Hạ tuổi thành niên: "Cớ gì cứ gán Lê Văn Luyện vào?"

Hạ tuổi thành niên: "Cớ gì cứ gán Lê Văn Luyện vào?"
Trước thông tin một số vị Đại biểu Quốc hội kiến nghị hạ tuổi thành niên từ 18 xuống còn 16 để hạn chế những ca tội phạm nghiêm trọng lọt tội, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Dân số, Môi Trường và các vấn đề xã hội - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, vào thời điểm này đó không phải là phương cách hay.

Hạ tuổi thành niên: "Cớ gì cứ gán Lê Văn Luyện vào?"

> "Chưa có thuốc độc nên xử bắn để giảm căng thẳng"

> Sát thủ Lê Văn Luyện học lễ phép trong trại giam

Trước thông tin một số vị Đại biểu Quốc hội kiến nghị hạ tuổi thành niên từ 18 xuống còn 16 để hạn chế những ca tội phạm nghiêm trọng lọt tội, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Dân số, Môi Trường và các vấn đề xã hội - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, vào thời điểm này đó không phải là phương cách hay.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nộ
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nộ.
 

Cần cân nhắc kỹ

Trong cuộc họp mới đây, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Hồ Trọng Ngũ có đề xuất hạ tuổi thành niên từ 18 xuống còn 16 để hạn chế những ca tội phạm nghiêm trọng nhưng để lọt tội. Dưới góc độ là một người làm công tác nghiên cứu, ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Tôi cho rằng, việc hạ tuổi thành niên xuống còn 16 vì sự bức xúc của tình hình tội phạm thì có thể thông cảm và hiểu được. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu cho kỹ, cả về mặt xã hội và trên phương diện luật pháp.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Trước hết, không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa vị thành niên là từ 10 - 19 tuổi, chia ra các giai đoạn vị thành niên sớm, vị thành niên trung bình và vị thành niên muộn. Cần lưu ý rằng khi WHO chưa thay đổi quan niệm nghĩa là nó vẫn còn thích hợp với tất cả các quốc gia, kể cả nước chưa phát triển và đã phát triển. Trong đó, tuổi vị thành niên của Việt Nam xác định từ 10 đến dưới 18 tuổi. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì phải có cơ sở khoa học trên cả phương diện thể chất và tâm sinh lý. Thứ nữa, cũng phải xét xem nó có vướng các luật khác không?

Ví như khi đó, Luật Hôn nhân & Gia đình sẽ quy định 16 tuổi được lập gia đình, kéo theo đó là những vấn đề khác như dân số, việc làm... Do đó, phải cân nhắc kỹ để nó tương thích với chính trong nước chứ chưa tính đến sự tương thích với thế giới.

Hoàn toàn không khả thi

Phải chăng, việc thay đổi này đang khiến trẻ bị "chín ép"?

Cũng có thể hiểu là như thế. Hiện nay, mức sống của người dân ngày càng cao, điều kiện sống tốt, các gia đình ít con nên con trẻ dậy thì sớm. Cùng với đó, sự bùng nổ của công nghệ thông tin khiến trẻ có cơ hội tiếp nhận thông tin từ khá sớm và rất đa dạng, trưởng thành sớm hơn. Thế nhưng, chính sách gia đình ít con cũng khiến trẻ được bao bọc như hoàng tử, công chúa. Chính điều này tạo ra sự phát triển về mặt thể chất không tương đồng với phát triển về phương diện xã hội, biến các em thành những "gà công nghiệp". Nhiều em vi phạm luật mà không biết vì không hiểu luật.

Và như thế, việc hạ tuổi sẽ hoàn toàn không khả thi?

Đúng thế, vì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chỉ số phát triển con người mới ở mức trung bình khá (năm 2011, chỉ số phát triển con người của ta đứng thứ 128/187 quốc gia). Thứ nữa, 16 tuổi thì trẻ mới đang học lớp 10, 11. Ở tuổi này, các em chịu khó học hành đã là ngoan lắm rồi, đừng bắt nó phải gánh nặng trách nhiệm với tư cách pháp nhân được.

Bức xúc vụ Lê Văn Luyện, nhưng...

Thưa ông, căn nguyên để người ta đưa ra kiến nghị hạ tuổi thành niên là vì thời gian qua có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở tuổi vị thành niên nhưng khung hình phạt còn chưa tương xứng, ví như trường hợp Lê Văn Luyện giết 3 mạng người, nhưng chưa đủ 18 tuổi nên cũng chỉ bị tù không quá 18 năm.

