Hai bà mẹ Đức và 200 người con Việt Nam

Hai bà mẹ Đức và 200 người con Việt Nam
Ở thị trấn Moritzburg (Đức), tôi gặp hai bà lão người Đức cho đến giờ vẫn được một số người Việt Nam gọi là mẹ. Cách đây 50 năm, họ đã tham gia nuôi dạy 200 trẻ em Việt Nam, nhỏ nhất mới 1 - 2 tuổi, lớn nhất 15 - 16 tuổi.
Hai bà mẹ Đức và 200 người con Việt Nam ảnh 1

Maria Binia và Ruth Rehmet đều đã ngoài bảy mươi. Viện Goethe tổ chức cho tôi và người phiên dịch gặp hai bà tại một tiệm ăn ở thị trấn xinh đẹp Moritzburg nằm cách Dresden – thủ phủ bang Saxony chừng 30 phút ô tô.

Cả hai bà đều bồn chồn, nhất là bà Ruth. Trong ngày hẹn, bà gọi điện lại 2 lần, nhắc đi nhắc lại là phải đến đón vì bà đau xương, không thể tự đến điểm hẹn được.

Bà lại càng sốt ruột khi chiếc xe chở chúng tôi đi theo chỉ dẫn của thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu lạc hết từ làng này đến làng khác bên ngoài Moritzburg, trong khi bà Ruth sống ngay trong thị trấn, tại căn nhà trước đây dùng làm nhà ăn cho ký túc xá trẻ em Việt Nam (mới thấy chẳng thứ máy móc nào, dù hiện đại đến đâu thay thế hoàn toàn được con người).

Ruth là một bà lão nhỏ bé. Bà không lập gia đình, hiện sống cùng các cụ bà khác trong trại dưỡng lão. Không con cái nhưng bà được khá nhiều người Việt Nam gọi là mẹ trong những bức thư mà họ gửi trong suốt 50 năm qua.

Khi chúng tôi tìm được đến, bà đang đứng cùng một bà lão khác trước cửa nhà, vẻ mặt rất phấn khởi tự hào. Chắc trong đời sống tĩnh lặng của một trại dưỡng lão, không có nhiều “sự kiện” như thế này.

Còn bà Maria thì tự đi bộ đến điểm hẹn, trông bà khoẻ mạnh, trẻ hơn tuổi, với sự cân bằng và viên mãn của một người chắc được sống cùng con cháu.

Năm 1955, có khoảng 200 trẻ em Việt Nam được đưa đến nuôi dưỡng, học hành ở Moritzburg (trước đó cũng có khoảng 200 trẻ em Triều Tiên được nuôi dạy ở đây, khi số trẻ em này đi thì trẻ em Việt Nam đến).

Tại sao lại là thị trấn này? Rất có thể do điều kiện sống, khí hậu, thiên nhiên ở đây thuận lợi. Moritzburg yên bình nằm cạnh một hồ nước rộng và một vùng rừng mênh mông. Trên đảo giữa hồ, hệt như trong truyện cổ của anh em nhà Grim, một toà lâu đài nguy nga soi bóng những tháp, những vòm xuống đáy nước trong xanh.

Đó là cung điện mà vua xứ Saxony xưa kia cho xây dựng để về đây săn bắn. Chỉ riêng toà lâu đài này cũng đủ biến Moritzburg thành một điểm du lịch lúc nào cũng đông khách.

Những căn phòng tường bồi bằng da hươu, những chiếc bàn chiếc ghế dát vàng, những đồ dùng vua chúa còn nguyên từ cái dao ăn, cái tách uống trà cho đến cỗ xe tam mã.

Đặc biệt là phòng ngủ với chiếc giường lộng lẫy với những vật dụng bằng lông chim cực tinh xảo, cầu kỳ mà kỹ thuật làm giờ đã thất truyền. Và bộ sưu tập tranh, đồ sứ, đồ kim khí đủ cho một bảo tàng. Hẳn 200 em nhỏ Việt Nam vào cái năm 1955 xa xôi ấy đã thích mê đi khi đặt chân đến xứ sở cổ tích này.

Theo lời kể của bà Maria và bà Ruth thì đây là con của những cán bộ ở lại miền Nam chiến đấu sau Hiệp định Geneve (cũng có một đoàn 200 em khác con của các cán bộ làm việc ở miền Bắc được đưa đến một trại trẻ ở Dresden).

Các em đi theo từng đoàn khoảng 60 người một, trong đó có khoảng 120 bé trai, 70 -  80 bé gái, 20 bé gái còn rất nhỏ, một số em ốm đau quặt quẹo. Đi cùng các em là hai giáo viên một nam (trưởng đoàn), một nữ và một cô bảo mẫu mà tất cả các em gọi là mẹ.

