Hà Tĩnh - Thanh Hóa căng mình đón bão

Hà Tĩnh - Thanh Hóa căng mình đón bão
TPO - Hàng ngàn ngôi nhà ven biển được giằng mái dây an toàn, hàng ngàn người dân đang được chính quyền lên phương án di dời khẩn cấp trước khi bão đổ bộ vào.

Miền Trung khẩn trương đối phó bão số 8

Tâm bão số 8 sẽ ở Thanh Hóa

Hà Tĩnh - Thanh Hóa căng mình đón bão ảnh 1

 Tàu thuyền dã được neo đậu an toàn

Trưa nay, trên địa bàn Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm gió nhẹ. Trên các ngã đường người dân đang hối hả dọn dẹp đồ đạc, giằng lại nhà cửa để đón bão. Phóng viên Tiền Phong có mặt tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, nơi đang có hàng trăm chiếc thuyền cá được neo đậu an toàn.

Một số ngôi nhà nằm sát biển được giằng mái an toàn, người dân đang hối hả dọn dẹp đồ đạc di dời vào bên trong làng tránh bão. Báo cáo nhanh, hiện tại huyện Lộc Hà, có 183 tàu thuyền, trong đó có 48 chiếc ngoại tỉnh với hơn 1.000 lao động đã bắt được tín hiệu, di chuyển về neo đậu an toàn tại cảng Cửa Sót và đảo Bạch Long Vĩ.

Hệ thống đê, kè được gia cố an toàn, hàng trăm ngồi nhà, lồng bè nuôi thủy sản được giằng chống an toàn. “Khi đang đánh cá trên vùng biển Hà Tĩnh, tàu nhận được tin báo của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh về diễn biến phức tạp của cơn bão số 8. Lập tức các thủy thủ trên tàu nhanh chóng đưa tàu vào trú ẩn tại Cửa Sót an toàn”, anh Phan Văn An, trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm hỏi người dân
Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm hỏi người dân.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho biết, xã đã lên phương án di dời dân khẩn cấp. Theo đó, có ba phương án được đề ra, cụ thể, nếu bão đổ bộ trực tiếp ở cấp 8, cấp 9, sẽ sơ tán 200 hộ dân; cấp 9 sơ tán 305 hộ và bão mạnh trên cấp 11 sẽ sơ tán khoảng 1.000 hộ dân sống ven biển đến nơi an toàn.

Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, ông Đặng Văn Tính cho biết, tất cả các tàu thuyền được hướng dẫn về nơi neo đậu an toàn. “Huyện huy động 5 xe ô tô với hơn 100 cán bộ chiến sỹ Bộ đội, Công an di dời 596 hộ dân với hơn 2.200 nhân khẩu thuộc xã Xuân Hội đến nơi an toàn trước tối nay. Trường hợp có mưa lớn xảy ra sẽ tiếp tục di dời hơn 60 hộ dân của xã Xuân Giang” ông Tính nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, hai xã khả năng vỡ đê rất cao là tại thôn Song Nam, xã Cương Gián và xã Xuân Hội. Hiện UBND huyện Nghi Xuân huy động người dân và các lực lượng túc trực 24/24 tại các địa điểm này.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm hỏi người dân
Người dân đang giằng mái nhà, dọn dẹp đồ đạc di dời đến nơi an toàn

Hiện 3.820 tàu thuyền với gần 14 nghìn lao động của Hà Tĩnh đã vào nơi trú ẩn an toàn. Các hồ đập xung yếu đang được phân công lực lượng trực vận hành 24/24h đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh sẵn sàng huy động hơn 2.500 chiến sỹ ứng cứu ngay khi có lệnh điều động.

Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng đã xây dựng các phương án sơ tán dân ven biển, trường hợp bão cấp 9-10 đổ bộ trực tiếp di dời 6.645 hộ dân ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh; bão cấp 11 trở lên di dời 15.096 hộ với trên 53 nghìn người thuộc 6 huyện, TP trên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh đã chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra để ứng phó với bão số 8. Các địa phương, lực lượng chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ”. Dữ trữ lương thực, nước uống đề phòng khi có trường hợp xấu nhất xảy ra, kịp thời ứng cứu.

Sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát cùng đoàn công tác về huyện Lộc Hà và Nghi Xuân để kiểm tra các khu vực xung yếu như cảng cá, các công trình thủy lợi trước khi bão đổ bộ vào.

Thanh Hóa triển khai các phương án đón bão

Các phương án phòng, chống bão số 8 (cơn bão mà ngư dân Thanh Hóa gọi là cơn bão trái mùa) đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các cấp, ngành, đơn vị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 8 tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 8 tại Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam.

Tại các địa phương phương án di dời người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn tránh trú đã được chuẩn bị.

Lo lắng của ngư dân ở một số vùng biển đó là nhiều nơi chưa có âu tránh trú bão đạt tiêu chuẩn nên việc tàu, thuyền chỉ tránh cửa lạch, cửa sông thì không đảm bảo an toàn; nhiều tàu, thuyền lớn mắc cạn hiện chưa thể vào bến neo đậu an toàn...

Trong khi đó, nhiều vùng diện tích cây hoa màu đang trong thời kỳ sinh trưởng, phát triển tốt nguy cơ ngập úng, gẫy gập sẽ gây thiệt hại lớn cho nhân dân...

Tại các khu vực miền núi và các vùng đồng bằng khác, việc phòng, chống bão số 8 cũng đã được lãnh đạo, chính quyền và nhân dân thực hiện nghiêm túc.

Trưa 27-10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gió thổi mạnh, vài nơi diễn ra mưa nhưng không lớn và kéo dài, đến chiều tối cùng ngày gió giảm, không mưa. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 8 tại tỉnh Thanh Hóa.

Theo Viết
MỚI - NÓNG