Hà Nội : Ùn tắc vì quy hoạch kém

Hà Nội : Ùn tắc vì quy hoạch kém
TP - Đường Đào Duy Anh là một điển hình về sự  “phá” của quy hoạch đối với giao thông. Dải phân cách giữa của con đường đúng ra phải là thảm cỏ, vườn hoa thì nay trên đó mọc lên những cao ốc chọc trời có 3, 4 lối đâm ra đường (3, 4 mặt tiền). Việc không xảy ra ùn tắc, không TNGT mới là lạ!

Hai chục đại biểu là các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị, cùng các chuyên gia đến từ các Bộ Xây dựng, Bộ GTVT hôm 16/3 đã có buổi góp ý quan trọng cho Đề án “Giảm ùn tắc giao thông Hà Nội đến năm 2010 và giai đoạn đến năm 2020” của Sở GTCC Hà Nội.

Nhiều vấn đề đã được xới xáo, nhưng phương thuốc hữu hiệu cho căn bệnh tắc đường vẫn chưa tìm thấy.

Quy hoạch kiến trúc “ đá” giao thông!

Tương tự, ngã tư Chùa Bộc, cổng Cty Hanel đâm ra đúng tâm nút giao thông; Ngã tư  Liễu Giai- Vạn Bảo; ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh và hàng loạt các ngã tư của thành phố có các công trình cao tầng mở cổng đâm ra đúng ngã tư.

“Chỉ với việc các phương tiện ra vào các cao ốc này không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông cũng đủ gây tắc đường! Lỗi này do quy hoạch, ngành giao thông bó tay!”- TS Nguyễn Quang Đạo, trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh.

“Nếu chúng ta chỉ loay hoay tìm giải pháp tình thế mà không có tầm nhìn quy hoạch chiến lược chắc chắn giao thông Hà Nội sẽ không cải thiện”- TS Đạo lưu ý.

Nhiều đại biểu cho rằng, để giảm ùn tắc thì chúng ta phải làm rõ quy hoạch: quy hoạch về hạ tầng (đường sá, cầu, hầm, đường trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống bãi đỗ xe); quy hoạch về phương tiện giao thông (những năm tới người dân Hà Nội đi bằng phương tiện gì, cơ cấu ra sao); quy hoạch về xã hội (người dân ở chung cư, hay nhà ống; học hành, mua sắm... như thế nào)... chỉ khi dự  báo chính xác, Hà Nội mới đưa ra được những giải pháp trúng và có tính chiến lược.

Đường vành đai nhưng lại có vỉa hè, đường đô thị loại 1 nhưng lại mở dải phân cách tuỳ tiện... Rõ ràng thiết kế và khả năng sử dụng cách xa nhau. Vốn đầu tư cao nhưng hiệu quả khai thác thấp.

Hơn thế, nhiều dự án của Hà Nội triển khai chậm: Dự án đường Cát Linh - La Thành, Ngã tư Sở, Ngã Tư Vọng, Vành đai 1,2,3... triển khai nhiều năm nay, thậm chí có dự án triển  khai cả chục năm nay nhưng chưa xong. Trong khi đó, người dân chuyển từ xe đạp lên...ô tô.

Thêm nữa, nhiều quy hoạch chỉ có trên giấy mà không được thực hiện. Đặc biệt, hiện Hà Nội mới tập trung quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở những tuyến phố mặt tiền. Trong khi đó, các phố nhỏ, ngõ, xóm bị “lãng quên”. Không lâu nữa, ùn tắc xảy ra ngay tại các ngõ xóm này. Hơn nữa, ngõ xóm không mở rộng, đồng nghĩa với vận tải công cộng không thể phát triển, xe máy khó có thể hạn chế được...

Ngày càng ùn tắc nghiêm trọng

Hà Nội : Ùn tắc vì quy hoạch kém ảnh 1
Quy hoạch chưa đồng bộ là nguyên nhân khiến giao thông Hà Nội tiếp tục ùn tắc

“Đến năm 2010 - 2015 Hà Nội vẫn ùn tắc và còn nghiêm trọng hơn hiện nay” - TS  Nguyễn Quang Toản, trường Đại học GTVT cảnh báo.

Vì lý do đó nên bên cạnh giải pháp lâu dài, trước mắt Sở GTCC Hà Nội cũng đề xuất gấp một số nhóm giải pháp cấp bách như: phân làn, phân luồng để tách dòng phương tiện hỗn hợp, tổ chức giao thông trên 18 tuyến đường (từ năm 2007 đến năm 2009).

Đặc biệt, sở GTCC Hà Nội cũng đề xuất nghiên cứu và tổ chức cấm xe máy trên một số tuyến đường hướng tâm: Pháp Vân - Cầu Giẽ; Bắc Thăng Long (đi sân bay Nội Bài); tổ chức các tuyến đi bộ trong khu phố cổ, kết hợp điểm đỗ xe. Hay như không cho xe máy đi vào một số tuyến phố trong giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, Sở GTCC cũng đưa ra nhiều giải pháp trong quản lý như: nâng mức phí trông giữ xe; áp dụng mức phí trông giữ xe theo thời gian hay nghiên cứu và xây dựng đề án thu phí vào các khu vực. Tức là ô tô, xe máy vào sâu trung tâm phải đóng một khoản phí nhất định (thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng sau đó là Ba Đình, Đống Đa). Sở GTCC cũng kiến nghị việc bố trí giờ làm việc, giờ học của các đơn vị, trường ĐH trên địa bàn nhằm giảm nguy cơ ùn tắc.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Giám đốc Sở GTCC Hà Nội, nhằm hạn chế gia tăng phương tiện cá nhân, Sở GTCC đưa ra giải pháp: Ngoài phải đóng phí đăng ký, hàng năm các chủ phương tiện còn đóng phí năm. Đặc biệt, đối với xe máy ngoại tỉnh lưu hành trên địa bàn thành phố, sẽ phải đóng phí (từ vành đai II trở vào). Riêng xe ngoại tỉnh đi công tác sẽ không phải đóng phí.

Tuy nhiên, những đề xuất này hiện cũng còn nhiều ý kiến tranh cãi: Lực lượng nào đứng ra thu phí xe máy, ô tô ngoại tỉnh? Hơn nữa, hệ thống bãi đỗ xe của Hà Nội (khu vực vành đai II) chưa có, vậy người ngoại tỉnh sẽ gửi xe ở đâu để vào trung tâm Hà Nội bằng xe buýt?...

Theo ông Khôi, hiện những đề xuất này vẫn trong diện dự thảo, sau khi thu nhận được  ý kiến đầy đủ, Sở GTCC Hà Nội mới có văn bản chính thức  trình UBND TP Hà Nội.

MỚI - NÓNG