Hà Tĩnh thưa với Bác...

Hà Tĩnh thưa với Bác...
TP - Hôm nay 20/6, tỉnh Hà Tĩnh mít tinh kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm và mừng tỉnh nhà đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân dịp thị xã Hà Tĩnh được nâng cấp lên thành phố. Câu chuyện cảm động về Bác Hồ cách đây 50 năm lại ùa về...
Hà Tĩnh thưa với Bác... ảnh 1
Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh năm 1957

Ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, đến nay đã tròn 50 năm. Hầu hết những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đón Bác hồi ấy giờ đã thành người thiên cổ; chỉ còn ông Nguyễn Tiến Chương (năm 1957 là thường trực Tỉnh ủy, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy) dù đã bước sang tuổi 87 nhưng trí tuệ vẫn rất sáng suốt.

Ông đã kể lại rất chi tiết cuộc đón tiếp ấy ngỡ như mới diễn ra gần đây.

Từ bao điều trăn trở năm ấy

Hôm ấy cùng đi với Bác có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Trần Quốc Hoàn. Hồi ấy Hà Tĩnh có nhiều sai lầm từ cải cách ruộng đất gây bức xúc trong cán bộ và nhân dân.

Bác về, các đồng chí lãnh đạo tỉnh có tổ chức bữa cơm thân mật đón Bác với tình cảm người nhà nhưng các bác sĩ và những người bảo vệ đã gói cơm từ Nghệ An đưa vào. Bữa trưa, mâm cơm của Bác được dọn riêng, chỉ có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ông Trần Quốc Hoàn cùng dùng chung cơm với cán bộ Hà Tĩnh... Bác nói: “Về quê mà không được ăn bữa cơm... có mắm... có cà của quê hương...”.

Nghe Bác nói vậy, các đồng chí lãnh đạo Hà Tĩnh cũng ngậm ngùi. Khi Bác đang nghỉ trưa, ông Thái - Bí thư Tỉnh ủy đã cho chuẩn bị luộc mấy búp sen và bóc mấy bắp ngô non để nấu chè. Đầu buổi chiều các đồng chí trong Tỉnh ủy xin phép bác sĩ cho Hà Tĩnh được mời Bác dùng một chút sản phẩm của quê nhà.

Buổi nói chuyện của Bác cũng chỉ tiến hành với đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, các đoàn thể mặt trận và một đơn vị quân đội.

Khi đoàn Hà Tĩnh tiễn Bác ra Nghệ An, đến phường Bến Thủy chứng kiến cảnh hàng vạn đồng bào Nghệ An tưng bừng đón chào và được Bác nói chuyện thân mật càng cảm thấy có điều gì đó nuối tiếc ân hận xót xa cho nhân dân Hà Tĩnh.

Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Tiến Chương: “Vì sao hồi ấy Bác Hồ về thăm quê hương mà lãnh đạo tỉnh lại không thông báo rộng rãi để dân tiếp đón một cách nồng nhiệt?”.

Im lặng một lúc như để hồi tưởng về những kỷ niệm buồn thời cải cách ruộng đất, ông Chương rưng rưng kể lại:

- Hồi ấy chính tôi đã từng làm đến Phó tham mưu của quân khu, tham gia cách mạng hàng chục năm, về quê cũng bị bắt giam. Cũng tiến hành cải cách ruộng đất nhưng ở Hà Tĩnh đã làm quá tả, nhiều sai lầm đã diễn ra. Lúc Bác về thăm nếu thông báo rộng rãi, mọi người đều ra đón Bác, sợ có người mủi lòng khóc than kể lể với Bác dễ gây nên chuyện không hay.

Tại buổi nói chuyện với đội ngũ cán bộ chủ trì và mặt trận, Bác đã căn dặn: “Nhớ làm tốt công tác sửa sai, chăm lo sản xuất, chú trọng các công trình giao thông, tham gia xây dựng thủy lợi, phải biết trồng cây gây rừng, cân nhắc cán bộ trẻ... Đặc biệt chú ý đến vai trò của đội ngũ thanh niên và phụ nữ”, cuối cùng Bác dặn: “Phải làm cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên...”.

Năm 1966, khi nghe tin Thái Bình đạt nhiều thành tích xuất sắc trong mặt trận nông nghiệp, Hà Tĩnh đã cử một đoàn hơn 40 người trong đó chỉ có 4 phụ nữ và 2 thanh niên ra học tập để về làm.

Từ Thái Bình đoàn về Thủ đô chúc sức khỏe Bác và muốn mời Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh lần nữa, được Bác đón tiếp ân cần. Bác nhận xét và nhắc nhở: Cả đoàn 40 người, mà phụ nữ và thanh niên chỉ có 6 thế là ít quá, chứng tỏ các đồng chí chưa xem trọng vai trò của phụ nữ và thanh niên... Hà Tĩnh phải làm cho tình hình nổi bật lên, các đồng chí có làm được không? Làm được chứ?

Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, có việc mình không biết nhưng quần chúng biết là phải học hỏi; phải biết tổ chức cho khéo léo thì nhất định việc gì cũng làm được, nhất định đưa được phong trào nổi bật lên, làm được như vậy thì Bác sẽ về”.

Đến những quyết tâm nỗ lực sau này

Hà Tĩnh thưa với Bác... ảnh 2

Một góc TP Hà Tĩnh hôm nay

Hồi ấy cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bước sang giai đoạn quyết liệt. Hà Tĩnh có nhiều trọng điểm bị địch tập trung đánh phá mang tính hủy diệt nhằm ngăn cản bước tiếp viện của hậu phương cho tiền tuyến.

Với khẩu hiệu “Địch phá một thì ta làm mười”, chỉ trong hai năm 1966 -1967, quân và dân Hà Tĩnh đã mở các tuyến giao thông huyết mạch có tổng chiều dài 2.800km bằng khoảng đường cả thế kỷ trước mà thực dân Pháp đã mở ở Việt Nam cộng lại. Hà Tĩnh là đơn vị lá cờ đầu bảo đảm giao thông của miền Bắc.

Tháng 2/1968, trong lần ra họp tại nhà số 8, Nguyễn Cảnh Chân, ông Nguyễn Xuân Linh - Bí thư Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho tôi gặp Bác đề xuất nguyện vọng phải mời cho được Bác về thăm Hà Tĩnh. Trong giờ nghỉ, Bác đi đến bên một gốc cây sấu lớn, tôi bám theo nói: “Thưa Bác”! Bác quay lại hỏi: “Có việc chi rứa chú”? Tôi thưa luôn: “Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh muốn mời Bác về thăm”.

Bác nói: “Bác đã về thăm rồi chứ sao!”. Tôi thưa lại: “Lần ấy Bác về... nhưng mà...”.

Bác nhắc lại: “Phải làm cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên. Làm được rồi ra báo với Bác là Bác sẽ về”.

Hà Tĩnh chờ đợi, Bác chưa kịp về thì năm 1969, chúng tôi đã thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân ra tiễn đưa Bác về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi gợi hỏi: Là người nhiều lần trực tiếp nghe lời dặn của Bác: “Phải làm cho tình hình Hà Tĩnh nổi bật lên”, ông tự đánh giá địa phương đã làm được đến mức độ nào?

Ông Chương khẳng định: Mỗi thời Hà Tĩnh đều làm được những điều nổi bật. Trong chống chiến tranh phá hoại Hà Tĩnh là lá cờ đầu phong trào bảo đảm huyết mạch giao thông. Ngã Ba Đồng Lộc là trọng điểm ác liệt nhất, nơi đây đã có 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Tĩnh bắt tay vào làm Đại thủy nông Kẻ Gỗ vào loại lớn nhất cả nước, giải quyết dứt điểm nạn thiếu lương thực.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát Hà Tĩnh đã hoàn thành sớm nhất toàn quốc.

Giờ đây Hà Tĩnh đang tiến những bước dài trong công cuộc đổi mới. Khu Công nghiệp Vũng Áng đã được hình thành, có Cảng biển nước sâu thuận tiện nhất miền Trung, có đường 12 nối Cảng với các nước bạn Lào và Thái Lan. Nhà máy nhiệt điện lớn nhất cả nước đã được xây dựng ở đây, Cty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh đã ra đời, đang lập kế hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng 540 triệu tấn.

Nhà máy gang thép 500.000 tấn/năm đã được khởi công xây dựng làm tiền đề cho Nhà máy gang thép công suất 4-5 triệu tấn/năm vào năm 2010. Thị xã Hà Tĩnh đã lên thành phố, Hà Tĩnh đã có trường đại học; sắp tới sẽ khởi công hồ chứa nước Ngàn Trươi dung tích 1 tỉ khối nước, gấp 3 lần Đại thủy nông Kẻ Gỗ. Hà Tĩnh sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp Bắc miền Trung.

- Được biết trong lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Bác Hồ về thăm và mừng tỉnh nhà đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất nhân dịp thị xã Hà Tĩnh được nâng cấp lên thành phố..., là người sẽ thay mặt cho nhân dân phát biểu ý kiến trong lễ dâng hương, ông sẽ nói điều gì? - Chúng tôi nêu vấn đề.

Ông Chương cười phấn khởi giơ tay khẳng định: Tôi sẽ nói: Thưa Bác tình hình Hà Tĩnh nay đã thực sự nổi bật rồi.

Những năm qua Hà Tĩnh đã làm được nhiều chuyện lớn lao mà mấy chục năm qua mới có trong ý tưởng.

Tháng 6/2007

MỚI - NÓNG