Hạ tầng nông thôn: Thiếu và yếu

Hạ tầng nông thôn: Thiếu và yếu
TP - Phát triển nông thôn bền vững không có cách nào khác là phải tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, từ đó thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản, nâng cao thu nhập cho dân...
Hạ tầng nông thôn: Thiếu và yếu ảnh 1
Vùng đất Ngọc Lặc (Thanh Hóa) từ khi có đường Hồ Chí Minh chạy qua đã thay da đổi thịt / Ảnh: Đức Kế

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước còn 281 xã  chưa có đường ô tô ra trung tâm huyện lỵ, còn 30 phần trăm đường tới trung tâm xã chưa được đổ nhựa hoặc bê tông, hệ thống đường liên thôn, liên bản thiếu trầm trọng. Hiện tượng thiếu nước sinh hoạt, hoặc nước sinh hoạt nhiễm bẩn vẫn còn phổ biến.

Hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp cũng rất yếu kém. Hiện trong tổng số hơn 4 triệu ha đất cấy lúa thì mới chỉ có 2,4 triệu ha được tưới; còn khoảng 50 phần trăm diện tích cà phê, 80 phần trăm diện tích rau màu chưa được tưới; mới 19 phần trăm kênh mương được kiên cố hoá.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 60-70 phần trăm nhu cầu đầu tư nông thôn; chất lượng kết cấu hạ tầng nông thôn còn kém; trong khi đó nhu cầu đầu tư hạ tầng vào khu vực này ngày càng lớn.

Lẽ dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng yếu kém là nguyên nhân chính khiến sự thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp chưa hấp dẫn. Tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp nước ta chưa được ba phần trăm tổng nguồn vốn đăng ký.

Điều đó cho thấy, dù thị trường nông thôn có nhiều tiềm năng, thời gian dài qua, thị trường này chưa được quan tâm đúng mức, khiến bộ mặt nông thôn nhiều vùng vẫn nhếch nhác, chưa khai thác đúng tiềm năng (Tiền Phong ngày 15/4/2009 đã phản ảnh).

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng:

“Kích thích đầu tư vào khu vực này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho những người đang mất việc nhiều do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá trong nước (xi măng, sắt thép…)”.

MỚI - NÓNG