Ruth và Maria khi đó mới ngoài 20 tuổi được phân công cùng một số người khác vào chăm sóc và dạy học cho các em. Mỗi cô phụ trách một lớp 20 em, cùng giáo viên Việt Nam chăm sóc và dạy các em tiếng Đức. Tất cả các em gọi các cô là mẹ, phòng các cô lúc nào cũng mở cửa để các em vào.

Lúc đầu, các em chưa biết tiếng, mọi việc rất khó khăn. Cũng may là các em học tiếng rất nhanh. Cô trò quen nhau, cuộc sống trở nên rất vui vẻ. Thỉnh thoảng có thư của một ông bố bà mẹ nào đó từ chiến trường miền Nam gửi qua, tất cả cùng đọc và vui chung.

Ngoài giờ học, mỗi em được phân một khoảnh đất để trồng trọt theo ý thích của mình. Và Noel năm ấy, hai bà vẫn nhớ niềm vui của các em nhỏ khi lần đầu tiên được trang hoàng những cây thông rực rỡ và quà tặng của ông già Noel. Rồi văn nghệ, hát, múa.

Kể đến đây, bà Maria bỗng cất giọng và bà Ruth tiếp liền hát lên giai điệu của bài “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê, rê rê rê đô mì rê…”, giai điệu cực kỳ phổ biến nhờ điệu múa sạp nổi tiếng trong giai đoạn sau năm 1954 đến suốt thời gian đánh Mỹ. Rồi bà Maria lại hát mấy câu từ một bài hát từ kháng chiến chống Pháp mà tôi cũng không nhớ được tên.

Trí nhớ của hai người rất tốt, hoặc hai bà rất hay hồi tưởng về giai đoạn đó (mặc dù không biết tiếng Việt). Các bà còn nói được thầy giáo người Việt có con trai tên là Đức, con gái tên là Bình.

Hiện nay, Sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho chuyến trở lại Dresden và Moritzburg của khoảng 50 người từng là những trẻ em đã sống và học tập tại đó vào cuối những năm 50.

Chuyến đi dự kiến bắt đầu từ ngày 23/9 đến hết ngày 13/10/2005.

Các “cựu trẻ em” sẽ đi bằng đường sắt, theo đúng lộ trình nửa thế kỷ trước từ Hà Nội qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức.

Cả bà Ruth và bà Maria đều hăm hở rút từ túi xách ra cuốn album của riêng mình chỉ cho tôi xem: Đây là ảnh các em đang học, đây là cảnh các em ăn, đây là Noel đầu tiên, đây là biểu diễn văn nghệ, rồi cuộc đi chơi tuyết đầu tiên, đây là ảnh chụp Bác Hồ đến thăm trại năm 1957, còn đây là “một lãnh đạo” rất to nữa đến thăm (tôi nhìn vào ảnh: Bác Tôn Đức Thắng)…

Cả một đoạn đời của 200 người Việt Nam bày ra trước mắt tôi. Mỗi cuốn album của hai bà có hàng trăm tấm ảnh, dán theo trình tự thời gian, còn ở tình trạng cực tốt sau 50 năm (điều chỉ có thể có nhờ 2 yếu tố: khí hậu khô ráo, điều hoà và sự trân trọng, giữ gìn của chủ nhân).

Tôi chậm rãi giở 2 cuốn album, nhìn kỹ từng gương mặt người và cố hình dung số phận tiếp theo của họ. Có thể có người tiếp tục được học hành và trở thành cán bộ lãnh đạo quan trọng, cũng có thể có người lại nối tiếp bước cha mẹ về chiến đấu ở chiến trường miền Nam và đã hy sinh?

Bà Maria đưa cho tôi một danh sách 57 người đã có liên lạc và địa chỉ. Hầu hết họ làm việc tại TP Hồ Chí Minh, một số người đã về hưu. Danh sách không đề ngày tháng, nhưng có lẽ lập cũng đã lâu, giấy đã ố. Có thể giờ tất cả họ đã nghỉ hưu cũng nên. Đời người thật hữu hạn, mới bé nhỏ ngày nào…

Tờ danh sách được lập bằng tiếng Đức, chức danh, cơ quan làm việc được phiên sang, nhưng cũng có một số có thể luận được: Hoàng Cường - nghệ sỹ violon, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh; Trần Đình Quý – Cty Du lịch TP Hồ Chí Minh;Trương Bình Tâm (hay Tám?) - Sở Tài chính Vũng Tàu; Trần Thị Thanh Cần – XN bán lẻ XD TP, 15 Lê Duẩn, Trần Việt Hoa (hay Hòa?)- Đại học Bách khoa (Hội Muối), Nguyễn Văn Khải – LIKSIN…

Điều khá thú vị là trong album không chỉ có ảnh mà còn nhiều kỷ vật khác. Mỗi cuốn đều bắt đầu bằng Quốc kỳ, Quốc huy Việt Nam và ảnh Bác Hồ. Có một tranh thêu hình Bác Hồ rất đẹp mà các bà nói là do một bé gái làm. Có những bức bưu thiếp mà các con sau khi trở về Việt Nam gửi sang cho các mẹ.

