Hà Nội phải phục hồi sông và cấp nước sớm cho dân

Nước thải vẫn hàng ngày đổ ra sông Nhuệ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân vùng trũng ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nước thải vẫn hàng ngày đổ ra sông Nhuệ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn người dân vùng trũng ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trong một số cuộc làm việc với lãnh đạo Hà Nội và các ĐBQH thành phố, nhiều lãnh đạo, người dân ở các địa phương như Thanh Trì, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Phú Xuyên… đều nêu các khó khăn do địa hình trũng thấp, phải hứng chịu nước thải đổ về khiến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi rất khổ”

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ở huyện Ứng Hòa mới đây, nhiều cử tri phản ánh, nhiều nơi ở Ứng Hòa là vùng trũng thấp, đón nhận hầu hết nước thải của thành phố, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhân dân. “Cử tri chúng tôi rất mong các ĐBQH nghe, thấu hiểu được tấm lòng của người dân vùng trũng chúng tôi”, cử tri Lê Minh Hiển (xã Hòa Lâm) nói. Theo ông Hiển, ngay ở xã Hòa Lâm, nước sông chảy qua địa bàn xã đã cạn kiệt và bốc mùi hôi thối vì ô nhiễm. “Nước phân, nước thải chảy ra, sâu khoảng 50 - 70 cm. Lội ngang lưng người. Chúng tôi rất khổ”, ông Hiển chia sẻ.

Ông Hiển cũng cho rằng, một phần nguyên nhân là các con sông lớn như sông Nhuệ, sông Đáy đều bị ô nhiễm, cạn kiệt nước. Sông Đáy, nước cạn hết, rau muống mọc từ bên nọ sang bên kia. Cử tri mong muốn thành phố đầu tư làm sao cho nước dâng, đồng thời kè bờ để hạn chế ô nhiễm. Ông Hiển cũng cho biết, với nhiều hộ dân đang vào mùa làm đồng mà không có nước. “Như sông Nhuệ hiện nay nước sủi bọt vì quá bẩn. Chúng tôi vẫn phải bơm nước đó vào sản xuất. Chăn nuôi gà vịt, cá đều chết cả. Đề nghị lãnh đạo thành phố quan tâm, cải thiện hai dòng sông này đảm bảo nguồn nước cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Phương, cử tri xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa), cho rằng bao năm nay người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt. Nước sinh hoạt chủ yếu là nước giếng khoan, nước giếng tự đào có chứa nhiều tạp chất. “Qua các khảo nghiệm và cảnh báo thì nguồn nước này ô nhiễm trên mức có thể dùng cho sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị thành phố rà soát, sớm nhất giải quyết giúp dân có nguồn nước sạch, vì đây là nhu cầu thiết yếu”, ông Phương nói.

Phục hồi sớm các dòng sông

Ông Lê Hồng Hà, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết về nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo thí điểm về giải quyết nước sạch cho các nhóm hộ, đồng thời có giải pháp dài hạn là đầu tư xây nhà máy nước mặt sông Đà để cung ứng nước sinh hoạt cho người dân. “Chúng tôi đang thực hiện theo chỉ đạo là đến 2020 100% người dân có nước sạch”, ông Hà nói. Về nước sạch sản xuất, ông Hà cho hay, đang cho cải tạo kênh, lấy nước từ trạm bơm để phục vụ nhu cầu sản xuất, nuôi trồng thủy sản. 

Đang xin dự án đầu tư kênh để đưa tiếp sông Tích vào sông Đáy. Một mặt nạo vét, một mặt bổ sung nguồn nước và đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ nữa. Đây là các dự án phải tăng cường thực hiện. Khi nào làm xong thì mới thở phào được”. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vấn đề nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, người dân bức xúc là điều có thể hiểu được. “Lãnh đạo thành phố rất lo lắng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi đưa ra hai hướng giải quyết. Thứ nhất là các giải pháp trước mắt, thí điểm mô hình theo nhóm hộ đã thành công ở Phú Xuyên. Trên cơ sở những trạm cấp nước đó thì sẽ đầu tư các hệ thống kết nối sang các địa bàn khác”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói. Tuy nhiên, theo ông Hải, lo ngại lớn nhất vẫn là vấn đề nước nguồn. 

“Sông cạn như thế, nước nguồn thì cũng ô nhiễm nên phải chú trọng giải pháp dài hạn hơn là đầu tư nước mặt. Hiện nay, thành phố đang trình quy hoạch điều chỉnh hệ thống cấp nước lên Thủ tướng chờ phê duyệt, trong đó có bổ sung Nhà máy cấp nước mặt Chương Mỹ, lấy nước từ sông Đà để cấp cho dân. Các quận, huyện phải đấu nối với nhau để bảo đảm dự phòng và hỗ trợ nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào. Gọi là phương án dài hạn nhưng phải làm hết sức khẩn trương, bởi nếu không giải quyết được nước nguồn thì không thể có đủ nước sinh hoạt cho người dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Liên quan đến cải tạo sông Nhuệ, sông Đáy, ông Hoàng Trung Hải cho biết, phương án nạo vét sông Nhuệ giai đoạn 2, sông Đáy giai đoạn 2 vẫn đang được triển khai. “Để bổ sung nguồn nước cho sông Đáy đã thi công dự án đưa nước từ sông Đà vào sông Tích. Đang xin dự án đầu tư kênh để đưa tiếp sông Tích vào sông Đáy. Một mặt nạo vét, một mặt bổ sung nguồn nước và đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ nữa. Đây là các dự án phải tăng cường thực hiện. Khi nào làm xong thì mới thở phào được”, ông Hoàng Trung Hải nói.

MỚI - NÓNG