Hạ tầng chưa động thổ, đất đối ứng đã rao bán

Đã đến hạn bàn giao nhưng con đường vẫn ngổn ngang, trong khi các dự án bất động sản đã mọc lên ảnh: Long Vân
Đã đến hạn bàn giao nhưng con đường vẫn ngổn ngang, trong khi các dự án bất động sản đã mọc lên ảnh: Long Vân
TP - Dù sắp đến hạn hoàn thành nhưng Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) tại Hà Nội theo hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) chưa thi công. Trong khi đó, các phần đất đối ứng đã được phân lô, xây nhà, rao bán.

Ôm đất vàng rồi  để hạ tầng nằm im

Như Tiền Phong thông tin, Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt là Cty Vĩnh Hưng) được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5) theo hợp đồng BT. Theo Quyết định phê duyệt (ngày 13/2/2017), con đường có tổng chiều dài khoảng 1.650m, mặt cắt 40m, tổng vốn đầu tư là 1.574,2 tỷ đồng, thực hiện từ quý I năm 2016 và hoàn thành vào tháng 6/2019. Hình thức giao dự án hiện nay là chỉ định thầu.

Đổi lại, Cty Vĩnh Hưng được tạo điều kiện khai thác quỹ đất “vàng” với nhiều khu đất khoảng 60ha. Các khu đất đối ứng gồm: Khu nhà ở Ao Mơ (cạnh dự án, rộng 22,9ha), khu di dân tổ 24, 25 (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cạnh dự án, rộng 11,9 ha) và 3 khu đất khác được chủ đầu tư đề nghị bổ sung gồm khu Ao cây dừa (ở quận Thanh Xuân, rộng 0,52ha), dự án Khu sinh thái Vĩnh Hưng (11,9ha), Dự án khu chức năng đô thị Vĩnh Hưng - Thanh Trì (khoảng 13ha).

Đến nay, gần đến thời điểm phải hoàn thành dự án (tháng 6/2019), theo quan sát của phóng viên, chưa thấy đơn vị nào thi công đường. Nhiều đoạn chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) xong, có đoạn nhà dân vẫn tồn tại. Đoạn giải phóng xong chỉ là bãi đất hoang, có nơi làm chỗ chứa vật liệu xây dựng… Đường điện cao thế vẫn chưa được hạ ngầm.

Nhà đất đối ứng đã được rao bán

Trong khi đó, tại các khu đất phê duyệt đối ứng đã xuất hiện các tòa chung cư cao tầng. “Thời gian qua, các giao dịch mua bán nhà chung cư, nhà đất ở khu vực cũng sôi động hẳn lên, trong khi đường chưa làm, xe vật liệu, người dân đi lại hết sức khó khăn”, anh Nguyễn Minh Tuấn (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), sống cạnh dự án con đường chưa biết khi nào khởi công nói.

Ngoài ra, khu nhà ở Ao Mơ (một phần đối ứng, gần dự án BT) đã được phân lô và rao bán (cả đất nền và chung cư). Bên cạnh đó, xuất hiện các tòa chung cư cao cấp gần như đã hoàn thành. Do con đường 40m chưa làm nên chủ đầu tư tòa nhà chung cư làm con đường nhựa mới nối từ đường Dương Văn Bé vào.

Gần đó, phần đất thuộc Dự án xây dựng đồng bộ kỹ thuật khu di dân tổ 24,25 (có khu đất đối ứng cho dự án thuộc phường Vĩnh Tuy như nêu trên) đang bị người dân khiếu kiện, căng băng rôn đòi cấp quyền sử dụng đất.

Dự án Ao cây dừa (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) rộng 0,52ha dùng để đối ứng cho đường BT này cũng đang được quây tôn trưng biển dự án Sunshine Boulevard (Tiền Phong từng phản ánh). Các trang mạng bất động sản cũng đang rao bán nhà tại dự án này.

Giao đất trước phát sinh nhiều hệ lụy

Quyết định số 23/2015/QÐ-TTg quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao do Thủ tướng ban hành, quy định: Thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành dự án BT. Theo một chuyên gia về đầu tư dự án đối tác công tư, việc giao đất cho doanh nghiệp trước, doanh nghiệp bán lấy tiền trước khi hình thành dự án hạ tầng cho thấy nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”. Ngoài ra, khi giao đất trước khi dự án hạ tầng hoàn thành, giá đất đối ứng được định giá thấp hơn nhiều khi dự án hoàn thành, gây thất thoát ngân sách.

Chậm do giải phóng mặt bằng

Bà Ðồng Thị Như Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, để phục vụ xây dựng tuyến đường trên, quận Hoàng Mai phải giải phóng 39.706m2 đất tại phường Vĩnh Hưng và Mai Ðộng. Hiện nay còn khoảng 26.698 m2 đang thỏa thuận, chưa GPMB. Theo bà Hoa, nguyên nhân GPMB chậm vì sau khi có phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, cuối năm 2016 mới triển khai cắm mốc và phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện của người dân.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.