Sự bức xúc của xã hội với vụ việc này là hoàn toàn dễ hiểu. Tôi cũng bức xúc. Thế nhưng, Lê Văn Luyện chỉ là một trong số ít những trường hợp cá biệt như thế. Nó chưa đặt ra vấn đề cấp thiết đến mức phải hạ tuổi thành niên đâu. Nếu xét khung hình phạt thì nhiều nước bỏ tử hình cơ mà. Một số tội phạm là người lớn đáng tử hình lắm nhưng có tử hình đâu? Hà cớ gì cứ gán Lê Văn Luyện vào đó? Nếu mà ta hạ tuổi thành niên xuống 16 để khi vi phạm thì bắn được, nhưng rồi đến ngày đẹp trời nào đó luật pháp nước ta bỏ án tử hình, thế thì có nên rút dần tuổi thành niên xuống nữa không?

Vậy còn việc mỗi năm, cả nước có từ 16.000 - 18.000 tội phạm ở tuổi vị thành niên thì sao, thưa ông?

Con số đó so với tổng số 25 triệu người ở độ tuổi thanh thiếu niên thì nó không lớn. Điều tôi quan tâm là cơ cấu tội phạm như thế nào, có tổ chức không, có phi nhân tính như trường hợp Lê Văn Luyện không hay là đa phần do người khác lôi kéo? Cái quan trọng nhất là, đừng có đổ lỗi cho lứa tuổi dẫn đến hành vi phạm tội mà người lớn hãy nhìn lại mình.

Nhiều người lớn chỉ là tấm gương mờ

Ý ông là sao?

Tội phạm trẻ là sản phẩm của gia đình và xã hội. Do vậy, việc trẻ hóa tội phạm thì gia đình, nhà trường, xã hội cũng có trách nhiệm. Người lớn có là tấm gương sáng cho con em không? Nếu gương tốt thì các em sẽ hành xử tốt. Chỉ có điều rất nhiều người lớn lại là tấm gương mờ. Gia đình không quan tâm tới con cái, mải chạy theo làm giàu, rồi thì bạo lực gia đình, ly hôn khiến trẻ phát triển không hoàn thiện. Tội phạm nảy sinh từ đó.

Nhưng tất cả những biểu hiện mà ông nói đó là hệ quả của một xã hội phát triển. Phải chăng, để phát triển thì chúng ta buộc phải có sự đánh đổi như thế, giữa việc lo làm giàu với những giá trị đạo đức, giáo dục trong gia đình bị "coi nhẹ"?

Đó là một thực tế. Nhưng đương nhiên không phải là tất cả. Một bộ phận gia đình chỉ lo làm giàu, phó mặc con cái cho người giúp việc, lấy tiền là thước đo tình yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ không phải là nhiều đâu so với hơn 20 triệu gia đình hiện nay. Con số thống kê tội phạm vị thành niên cho thấy 80% vụ phạm tội ở tuổi này là do gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân, cờ bạc, bạo lực gia đình cũng chứng minh phần nào.

Nếu không thể hạ tuổi, trong khi vẫn có một bộ phận cha mẹ chưa quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục con trẻ thì phải làm gì, thưa ông?

Để thay đổi nhận thức của một bộ phận người làm cha mẹ này là việc làm rất khó. Chỉ khi nào con cái họ vấp ngã thì may ra họ mới tỉnh ngộ. Nhưng về lâu dài, cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có các tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ. Đương nhiên, nó sẽ mất thời gian thì mới cho kết quả được. Thứ nữa, hãy hoàn thiện hơn nữa pháp luật của ta.

Bộ luật Hình sự nên cụ thể hóa những hình phạt cho từng nhóm đối tượng, ví như từ 10 - 13 tuổi phạm tội thì ở mức xử lý này, 13 - 16 ở mức nặng hơn, 16 - dưới 18 ở mức nặng hơn nữa. Rồi xử lý tội phạm với nhiều tội danh thì có thể cộng các khung hình phạt tù chung thân tới 40 - 50 năm xem có ai còn dám nhờn luật nữa không. Người thực thi pháp luật cũng cần nghiêm để không có chuyện chạy án, chạy tội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Vũ Thủy
Kienthuc

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG