Hà Nội sẽ có 12 cây cầu vượt sông Hồng

Hà Nội sẽ có 12 cây cầu vượt sông Hồng
TP - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố Hà Nội về quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.
Hà Nội sẽ có 12 cây cầu vượt sông Hồng ảnh 1
Người dân đi qua cầu vượt tại ngã ba Giải Phóng - Lê Thanh Nghị .   Ảnh: Phạm Yên - Nguyễn Tú

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và của UBND thành phố Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội được thiết kế theo hướng đảm bảo đến năm 2020, đất xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tối thiểu phải đạt 15% diện tích đất.

Về mạng lưới giao thông đường bộ, sẽ cải tạo, mở rộng 8 quốc lộ hướng tâm hiện tại lên thành đường có từ 4 đến 6 làn xe, kết hợp với các đường cao tốc theo hướng Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Hạ Long, Hoà Lạc.

Triển khai 4 đường vành đai đồng tâm, các trục chính đô thị với tổng chiều dài khoảng 290,3km, 46 nút giao thông lập thể và mở rộng khoảng 150 nút giao bằng trong nội đô; 12 cầu vượt sông Hồng.

Bố trí 4 trung tâm vận tải liên hợp - liên tỉnh tại các khu vực vành đai, 7 bến xe tải liên tỉnh, 6 bến xe khách liên tỉnh, các bãi đỗ xe…, nâng tổng diện tích giao thông tĩnh là 938.82 ha.

Mạng lưới giao thông đường sắt gồm các tuyến đường sắt hướng tâm, xuyên tâm và vành đai. Đường sắt đô thị có 4 tuyến, xe buýt nhanh có 2 tuyến sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tài hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn với dự kiến phục vụ 2,6 triệu lượt khách mỗi ngày.

Giao thông đường sông, hàng không sẽ được nâng cấp, mở rộng đồng bộ theo nhu cầu.

Về hệ thống vận tải hành khách, sẽ tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng tỷ phần năm 2020 đáp ứng từ 35% đến 45% tổng nhu cầu đi lại toàn thành phố. Tổng vốn dự kiến cho phát triển giao thông vận tải Thủ đô khoảng 208.954 tỷ đồng, trong đó đường sắt 97.467 tỷ, đường bộ 77.693 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Mục tiêu xây dựng quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải Hà Nội phải tương xứng với tầm vóc của thủ đô một nước văn minh, có vị trí xứng đáng trong khu vực và thế giới.

Do vai trò đặc thù và rất quan trọng của Hà Nội là một thành phố có truyền thống ngàn năm văn hiến, nên phát triển giao thông vận tải Hà Nội phải ưu tiên đảm bảo cảnh quan và không gian đô thị truyền thống.

Do lượng vốn và khối lượng công việc lớn nên phải lựa chọn những dự án, giải pháp cốt lõi để giải bài toán giao thông đô thị hiện nay. Đó là xác định phương thức vận tải phù hợp với vai trò chính của vận tải công cộng.

Về đầu tư hạ tầng, trước mắt tập trung cho các dự án có thể sớm hoàn thành phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo Website Chính phủ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.