Hà Nội, TPHCM: Xếp cuối bảng về chất lượng cuộc sống

Hà Nội, TPHCM: Xếp cuối bảng về chất lượng cuộc sống
TP - Theo bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống năm 2006 của 215 thành phố lớn trên toàn thế giới, Hà Nội được 60 điểm, xếp thứ 155, tụt 1 bậc so với năm 2005. TPHCM được 61,9 điểm, xếp thứ 148.
Hà Nội, TPHCM: Xếp cuối bảng về chất lượng cuộc sống ảnh 1

Tắc đường, một trong những yếu tố khiến Hà Nội tụt bậc trong bản xếp hạng chất lượng sống.                   Ảnh: Phạm Yên

Kết quả khảo sát vừa được Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer có trụ sở tại New York (Mỹ) vừa công bố.

Vị trí của TP HCM trong bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống không thay đổi so với năm 2005. Cả Hà Nội và TP HCM đều đứng gần cuối bảng trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp trên Viêng Chăn (Lào) đứng thứ 170 và Yangon (Myanmar) đứng thứ 183.

Theo bảng xếp hạng năm 2006 của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer, thành phố Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia), Bangkok, Rayong (Thái Lan), Johor Baharu, Kuala Lumpur (Malaysia)...đều có chất lượng cuộc sống tốt hơn Hà Nội và TPHCM.

Cũng ở vị trí gần ngang bằng với Hà Nội và TP HCM, nhưng thành phố Mumbai và New Delhi của Ấn Độ (xếp thứ 150) được quan chức Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer đánh giá cao vì đã lên được 2-3 bậc nhờ việc cải thiện quan hệ chính trị với nước láng giềng, nâng cấp hệ thống giao thông...

Năm nay, Singapore thay thế Tokyo (Nhật Bản) ở vị trí 34 với 102,5 điểm đứng đầu bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống của các thành phố châu Á.

Bà Neo Khim, đại diện hãng Mercer tại châu Á Thái Bình Dương cho rằng, vị trí ngày càng cao của Singapore về chất lượng cuộc sống sẽ giúp nước này tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài.

Trong Top 5 thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất châu Á, có tới 4 thuộc Nhật Bản (Tokyo, Yokohama, Kobe và Osaka). Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) xếp thứ 103 và 122, cùng tụt 1 bậc so với năm 2005. Seoul (Hàn Quốc) đứng thứ 89, Hong Kong (Trung Quốc) thứ 68...được đánh giá cao khi vươn lên 1-2 bậc trong bảng xếp hạng.

Thành phố Zurich, Geneva (Thuỵ Sĩ) tiếp tục đứng đầu thế giới về chất lượng cuộc sống với 108,2 và 108,1 điểm.

Thủ đô Berlin (Đức) xếp thứ 16, thua 3 thành phố khác cũng của Đức, nhưng trên Paris (Pháp, thứ 33), London (Anh, thứ 39), Madrid (Tây Ban Nha, thứ 45), Rome (Italy, thứ 62)...

Đứng đầu châu Mỹ là Vancouver (Canada), trong khi thành phố có chất lượng cuộc sống tốt nhất ở Mỹ là San Francisco xếp thứ 28 của thế giới. Thành phố bạo lực Baghdad (Iraq) đứng cuối bảng xếp hạng, sau Brazzaville (Công-gô) và Bangui (Trung Phi), 2 nước nghèo nhất thế giới.

Bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống hàng năm của Cơ quan Tư vấn nguồn nhân lực Mercer được xem như một trong những cơ sở để thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn trên khắp thế giới.

Việc xếp hạng các thành phố dựa trên 39 tiêu chí, bao gồm các yếu tố về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống giao thông, chăm sóc sức khỏe, an ninh, giáo dục...

MỚI - NÓNG