Trong số các kỷ vật, cái thú vị nhất là tấm thiếp báo hỷ do một học sinh cũ của trại gửi từ Hà Nội đầu năm 1961, nội dung: “Vui mừng báo tin cho đồng chí biết: được đoàn thể và gia đình đồng ý, chúng tôi sẽ tổ chức lễ thành hôn ngày 12 tháng 2 năm 1961”.

Phía dưới ghi tên 2 người: Nguyễn Phương Nhã - Đỗ Quốc Sam (có phải Bộ trưởng Đỗ Quốc Sam, trong chính phủ CHXHCN Việt Nam sau này?). Bà Maria khoe với tôi bức thư đề ngày 12/9/1995, ký tên 2 người: Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường ở Viện công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời và một người khác tên là Phan Phục, thư mời bà sang thăm Việt Nam.

Một thư khác của Thanh Huyền gửi từ Hà Nội ngày 15/12/1996 dài tới mười mấy trang đề là “gửi mẹ nuôi”. Vậy có ai trở lại đây thăm các bà không? – Tôi hỏi. “Có chứ. Có người dẫn cả con đến nữa”.

Bà Ruth chỉ cho tôi một tấm ảnh chụp chưa lâu. Một phụ nữ Việt Nam đứng tuổi và hai cô con gái trạc mười chín đôi mươi đứng cùng bà Ruth trên một trảng cỏ, hình như ở khu vực trại cũ.

Tiếc là bà Ruth chịu không thể nhớ được tên và địa chỉ của người học trò cũ. Bà Ruth và bà Maria nói rằng gần đây một số người vẫn gửi quà đồ thủ công, mỹ nghệ, tranh, khăn… sang cho các bà.

Thế rồi, sau bốn năm tồn tại, năm 1959, vì một lý do gì đó mà hai bà Ruth và Maria không rõ, trại trẻ giải tán. Trừ một số em lớn được học tiếp ở các trường đại học hoặc các trường kỹ thuật dạy nghề Đức, hầu hết học sinh lên tàu trở về Việt Nam.

“Các em nhỏ khóc rất nhiều, chúng không muốn rời nơi đây. Chúng tôi cũng khóc. Sau đó, không còn một đợt trẻ em Việt Nam hay nước ngoài nào đến nữa.

Về quãng đời tiếp theo, hai bà chỉ nói vắn tắt là làm việc bình thường đến khi về hưu, bà Ruth tiếp tục làm việc trong khu ký túc xá (chuyển sang nuôi các đối tượng xã hội khác, giờ là một trại giáo dục các thanh thiếu niên có vấn đề, trong đó có cả cai nghiện), không lập gia đình, khi về hưu thì ở lại luôn ký túc xá. Hai bà đều hài lòng với hoàn cảnh của mình.

Chúng tôi lại chở bà Ruth trở về khu ký túc xá cũ. Vừa xuống xe, bà lê cái chân đau xăng xái đi về phía trước: “Tôi phải chỉ cho anh thấy cái này”. Bà dừng lại trước một tấm biển kim loại gắn trên phần còn lại của một bức tường. Robert – người phiên dịch - đọc: Tháng 7 năm 1957, tại đây, học sinh Việt Nam ở Ký túc xá Kathe – Kollwitz đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.

Rõ ràng trước đây, tấm biển được gắn trên một tòa nhà. Giờ tòa nhà đã bị phá đi, nhưng tấm biển thì được giữ lại như một chứng tích, một kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về ký túc xá trẻ em Việt Nam trong những năm giữa thế kỷ trước.

Tôi nhìn quanh. Những khu nhà lớn giữa những trảng cỏ và vườn cây xanh biếc, kia là nơi các học sinh nam từng ở, còn kia là khu nữ, đây là nhà ăn, dấu vết các sân chơi…

Tôi định chào chia tay thì bà Ruth lại nói “không, không”. Bà kéo tôi vào căn hộ nhỏ nhắn nằm trong khu bếp và nhà ăn của học sinh Việt Nam xưa. Một căn hộ tràn ngập các đồ lưu niệm Việt Nam, từ chiếc nón bài thơ, chiếc quạt giấy đến bức tranh Bờ Hồ, pho tượng Di Lặc, tấm khăn thêu trải bàn… Bà Ruth chỉ từng thứ, khuôn mặt bà nở ra, mắt ánh lên vì hãnh diện.

MỚI - NÓNG