Hà Nội: Phát hiện quán cơm dùng dấm axit vô cơ

Hà Nội: Phát hiện quán cơm dùng dấm axit vô cơ
Ngày 27/10, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm đã kiểm tra tại chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa) phát hiện một quán cơm bình dân dùng dấm axit vô cơ để phục vụ khách hàng.

>> AP viết về đồ ăn không an toàn ở Việt Nam
>> Hà Nội: Phở formol tái xuất
>> Hầu hết các cửa hàng rau an toàn bán rau 'bẩn'

Hà Nội: Phát hiện quán cơm dùng dấm axit vô cơ ảnh 1

Những gì còn lại sau bữa trưa tại một quán cơm ở Hà Nội. Ảnh: AP

Quán không có tủ kính, tủ lưới bảo quản, tất cả thức ăn đều bày hết trên bàn, hứng bụi bặm. Chị Nguyễn Thị Tần - Chủ quán - thanh minh số dấm trên do người nhà lấy của người quen về bán, nên không biết là dấm axit vô cơ độc hại, không được sử dụng để ăn uống.

Tuy nhiên, theo chỉ dẫn của chủ quán, đoàn kiểm tra đến cơ sở cung cấp nguồn hàng không phát hiện có loại dấm này. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ quán tiêu hủy ngay số dấm, đồng thời nhắc nhở chủ quán không được tái phạm, dấm bán cho khách hàng phải có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại chợ Ngô Sỹ Liên, đoàn kiểm tra đã xét nghiệm nhanh các mẫu giò chả, bánh phở của một số quầy hàng nhưng không phát hiện giò chả có hàn the và bánh phở có phoóc môn. Tuy nhiên, có chủ hàng thản nhiên cho biết, không biết bánh phở này của cơ sở nào sản xuất, hàng ngày vẫn có một người mang hàng đến cổng chợ là ra lấy về bán.

Đoàn kiểm tra cũng nhắc nhở các quầy phải tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng phải có nguồn gốc và được bảo quản, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo TTXVN

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Học - Cử nhân hoá học, 58 tuổi; 5, ngõ 4, Đông Trà, Hải Phòng; Email: ngao@vnn.vn  Nếu đảm bảo vệ sinh thì không có vấn đề gì

Dấm nuôi bằng men dấm tạo ra acide acetic loãng. Acide acetic vô cơ chính là hóa chất có nồng độ đậm đặc hơn. Bản chất không khác nhau. Tại nước Nga như tôi biết họ sử dụng dấm vô cơ pha loãng và bán ở cửa hàng thực phẩm, sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

Vấn đề ở chỗ là acide acetic có nhiều loại khác nhau về độ sạch và những loại dùng làm thực phẩm phải có chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Những người viết bài ở Việt Nam thật ra chưa hẳn có nghiệp vụ: thí dụ đường hoá học không phải là chất độc, thế nhưng nhiều báo chí đưa tin dường như là đường hoá học là chất độc.

Trên thực tế, đường hoá học giúp cho người ăn kiêng hoặc giảm béo, hoặc thay thế đường cho những người bị tiểu đường. Coca Cola sản xuất ở nước Nga không dùng đường kính, mà dùng đường hóa học để trẻ em (và và cả người lớn) uống khỏi mắc bệnh phì.

Ở nhiều hiệu thuốc Việt nam vẫn bán đường hoá học của Đức để cho những người tiểu đường sử dụng. Bản thân tôi cũng sử dụng đường hóa học thay cho đường kính. Thói quen dùng đường kính làm chất bổ đã hằn sâu vào đầu người Việt Nam từ những năm đói khổ của chiến tranh và bao cấp, nên họ cho rằng đường hoá học là chất độc.

Vấn đề là đường hóa học bán trong hiệu thuốc là loại sạch dùng cho con người, chứ không phải loại đường hóa học của Trung Quốc bán ở chợ, mấu sẫm, chỉ vài nghìn đồng cũng mua được một vốc nhỏ, loại đường này chưa được tinh chế kỹ, và không dùng thay thực phẩm. Nếu tinh chế kỹ loại đường đó, thì giá cả sẽ khác hẳn.

Vậy thì đường hóa học, dấm vô cơ không phải là chất độc. Tùy thuộc vào người ta sử dụng loại nào mà nó trở nên độc mà thôi. Một số nhà hàng ở Việt Nam muốn giảm chi phí thường sử dụng hàng kém phẩm chất. Họ có lỗi do sử dụng sai, chứ không phải bản chất của hoá chất là độc. Cần phân biệt rõ điều này.

MỚI - NÓNG