Hà Nội: Xã nợ tiền, dân bị cắt nước

Hà Nội: Xã nợ tiền, dân bị cắt nước
TPO - Người dân xã Cổ Nhuế rất bức xúc vì không hiểu số tiền họ phải trả hàng tháng với giá trên trời: 6.000 đồng/m3 nước “biến” đi đâu để rồi họ bị cắt nước hơn một tháng nay vì xã nợ tiền nước hơn 200 triệu đồng?
Hà Nội: Xã nợ tiền, dân bị cắt nước ảnh 1

Từ hơn một tháng nay người dân xã Cổ Nhuế phải dùng nước giếng khoan

Ông Nguyễn Đức Chính, người dân xóm 9 xã Cổ Nhuế cho biết chuyện cắt nước sạch “thật như đùa” này đã diễn ra tại xã Cổ Nhuế từ ngày 18/9 đến nay khiến hàng nghìn người dân xã Cổ Nhuế đang “héo hắt”. Cực chẳng đã, họ phải dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm để sử dụng cho tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình.

Sau nhiều ngày liên tiếp không được cấp nước sạch, người dân đi hỏi thì mới “ngã ngửa” khi được biết nguyên nhân bị cắt nước là do xã nợ tiền nước hơn 200 triệu đồng.

Trước sự thắc mắc của người dân, gần 1 tháng sau khi cắt nước không thông báo lý do, UBND, Ban quản lý nước sạch của xã Cổ Nhuế (gọi tắt Ban quản lý) đã gửi tới các hộ dân một bản thông báo dưới dạng “phiếu trưng cầu ý kiến” về việc sử dụng nước sạch.

Theo bản thông báo này: “Việc cung cấp nước sạch của Ban quản lý trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù giá nước đã được nâng lên đến 6.000 đồng/m3 nhưng do hệ thống đường ống quá cũ, đã hư hỏng nên tỷ lệ thất thoát lớn, thu không đủ bù chi.

Chính vì vậy nếu để Ban quản lý tiếp tục cung cấp nước sạch cho nhân dân thì phải tăng giá nước để bù vào số thất thoát. Xã cũng đưa ra mức giá trưng cầu dự kiến tăng lên là 9.000 đồng/m3.

Tờ phiếu trưng cầu ý kiến cũng cho biết trong 6 tháng qua, từ tháng 4/2007 đến tháng 9/2007, tổng thu tiền nước với giá 6.000 đồng/m3 của xã được 190.102.000 đồng. Số tiền nước phải trả cho Xí nghiệp nước sạch Cầu Giấy là 215.428.000 đồng. Như vậy, tiền nước của Ban quản lý bị lỗ là 25.326.000 đồng (chưa tính chi phí nhân công quản lý, vận hành và thu tiền nước).

Bà Đỗ Thị Hải, người dân xóm 9 xã Cổ Nhuế cho biết khi phát tờ thăm dò ý kiến này, đại diện Ban quản lý cũng chỉ nói có đồng ý mua nước tiếp thì ký và điền vào tờ giấy còn không thì thôi và không cho biết đến bao giờ thì nước sạch mới được cấp lại.

“Sống ở giữa Thủ đô Hà Nội mà khổ như ở vùng cao. Phụ nữ, trẻ em trong tổ chúng tôi đang héo mòn vì không có nước sạch để sử dụng. Nợ tiền bị cắt nước thì không dám nói đằng này tiền nước tháng nào cũng thanh toán đầy đủ với mức giá cao hơn 2 lần mức giá quy định ở các nơi khác mà vẫn bị cắt. Chịu không thấu, kêu cũng chẳng ai nghe”- Bà Hải than.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Cổ Nhuế dù đã nộp tiền đầy đủ cho xã nhưng vẫn bị cắt nước sạch.

Hồi tháng 5/2007 vừa qua, đích thân ông Bùi Văn Mật, Giám đốc Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội đã phải “can thiệp” bằng cách chỉ đạo Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cấp nước trở lại cho người dân sau khi ngừng cấp nước 3 tuần (tại thời điểm này xã nợ tiền nước của Cty gần 100 triệu đồng) và đồng ý cho xã Cổ Nhuế trả chậm số tiền nợ hàng tháng.

Tuy nhiên việc thanh toán tiền nợ vẫn kéo dài và đến nay số tiền nợ sử dụng nước 5 tháng liên tiếp (từ tháng 5/2007 đến 9/2007) đã lên tới trên 200 triệu đồng buộc Cty phải ra thông báo và tiến hành ngừng cung cấp nước.

Lỗ hay thất thoát?

Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết họ ký hợp đồng cung cấp nước sạch cho UBND xã Cổ Nhuế từ ngày 26/5/1998 với mức giá bán đến đồng hồ tổng của xã ở thời điểm hiện tại là 2.800 đồng/m3.

Ngày 5/9/2007, Xí nghiệp đã có giấy báo ngừng cung cấp nước gửi UBND xã Cổ Nhuế do không thanh toán tiền nước các tháng 5, 6, 7, 8 và 9/2007 với tổng số tiền 187.716.626 đồng. Ngày 13/9/2007, Xí nghiệp đã có lệnh ngừng cung cấp nước và việc thực hiện được áp dụng từ ngày 15/9/2007.

Về việc Ban quản lý nước sạch Cổ Nhuế cho rằng lỗ vì bị thất thoát nước nhiều, ông Trần Xuân Cương, Phó Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy cho biết trung bình mỗi ngày xí nghiệp của ông cung cấp cho xã Cổ Nhuế khoảng 460m3 nước sạch. Nếu nhân với giá 2.800 đồng/m3 thì tổng số tiền nước Xí nghiệp bán cho xã là 1.288.000 đồng/ngày.

Số nước này áp với giá 6.000 đồng/m3 thì Ban nước xã Cổ Nhuế thu được tới 2.760.000 đồng. Như vậy mỗi ngày Ban quản lý này thu được 1.472.000 đồng từ số tiền chênh lệch mức giá bán nước cho các hộ dân trên địa bàn.

“Với mức thu tiền nước như trên thì dù có thất thoát nước đến 50% thì vẫn đủ tiền để trả tiền nước và trả phí nhân công, vận hành. Mức lãi này Ban quản lý nước của xã vẫn kêu lỗ thì không thể hiểu được” - Ông Cương khẳng định.

Ông Cương cũng cho biết việc cắt nước ở xã Cổ Nhuế là việc làm mà Cty không muốn vì dù sao đây cũng là một khách hàng lớn. Cty cũng đã 3 lần gửi giấy báo đòi nợ nhưng không đòi được thì mới buộc phải dùng biện pháp cắt nước cho đến khi nào xã thanh toán tiền nợ.

“Nếu đúng như thông báo của Ban quản lý nước sạch Cổ Nhuế thông báo là đã thu được hơn 190 triệu đồng và nếu họ trả cho chúng tôi số tiền thu được trên hoặc cùng lắm là hơn một nửa số nợ thì chắc chắn không có chuyện ngừng cấp nước như trên. Tôi cũng không hiểu Ban quản lý nước của xã giữ lại số tiền trên để làm gì mà không thanh toán cho chúng tôi?”- Ông Cương đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG