Hà Nội: Trường mầm non Sơn Ca bớt xén phần ăn của trẻ

Hà Nội: Trường mầm non Sơn Ca bớt xén phần ăn của trẻ
Tình trạng bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, nhập nhằng số lượng nhập thực phẩm trên giấy tờ với con số thực... đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều trường mầm non ở Hà Nội và các địa phương khác.
Hà Nội: Trường mầm non Sơn Ca bớt xén phần ăn của trẻ ảnh 1
Các cháu trường mầm non Sơn ca đang ăn bữa trưa - Ảnh: Trường Sơn

Vụ việc tại Trường mầm non Sơn Ca (quận Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ.

Theo đơn phản ánh của tập thể cô nuôi Trường mầm non Sơn Ca, sau khi trường này thay đổi kế toán đã xảy ra "sự cố": số tiền gas và gạo "âm". Cụ thể số gas thiếu: 2.429.400 đồng; gạo thiếu: 540.600 đồng.

Trong một cuộc họp toàn trường, hiệu trưởng đổ lỗi cho nhà bếp, và đề nghị kế toán và nhà bếp phải bớt 20% số tiền ăn của các cháu bù lại chỗ âm (?). Điều đáng nói ở đây là số lượng thực phẩm nhập hằng ngày tại sổ giao nhận thực phẩm (được ghi dành cho người trực tiếp nấu ăn) với những con số được ghi trong sổ đi chợ hằng ngày do kế toán giữ lại chênh nhau khá đáng kể, và hầu như ngày nào cũng "vênh": ví dụ, ngày 1.9: sổ giao nhận thực phẩm của nhà bếp ghi: nhập 5,7 kg, nhưng sổ đi chợ của kế toán chỉ ghi 4 kg;

Ngày 11.9: sổ nhà bếp ghi: thịt lợn: 15 kg; cá trắm: 5 kg; đỗ xanh: 5 kg, sổ kế toán chỉ ghi: thịt lợn: 10 kg; cá trắm: 3 kg; đỗ xanh: 4 kg... Ngày 13.10, thực tế các cháu ăn 15 kg thịt nhưng ghi trong sổ nhà bếp là 20 kg, cá 3 kg ghi thành 4 kg, khoai tây 8 kg ghi thành 10 kg, cà rốt 2 kg ghi thành 3 kg, dưa hấu 30 kg ghi thành 34 kg...

Theo nguyên tắc, thực phẩm của cô và cháu phải tách riêng, nhưng tất cả các sổ giao nhận thực phẩm và sổ đi chợ của kế toán đều ghi chung nhập nhèm! Thậm chí có hiện tượng mạo danh chữ ký của người giao thực phẩm thịt lợn trong sổ bàn giao thực phẩm của nhà bếp...

Ngày 17.10, Trường mầm non Sơn Ca đã thành lập đoàn kiểm tra sổ giao nhận thực phẩm và sổ tính khẩu phần ăn của trẻ. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện những số liệu không khớp giữa 2 quyển sổ trên, tổng số tiền chênh là 1.592.000 đồng.

Trao đổi với PV, Hiệu trưởng nhà trường Phó Ngọc Mai không thừa nhận đã yêu cầu nhà bếp và kế toán bớt 20% tiền ăn của các cháu để "đập" vào các khoản âm.

Khi được hỏi, khi kiểm tra các sổ vì sao hiệu trưởng không phát hiện được những con số giao nhận thực phẩm "vênh" nhau của kế toán, bà Mai cho rằng "kiểm tra thấy sổ giao nhận thực phẩm và sổ khẩu phần ăn thấy khớp thì tôi ký (?), còn việc để chung cả thực phẩm của cô và cháu trong các sổ sách nhập thực phẩm hằng ngày là do kế toán không nói cho tôi, tôi không biết...".

Phải chăng do trình độ chuyên môn quá non yếu nên cô Nguyễn Hoài Vy, kế toán của trường lý giải nguyên nhân gây ra sự cố âm gas và gạo của trường một cách "ngây thơ" như thế này: "Do ở trong hè lượng học sinh đi học quá ít, cũng do trường sửa chữa nên số trẻ đi học càng vắng. Trung bình ngày thường khoảng 100 trẻ đến lớp, thứ bảy, chủ nhật chỉ có 30, 40 cháu.

Do trường dùng bếp gas công nghiệp, học sinh đi học nhiều hay ít cũng phải bật bếp ga. Nếu trẻ đi nhiều thì số gas sẽ được chia đều cho các cháu, nếu trẻ đi ít thì vẫn tốn gas do bếp gas phải khởi động và thất thoát nhiều (?)... Còn gạo thì do nhà bếp nấu sớm, đã ước chừng số lượng cháu ăn, nhưng có những hôm trời mưa bão, số cháu giảm nên bị thâm hụt gạo... chứ không ai mang gas, mang gạo về nhà được...".

Ai cũng biết rằng, nếu số lượng trẻ ăn nhiều đương nhiên gas phải dùng nhiều. Nếu số lượng trẻ ăn giảm thì đương nhiên gas phải dùng ít đi, và như vậy là lượng gas phải dôi ra chứ không thể thiếu được.

Chưa nói là theo sự phản ánh của các cô nuôi, những ngày trẻ đến lớp vắng các cô dùng bếp gas nhỏ để nấu cơm mà không dùng bếp gas công nghiệp. Thứ nữa, thông thường nhà bếp phải đợi các lớp thông báo số trẻ đến lớp mới tính suất để nấu, không thể nói từ "áng chừng" hay "ước lượng" được !

Khi được hỏi vì sao có sự chênh lệch giữa số lượng thực phẩm nhập về được ghi trong sổ bàn giao của nhà bếp với sổ đi chợ của kế toán, cô Vy chỉ im lặng trả lời: "Có", và lại đổ lỗi: "Do số học sinh nghỉ quá nhiều nên bị vênh nhiều...".

Bà Phó Ngọc Mai thừa nhận chưa sâu sát trong quản lý. Về hướng xử lý cô Nguyễn Hoài Vy, Trường Sơn Ca sẽ cắt hợp đồng làm việc với cô Vy do năng lực quá non yếu. Tuy nhiên, nếu cá nhân nào gây ra thâm hụt số tiền thì cá nhân đó phải có trách nhiệm đền bù, chứ không thể lại lấy tiền ăn của trẻ đập vào để giải quyết vụ việc. Chưa kể việc chênh lệch giữa con số nhập thực phẩm thật với con số được ghi trong sổ sách kế toán cũng phải được lãnh đạo Trường mầm non Sơn Ca làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể.

Theo Thu Hồng
Thanh Niên

MỚI - NÓNG