở đầu buổi chất vấn, ông Đỗ Hoàng Ân, Phó Chủ tịch UBND TP đã thay mặt UBND TP trả lời chất vấn về việc quản lý đầu tư và xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân cho biết: Tại các dự án phát triển khu đô thị mới thực hiện theo quy định của Quyết định 123, TP đã có quỹ đất 20% với diện tích 588.189 m2 đất (tương ứng 25.109m2 đất xây dựng nhà ở chung cư cao tầng và 63.080m2 đất xây dựng nhân ở thấp tầng) và quỹ nhà ở 50% thuộc diện điều tiết về đối tượng của TP là 5.830 căn hộ.

Số căn hộ này đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở di dân giải phóng mặt bằng, nhà ở cho đối tượng chính sách (khu 5,3 ha Trung Hòa Nhân Chính phục vụ đối tượng là người có công với Cách mạng; khu nhà ở Dịch Vọng Cầu Giấy để giải quyết cho người nghèo) và nhà ở cho CBCNV cũng được giải quyết.

Đối với các dự án phát triển nhà ở độc lập, TP cũng đã có quỹ nhà ở 30% tương ứng 227.374m2 sàn xây dựng và quỹ đất ở 25% tương ứng 95.463m2.

Sau phần giải trình của Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân, đại biểu Nguyễn Hiệp đặt câu hỏi: Từ nay đến hết 2005, việc đấu thầu dự án của thành phố sẽ được tiến hành theo phương thức như thế nào? UBND TP có chủ trương tiếp tục giao dự án cho chủ đầu tư hay không?

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch Đỗ Hoàng Ân cho biết về lựa chọn chủ đầu tư thì phương pháp chính mà UBND TP vẫn áp dụng từ trước đến nay là thông qua đấu thầu.

Từ nay đến hết năm 2005, UBND TP vẫn tiếp tục giao cho các chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết của các khu vực. Chủ trương của thành phố là sau khi có các chính sách cụ thể sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu trên cơ sở đã có những quy hoạch chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Việt Hưng đặt câu hỏi: Báo chí đã nói nhiều về hiện tượng phân phối nhà bất hợp lý cho các đối tượng. Người cần mua nhà chung cư thực sự thì gặp rất nhiều khó khăn trong khi có những đã có nhà lại được mua tiếp căn hộ rồi bỏ không. UBND TP có biện pháp gì để tránh hiện tượng đầu cơ, mua bán nhà trao tay cũng như quy định như thế nào để quản lý việc phân phối nhà chung cư?

Hà Nội: Nóng chuyện đất đai và nhà ở ảnh 2
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đỗ Hoàng Ân trả lời chất vấn

Trước câu hỏi này, ông Đỗ Hoàng Ân thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là TP chưa làm tốt quy định quản lý của Nhà nước về việc giao nhà cho đúng đối tượng.

Về biện pháp chống đầu cơ nhà chung cư, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 76 và 81 về quản lý điều tiết phân phối nhà cho đúng đối tượng.

Thành phố đã phân nhà đúng đối tượng cho trên 3.000 đối tượng. 50% còn lại của thị trường đầu tư được quyền bán lại cho các chủ kinh doanh. Thành phố sẽ quản lý chặt các quỹ nhà 30 và quỹ nhà 50%. UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư công khai tiến trình thực hiện dự án và thậm chí phải công khai trước các khu dân cư để nhân dân biết.

Về 17 khu nhà gỗ thuộc phường Chương Dương

Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Hoàng Ân, ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND TP đã trả lời chất vấn của đại biểu về việc cải tạo, nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng, nhà ở của nhân dân đã quá hư hỏng, dột nát và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong trường hợp xảy ra sự cố sập, đổ các công trình trên.

Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn cho biết biện pháp cụ thể để giải quyết các trường hợp lấn chiếm hiện chưa thể thực hiện do UBND đang đợi Chính phủ phê duyệt đề án thoát lũ sông Hồng.

