Hà Nội xây dựng 30 trường công lập chất lượng cao

Hà Nội xây dựng 30 trường công lập chất lượng cao
TP - Hôm qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định đây là sáng tạo của thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân...

> Trường chất lượng cao: Đề xuất học phí 3 triệu đồng/tháng
> Lại kiến nghị giải thể ĐH kém chất lượng

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay thành phố đã thực hiện thí điểm 18 trường công lập chất lượng cao (CLC). Trong đó có 13 trường CLC toàn phần và 5 trường CLC từng phần. Tuy nhiên, sau nhiều năm qua, do không có chính sách tài chính cụ thể đi kèm nên hoạt động rất khó khăn, kìm hãm sự phát triển của mô hình này.

Đại biểu Đặng Đình An cho rằng, với những trường xây mới từ đầu thì không đáng lo nhưng với những trường CLC hình thành trên những trường công lập đã có thì giai đoạn chuyển tiếp sẽ có thể gây xáo trộn tâm lý với nhiều học sinh. Đại biểu An cho rằng không nên trong một trường mà có hai chế độ đóng góp, hai điều kiện học tập khác nhau. Đại biểu Lê Văn Thư, Bí thư huyện ủy Từ Liêm đánh giá cao mô hình đào tạo trường CLC đồng thời đề nghị cần có biện pháp kiểm định chặt chẽ chất lượng đào tạo của mô hình này.

Trả lời các đại biểu, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trường công lập CLC phải tuân thủ quy định về hoạt động của trường công lập. Ngoài ra, trường được thực hiện một số dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo qua thiết kế môn học, tăng cường các kỹ năng mềm cho học sinh. Đây là mô hình mới sáng tạo thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân. Bà Ngọc khẳng định sẽ mời Bộ GD&ĐT tham gia thẩm định, đánh giá chất lượng các trường CLC để đảm bảo khách quan và chỉ khi có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, dịch vụ hoàn chỉnh thì mới được cấp phép hoạt động.

Với các trường phải chuyển tiếp từ CLC từng phần lên CLC toàn phần, Hà Nội sẽ hỗ trợ học sinh đến hết năm 2015 để học sinh có thêm thời gian chuẩn bị, lựa chọn. Hơn nữa, thành phố đảm bảo đủ trường cho các học sinh này lựa chọn theo nhu cầu và điều kiện. “Liệu học sinh là con em gia đình chính sách, nhà nghèo học giỏi có được tạo điều kiện để theo học tại trường CLC này hay không?”-một đại biểu đặt vấn đề. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, mô hình khác nhau phục vụ nhu cầu và điều kiện khác nhau. Để một mô hình đào tạo CLC thành công thì không thể “ôm” quá nhiều đối tượng. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Ngọc cho biết đến năm 2015 thành phố sẽ có khoảng 30 trường công lập CLC để người dân có thêm lựa chọn. Cả chất lượng đào tạo và học phí của trường công lập CLC đều phải được thành phố thẩm định hàng năm.

“Ngay như Luật Giáo dục cũng chưa quy định về mô hình trường công lập CLC. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì đây là nhu cầu và nguyện vọng của người dân”. Bà Ngọc chia sẻ.

Mức học phí dự kiến áp dụng năm học 2013-2014 với trường mầm non CLC và trường tiểu học CLC tối đa là 2,9 triệu đồng/học sinh/tháng và 3,2 triệu đồng cho năm học 2014-2015. Trường THCS và THPT là 3 triệu đồng/học sinh/tháng cho năm học 2013-2014 và 3,4 triệu đồng/học sinh/tháng cho năm học 2014-2015.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG