Hà Nội: Xử lý thế nào 5,2 triệu m2 đất lãng phí?

Hà Nội: Xử lý thế nào 5,2 triệu m2 đất lãng phí?
TP- Tính ra, các cơ quan ở T.Ư và Hà Nội đóng trên địa bàn thành phố đã sử dụng sai mục đích, lãng phí trên 5,2 triệu m2 đất. Tiền phong đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn về vấn đề này.
Hà Nội: Xử lý thế nào 5,2 triệu m2 đất lãng phí? ảnh 1
Rạp Đại Nam (89 phố Huế) nhiều năm nay thành bãi gửi xe

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Tài chính đã làm việc với UBND TP và các đơn vị trực thuộc. Kết quả làm việc cho thấy việc quản lý và sử dụng đất đai của Hà Nội còn bất cập, gây lãng phí.

Ông Đôn nói:

Việc xử lý diện tích đất sử dụng sai mục đích và lãng phí sẽ dựa trên quy hoạch của thành phố. Xem trên quy hoạch, những diện tích đất đó có mục đích sử dụng phù hợp hay không, từ đó có phương hướng giải quyết cụ thể.

Nếu diện tích đất đó (dù là đất công hay đất tư) có mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch thì trên cơ sở các quy định hiện hành, thành phố sẽ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp thức hóa diện tích đất này và thu tiền sử dụng đất đúng mục đích. Đối với diện tích đất sử dụng sai mục đích trái quy hoạch, thì sẽ thu hồi, sau đó mời các nhà đầu tư vào tham gia đấu giá...

Năm 2001, Hà Nội đã ra chỉ thị thu hồi đất sử dụng sai mục đích, đất để hoang hóa, nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Liệu lần này, chủ trương xử lý diện tích đất sử dụng sai mục đích và lãng phí nói trên có khả thi? 

Có thể nói chỉ thị cũ đã thể hiện quyết tâm của thành phố nhưng nội dung còn đơn giản. Hiện thành phố đã có quyết định mới về việc này, quy định trình tự, thủ tục... về việc tiến hành lập hồ sơ để thu hồi đất sử dụng sai mục đích và lãng phí một cách đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn theo quy định của Luật Đất đai mới.

Dù là chỉ thị cũ hay quyết định mới, thì mục đích của thành phố từ trước đến nay vẫn là rung tiếng chuông cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân đang quản lý các diện tích đất sử dụng sai mục đích và hoang hóa. Để cho các tổ chức, cá nhân này tự kiểm tra, điều chỉnh phương án sử dụng đất sao cho thiết thực, tiết kiệm, và có hiệu quả, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch của thành phố.

Hà Nội: Xử lý thế nào 5,2 triệu m2 đất lãng phí? ảnh 2
Ông Lê Quý Đôn

Trường hợp tổ chức, cá nhân không lắng nghe “tiếng chuông” này, thì thành phố buộc phải thực hiện theo quy trình xử lý nói trên. Như vậy, mục đích của thành phố không chỉ có thu hồi đất, mà còn cảnh báo trước để các tổ chức, cá nhân liên quan có thời gian thực hiện theo các quy định hiện hành.

Tại sao lại có tình trạng nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đặc biệt là khối hợp tác xã đã tự chuyển nhượng nhà đất hoặc núp bóng sáp nhập, liên doanh, liên kết, cổ phần hóa để chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất, hợp thức hóa quỹ đất của mình?

Đúng là có thực tế ấy. Có những tổ chức, cá nhân đã chủ động đi trước, có thể là cấp chủ quản của tổ chức, cá nhân này cho chủ trương để làm như vậy. Ví như dự án khu Nhà máy xe lửa Gia Lâm... Vấn đề này thành phố đang tiếp tục nghiên cứu.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì phải đến đầu năm 2007, chủ trương xử lý đất đai sử dụng sai mục đích và lãng phí mới bắt đầu được thực hiện. Hiện thành phố đang ở giai đoạn thống kê chứ chưa có phương án đề xuất xử lý. Muốn có phương án đề xuất xử lý thì phải điều tra kỹ lưỡng và dựa trên cơ sở thông tin chính xác.

Nhưng đang có thực tế là một số cơ quan hành chính sự nghiệp của thành phố chưa có trụ sở làm việc và đang phải đi thuê lại trụ sở của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, định mức như trụ sở UBND quận Hoàng Mai, Long Biên...

Đúng vậy. Nhiều địa bàn không còn quỹ đất để đưa vào sử dụng nữa, nhưng các cơ quan hành chính trên địa bàn vẫn có nhu cầu, mà các cơ quan này không thể đóng trên địa bàn khác. Trong trường hợp đó, hoặc phải điều chỉnh quy hoạch, hoặc chính các cơ quan đó phải thỏa thuận để trao đổi với người dân, để lấy quỹ đất xây dựng trụ sở, như vậy bắt buộc Nhà nước phải có sự đầu tư...

Thành phố chủ trương xây dựng tập trung các cơ quan công quyền theo hướng không phân tán, nhưng địa bàn Hà Nội rất phức tạp do lịch sử để lại, nên không thể làm theo cách như các tỉnh, thành khác.

Xin cảm ơn ông !

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).