Còn về việc không may xảy ra sự cố sập 17 khu nhà gỗ đang xuống cấp, là nơi ở của 570 hộ với 2.300 người sinh sống thuộc phường Chương Dương (Hoàn Kiếm), Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn nói: “Đây là vấn đề rất khó trả lời  vì do lịch sử để lại. 17 khu nhà gỗ tồn tại từ thời từng là khu nhà ở tập thể của các cơ quan chủ quản gồm 12 Bộ và 3 Tổng cục.

Thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp trong đó có những cuộc họp mời cả Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành để góp ý cải tạo và xây dựng 17 khu nhà gỗ. Đây là vấn đề mà thành phố luôn lo lắng từ mấy năm nay. Chủ nhật này lãnh đạo thành phố sẽ cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra trực tiếp tình hình ở các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì và cả 17 căn nhà gỗ ở sông Hồng để xử lý tại chỗ".

Sau phần giải trình của Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn, đại biểu Vũ Đức Tân đã đưa ra câu hỏi chất vấn về các Quyết định 5122 và 1203 của UBND TP trái ngược với các Quyết định 3185 và 29 dẫn đến việc chiếm 1644 m2 đất của 3 hộ dân: Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Thắng thuộc phường Mai Động (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Đại biểu Vũ Đức Tân cũng chất vấn về việc giao 8.000m đất không qua đấu thầu cho Cty xây dựng và phát triển nhà số 7. Đoàn chủ tọa cho biết đây là câu hỏi chất vấn cụ thể của một đại biểu nên đề nghị Phó Chủ tịch Lê Quý Đôn trả lời bằng văn bản ngay trong kỳ họp này.

Tiếp buổi chất vấn, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất đã trả lời về kết quả thực hiện chủ trương thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-b của thành phố và câu hỏi chất vấn về việc huỵện Thanh Trì đã có hồ sơ trình thành phố thu hồi 6 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả nhưng đến nay thành phố mới có quyết định thu hồi 1 trường hợp.

Ông Hậu cho biết 6 tháng đầu năm 2005, UBND TP đã ra 5 quyết định thu hồi đất của các tổ chức vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn với tổng diện tích 34.936,13m2. Sau khi có quyết định thu hồi đất của TP, UBND các quận, huyện đã triển khai công tác GPMB và lập dự án sử dụng diện tích đất thu hồi phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất có hiệu quả.

Về việc vì sao TP mới chỉ ra 1 quyết định thu hồi đất trong khi huyện Thanh Trì trình 6 hồ sơ, ông Hậu giải thích: Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy 5 trường hợp còn lại chưa đủ điều kiện để thu hồi nên Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất chưa trình UBND TP thu hồi. Thanh tra Sở đang phối hợp với huyện Thanh Trì và UBND các xã liên quan tiến hành thẩm định kiểm tra từng hồ sơ cụ thể để dự kiến đến 30/8/2005 sẽ trình UBND TP xem xét quyết định.

Còn về tình hình quản lý, khai thác diện tích tầng 1 thuộc các khu nhà cao tầng phục vụ tái định cư, ông Hậu cho biết hiện trên địa bàn TP có 8 khu nhà cao tầng phục vụ tái định cư có diện tích tầng 1 để kinh doanh dịch vụ. Tầng 1 của các khu nhà tái định cư một phần được sử dụng vào mục đích công cộng và một phần được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ.

Ông Hậu khẳng định: Diện tích phục vụ công cộng đang được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong nhà chung cư. Đối với diện tích để kinh doanh dịch vụ, do lợi thế kinh doanh và cơ sở hạ tầng của các khu khác nhau nên hiệu quả sử dụng, khai thác của mỗi khu có khác nhau.

Trong phiên chất vấn buổi sáng, Phó Chủ tịch Ngô Thị Thanh Hằng cũng đã trả lời chất vấn đề việc mở rộng, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ như: Thu gom và vận chuyển rác thải, vận tải hành khách công cộng, cung cấp nước sạch, y tế, giáo dục-đào tạo, thể dục thể thao, vui chơi giải trí và những biện pháp để mở rộng và đẩy mạnh xã hội hóa.

* Tại kỳ họp HĐND TP lần thứ 4 này sẽ có 33 vấn đề được giải trình ngay tại kỳ họp. Đối với 108 vấn đề khác, UBND TP sẽ có chỉ đạo các ban ngành trả lời bằng văn bản.

MỚI - NÓNG