Hai Bộ trưởng nhận trách nhiệm 'quản lý yếu' đất nông, lâm trường

Ảnh: HL.
Ảnh: HL.
TP - Sau khi các Đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) và Đoàn Giám sát chỉ ra hàng loạt những bất cập, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh thì các Bộ trưởng NN&PTNT và TN&MT đều nhận trách nhiệm trước QH và nhân dân.

Vi phạm diễn ra phổ biến

Ngày 10/11, QH tiến hành thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức như: lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật. 

Cụ thể, trong những năm qua đã phát hiện 54 doanh nghiệp, ban quản lý rừng còn có tranh chấp với diện tích 18.315 ha; 76 doanh nghiệp, ban quản lý rừng bị lấn chiếm với diện tích 59.668 ha; 34 doanh nghiệp, ban quản lý rừng đang cho mượn, chuyển nhượng đất với diện tích 5.034 ha...

“Khuyết điểm chính của chúng tôi là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả. Tôi xin nhận trách nhiệm trước QH về việc này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng làm nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi”. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Báo cáo giám sát trước QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng chỉ rõ thực trạng nhiều nông, lâm trường chỉ mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa, việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép. 

   

Trước hàng loạt những bất cập diễn ra, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, các công ty nông, lâm nghiệp mới chỉ chuyển đổi tên, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai theo các quy định hiện hành. Việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường cũng chỉ là “đổi tên gọi” chứ chưa đổi mới hình thức hoạt động.

 Trước thực trạng sử dụng tài nguyên đất và rừng chưa cao, buông lỏng giao khoán trong thời gian dài, theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), nguyên nhân do kỷ cương không nghiêm, chưa xử lý nghiêm người vi phạm. ĐB Hà đề nghị, Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương. 

Nói về điều này, ĐB Nguyễn Thị Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, trong khi người dân đang thiếu đất sản xuất thì các nông, lâm trường, thủy điện, khai thác khoáng sản được bố trí đất lớn, nhưng sử dụng không hiệu quả, chậm thu hồi. 

ĐB Anh đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần rà soát toàn diện xem còn bao nhiêu hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất, đất ở. Đồng thời kiên quyết thu hồi diện tích đất sử dụng sai mục đích, kém hoặc không có hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát, sang nhượng trái phép…

Nhận trách nhiệm

Trước tình trạng trong 10 năm nhưng chỉ thực hiện 8 cuộc thanh tra, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt ra hàng loạt câu hỏi về vai trò của các cơ quan quản lý trong phát hiện, ngăn chặn sai phạm để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm? 

Mặc dù được giao khai thác quản lý sử dụng đất đai với diện tích lớn, nhưng chỉ nộp ngân sách 1.722 tỷ đồng trong 10 năm, vậy có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia không? Hay vào túi cá nhân nào? Có minh bạch không? Ai chịu trách nhiệm?...

“Chúng tôi có khuyết điểm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, chưa tổ chức thanh tra các nông, lâm trường trong việc sử dụng đất, chưa quan tâm xử lý sau thanh tra, dẫn đến các vi phạm sau thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, còn kéo dài gây bức xúc trong xã hội”. 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang

Trước chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận có sự buông lỏng trong quản lý từ Bộ đến các địa phương. “Chúng tôi có khuyết điểm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, chưa tổ chức thanh tra các nông, lâm trường trong việc sử dụng đất, chưa quan tâm xử lý sau thanh tra, dẫn đến các vi phạm sau thanh tra chưa được xử lý dứt điểm, còn kéo dài gây bức xúc trong xã hội”, ông Quang hứa rút kinh nghiệm và đề nghị QH, Chính phủ hỗ trợ các địa phương 1.000 tỷ đồng để hoàn thành đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2016.   

Về phần mình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng thừa nhận: “Khuyết điểm chính của chúng tôi là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả. Tôi xin nhận trách nhiệm trước QH về việc này, mặc dù chúng tôi đã cố gắng làm nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng tỏ ra băn khoăn khi ĐBQH cho rằng, đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất vì nông, lâm trường. “Mong QH minh xét”, Bộ trưởng Phát nói và cho rằng, mặc dù nhiều đơn vị còn hoạt động kém hiệu quả, song các lâm trường có những đóng góp rất quan trọng, là nòng cốt để thu mua chế biến nông sản, bảo vệ rừng, thúc đẩy kinh tế xã hội, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc phòng.


MỚI - NÓNG