Hà Nội sẽ công bố vùng rau an toàn và không an toàn

Hà Nội sẽ công bố vùng rau an toàn và không an toàn
TP - Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, dự kiến cuối tháng 11 năm nay, thành phố sẽ cho công bố danh sách các vùng đủ hoặc không đủ điều kiện trồng rau an toàn.

Về tình hình trồng rau an toàn ở Hà Nội, bà Hoa nói:

Vừa rồi chúng tôi cùng tham gia cuộc thanh kiểm tra một số cơ sở trồng rau an toàn cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong tổng số gần 8.000ha trồng rau.

Những cơ sở chúng tôi đến là khu trồng rau Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) và HTX Lĩnh Nam (xã Lĩnh Nam, cũng ở Thanh Trì). Đó là ba cơ sở tiêu biểu cho thực trạng các vùng trồng rau xấu, trung bình và tốt.

Khu vực trồng rau Hoàng Liệt được coi là nằm trong danh sách “đen” các cơ sở trồng rau không an toàn ở Hà Nội. Điều kiện đất trồng và nước tưới ở Hoàng Liệt không đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật canh tác còn yếu kém. Rau ở đó bị nhiễm vi sinh vật có thể gây hại cho sức khỏe. Về nước tưới, khu vực này chỉ có duy nhất nguồn nước từ sông Kim Ngưu.

Còn cơ sở trồng rau ở xã Duyên Hà, độ an toàn đạt mức trung bình. Riêng Lĩnh Nam được xem đạt tiêu chuẩn là do ở đây đảm bảo nguồn nước tưới không ô nhiễm, đất đai phù hợp, diện tích trồng rau tương đối rộng và nông dân được huấn luyện sản xuất rau an toàn.

Những vùng đất xấu như ở Hoàng Liệt, theo bà, có cho trồng rau nữa không?

Khu trồng rau Hoàng Mai thực chất là vùng kẹt. Dân chỉ tận dụng diện tích để trồng rau trong lúc chờ dự án thực thi.

Chi cục BVTV Hà Nội trình đề án “Quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” lên UBND TP Hà Nội từ lâu nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

Số vốn của đề án dự kiến lên gần 500 tỷ đồng, thực hiện từ 2007 – 2010.

Những cơ sở trồng rau nhỏ lẻ và không có điều kiện phát triển như thế chúng tôi đề nghị không cho trồng rau nữa. Nhưng chỉ vì dự án treo nên việc trồng rau tạm của bà con cứ kéo dài mãi.

Bộ NN&PTNT đã có quy định rõ ràng vùng rau an toàn phải đủ điều kiện về đất và nước. Những cơ sở có diện tích đất trồng rau nhỏ lẻ, không đủ điều kiện, các địa phương cơ sở không đề ra được giải pháp khắc phục, chúng tôi sẽ đề xuất thành phố không cho phát triển trồng rau ở những vùng đó.

Trong lúc chờ chuyển đổi, rau không an toàn vẫn được sản xuất và bán trên thị trường. Bao giờ cơ quan quản lý mới cho người tiêu dùng biết đâu là rau an toàn và không an toàn để còn liệu đường lựa chọn?

Chuyển đổi được không phải dễ. Trong lúc chờ bà con vùng trồng rau không an toàn chuyển đổi nghề, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra lượng rau bán ra ở các cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn Hà Nội nhằm truy cứu nguồn gốc.

Khảo sát và phân tích ở 478 vùng trồng rau của Hà Nội, chúng tôi đã lên được danh sách những vùng có điều kiện về đất, nước không đủ tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn. Dự kiến cuối tháng 11 năm nay, chúng tôi sẽ cho công bố danh sách các vùng đủ hoặc không đủ điều kiện trồng rau an toàn.

Người tiêu dùng không tin tưởng vào các nhãn mác được dán lên rau quả ở các cửa hàng rau an toàn. Đề nghị bà cho biết thực trạng của việc dán nhãn mác rởm ở các cửa hàng rau quả trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.

Tôi hoàn toàn chia sẻ bức xúc này với người tiêu dùng. Nhưng cũng có một lời khuyên là không nên hoang mang. Về số lượng rau cung cấp cho Hà Nội, xã Vân Nội dẫn đầu. Tuy nhiên, trong cuộc kiểm tra vừa qua chúng tôi phát hiện ba cửa hàng rau Vân Nội có cùng một mã vạch trong khi xã có hơn 10 HTX sản xuất, kinh doanh rau. Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo xã để chấn chỉnh hiện tượng này. Họ nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục, chấn chỉnh.

Một hiện tượng nữa như trường hợp cửa hàng Fmark (khu bán đảo Linh Đàm). Cơ sở này bán rau lấy từ Vân Nội. Song họ lại thông báo trên mạng là Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội quản lý nguồn rau đó. Trong khi đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội không có bất cứ cam kết, quản lý gì với nguồn rau Fmark bán trên thị trường. Qua kiểm tra chúng tôi còn thấy ở đó có cả rau nhập từ các nước lân cận không rõ nguồn gốc.

Làm thế nào để phân biệt được rau từ nước ngoài vào, thưa bà?

Chẳng hạn bắp cải của Trung Quốc bao giờ cũng tròn, cuộn chắc như hòn đá, nom đẹp mã hơn hẳn các loại bắp cải trồng ở nước ta. Hay cà chua, Việt Nam chỉ vụ đông đúng mùa mới có cà chua đỏ đẹp.

Vụ hè trái vụ không thể có thứ cà chua như vậy. Mà rau trái vụ không nằm trong diện quản lý nên không thể biết được bảo quản thế nào. Có thể do sử dụng chất bảo quản thực vật nên, dù trái vụ, người ta vẫn cho ra đời những trái cà chua đẹp để bán chăng.

Trong lúc chờ công bố danh sách vùng rau an toàn được quy hoạch cũng như vùng rau không an toàn, bà có thể cho biết  tên một số cửa hàng chắc chắn là cửa hàng rau an toàn được không?

Để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như tránh rủi ro mua phải rau không an toàn, tôi vẫn khuyên người tiêu dùng mua rau ở những cửa hàng rau an toàn tại các chợ, siêu thị. Đồng thời cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách thay đổi thói quen ăn rau sống bằng ăn rau đã nấu chín.

Chúng tôi đang phối hợp cùng với UBND quận Long Biên và Cty Cổ phần Sản xuất&Dịch vụ Nông sản an toàn Hà An ở Giang Biên. UBND quận Long Biên đầu tư hạ tầng để sản xuất rau an toàn.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chỉ đạo về kỹ thuật trồng và giám sát sản xuất. Cty chịu trách nhiệm về đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình đầu tiên được Chi cục bảo trợ về chất lượng sản phẩm rau an toàn.

Cảm ơn bà.

 Kiều Oanh
Thực hiện

MỚI - NÓNG