Hà Nội tiếp tục đề xuất hạn chế nhập cư nội đô

Nội thành đã quá tải Ảnh: Hồng Vĩnh
Nội thành đã quá tải Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định như vậy trong buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội với lãnh đạo HĐND, UBND thành phố về một số nội dung của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII...

> Hà Nội: Cần hạn chế nhập cư nội đô

Nhiều tranh luận vẫn hạn chế

Thay mặt cho lãnh đạo thành phố và Tổ soạn thảo Luật Thủ đô, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, đến nay dự thảo Luật Thủ đô đang chuẩn bị đăng tải và gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân để kịp hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ tháng 6-2012 và dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 cuối năm nay. Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 33 điều.

Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về hạn chế nhập cư nội đô. Dù có nhiều tranh luận, song vấn đề này vẫn tiếp tục được đưa vào dự thảo luật lần này.

Dự thảo Luật Thủ đô quy định điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Cư trú hiện hành. Cụ thể, công dân có chỗ ở hợp pháp do thuê nhà của tổ chức, cá nhân thì phải là nhà của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh về nhà ở; nâng thời hạn tạm trú từ 1 năm lên 2 năm.

Ông Khanh cho rằng, quy định như vậy là phù hợp vì thành phố đang đứng trước áp lực rất lớn về tình trạng quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong khi đó, tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh.

Năm 2008 khi Hà Nội mới mở rộng, dân số là 6,5 triệu người thì nay lên tới 7,1 triệu người. “Quy định trước đây quá thoáng nên có nhiều trường hợp một gia đình nhưng đã cho tới 15 đến 20 người đăng ký ở nhờ để nhập hộ khẩu thường trú”-ông Khanh nói.

Di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành

Nhằm giảm tải hạ tầng nội đô, dự thảo Luật Thủ đô đã quy định bắt buộc di dời cơ sở sản xuất, trụ sở cơ quan trung ương, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bệnh viện không phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành.

Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất, quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Đất sau di dời của các cơ sở nêu trên ưu tiên sử dụng phát triển cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng, hạ tầng xã hội.

Dự thảo cũng đề xuất quy định cho phép áp dụng mức phạt tiền cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức phạt tiền tối đa do Chính phủ quy định đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự và an toàn xã hội, văn hóa, đất đai, xây dựng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG