Hà Nội “nóng rẫy” vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

Dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với tác động nghiêm trọng như vấn đề sử dụng hóa chất độc hại, gây nguy cơ ung thư, tạo màu, tạo mùi... Ảnh minh họa
Dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với tác động nghiêm trọng như vấn đề sử dụng hóa chất độc hại, gây nguy cơ ung thư, tạo màu, tạo mùi... Ảnh minh họa
TPO - Tại cuộc tọa đàm về "Thực trạng và giải pháp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)" ngày 14/7, ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho rằng, chưa bao giờ vấn đề ATVSTP nóng như bây giờ... Các cơ quan thông tin đại chúng ngày nào cũng đưa tin về ATVSTP, còn người tiêu dùng ngày nào cũng nghe thông tin về vấn đề này. 

Theo  ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Hà Nội) – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, ATVSTP là vấn đề nóng của xã hội. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ các cơ sở bị xử phạt do vi phạm ATTP trên địa bàn thành phố tăng 21% so với 6 tháng đầu năm 2015. Tính chất vi phạm về ATTP cũng ngày càng tinh vi hơn nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, một trong những mối lo thường trực và nhức nhối nhất hiện nay trong công tác đảm bảo ATVSTP là việc sử dụng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến thực phẩm.

Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (Sở Công Thương) cho biết: “Tôi là người phụ trách đường dây nóng về ATTP của Sở Công Thương. Mỗi tuần chúng tôi có ít nhất 3 cuộc họp về vấn đề này". 

"Chính phủ và thành phố rất quan tâm tới vấn đề quản lý ATTP. Báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng ngày nào cũng đưa tin về VSATTP. Trên mặt báo không ngày nào không có thông tin về ATTP”, ông Lộc nhấn mạnh. 

Theo ông Lộc vấn đề tiêu thụ nông sản an toàn giữa nông dân và doanh nghiệp là khâu quan trọng nhất bây giờ bởi đó là công đoạn đưa ra thị trường, tới tay người tiêu dùng. Nhiều đơn vị, cá nhân sau khi xin được giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có giấy thông hành thì do nhu cầu cung cầu, lợi nhuận, họ mua thêm sản phẩm bên ngoài. Lực lượng chức năng đã xử lý, nhận dạng và cảnh báo nhiều đơn vị lớn, doanh thu lớn, uy tín như Metro đã đi thu mua rau rủ quả từ nhiều nguồn mà bản thân chính họ không thể truy xuất nguồn gốc được.

Nguyên nhân gây ra thực trạng trên là các mắt xích trong quy trình từ nhà sản xuất, sang quản lý, nhà tiêu thụ, tiêu dùng hiện chưa kết thành một mối, liên kết giữa người kinh doanh, nuôi trồng còn lỏng lẻo vì mỗi nơi đều đi tìm lợi ích của mình. Cần phải có chính sách hỗ trợ cho đơn vị đứng ra tiêu thụ, tránh thông qua trung gian. Khi nông sản được kiểm soát từ khâu sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ được kiểm soát và như thế mới là sản phẩm an toàn.

Theo cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2016, công an Hà Nội đã phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm ATVSTP, trong đó có 240 vụ vi phạm vệ sinh thú y, xử phạt hành chính 1.485 vụ, thu nộp ngân sách 6 tỷ đồng, tiêu hủy 1.500 lít rượu vang, hơn 18.000 sản phẩm động vật, 1.761 kg thủy hải sản, 3.573kg mứt ô mai, 613kg rau củ quả... Dự báo, trong thời gian tới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với tác động nghiêm trọng như vấn đề sử dụng hóa chất độc hại, gây nguy cơ ung thư, tạo màu, tạo mùi, tăng trọng trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hàng giả, quá hạn sử dụng, vấn đề ATTP thức ăn đường phố...

MỚI - NÓNG