Hai câu chuyện bẽ bàng khi tác nghiệp của tôi

Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM trong một sự kiện tình nguyện. Lý Thành Tâm (bìa trái)
Ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM trong một sự kiện tình nguyện. Lý Thành Tâm (bìa trái)
TP - Làm nghề chữ hơn 1/4 thế kỷ, với nhiều bài học cay đắng, thậm chí cả bẽ bàng, xót xa chỉ vì sơ suất, khinh suất, tôi ngày càng thận trọng với câu chữ. Tôi kể ra đây đôi chuyện cười ra nước mắt và luôn coi như bài học tự răn mình trong nghề.

Năm 1991, khi đang là sinh viên năm nhất khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TPHCM, tôi lò dò theo anh bạn học là nhà thơ Võ Tấn Cường (Giải nhì Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền Phong lần thứ 1) đến Ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM chơi, nhưng việc chính là “xem” anh Cường  nhận nhuận bút những bài thơ mới của anh. Được anh Cường khuyến khích, sau đó không lâu, tôi cũng  sung sướng được  ký nhuận bút  những bài thơ đăng trên chuyên mục “Tác phẩm Tuổi xanh” với mức nhuận bút khá cao so với hồi đó là 50.000 đồng/bài.

Biết tôi là sinh viên, anh Võ Hồng Tuyến (nguyên trưởng ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM) gợi ý viết bài cộng tác cho báo về lĩnh vực giới trẻ. Bài được đăng đều, anh Tuyến hay ứng nhuận bút trước, đỡ đần cho tôi rất nhiều trong thời sinh viên khốn khó. Năm 1995, tôi chính thức trở thành phóng viên báo Tiền Phong qua cuộc thi tuyển phóng viên đầu tiên của báo ở phía Nam. Gắn bó với Tiền Phong từ bấy đến nay, trải qua bao vui buồn, bao khó nhọc, kinh qua nhiều công việc, nhiều lĩnh vực nhưng  dù hoàn cảnh nào, Tiền Phong luôn là tình yêu của tôi.

Đâu chừng năm 1996-1997, ở TPHCM xảy ra một vụ hình sự gây chấn động dư luận. Tại một biệt thự sang trọng ở khu ngoại giao trên đường Trần Cao Vân quận 1, chỉ vì ghen tuông, nam thanh niên trẻ dùng dao đâm hàng chục nhát vào người yêu của mình khiến cô gục chết tại chỗ. Cô người yêu đã từng có 1 đời chồng và có con nhỏ. Còn anh người yêu trai tân, trẻ tuổi hơn cô gái. Phiên tòa sơ thẩm xử vụ án giết người này, tôi có mặt để tác nghiệp. Bị cáo trẻ, mặt câng câng khi đứng trước vành móng ngựa. Phía dưới, nhiều người thân nạn nhân mặc áo tang, trong đó có đứa con thơ ngơ ngác ôm di ảnh mẹ. Cảnh thật đau lòng. Tôi còn nhớ, công tố nhận định bị cáo giết người với động cơ đê hèn và hành vi man rợ, cố sát nên cần thiết phải loại bị cáo ra khỏi đời sống. Công tố đề nghị tử hình bị cáo. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cũng đề nghị mức án tử hình. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa tuyên bị cáo mức chung thân.

Theo dõi phiên tòa với cảm xúc ấm ức, kết hợp với tài liệu do luật sư bị hại cung cấp, tôi viết ngay một bài báo, tường thuật phiên tòa và kết thúc với lời lẽ đanh thép: Cần có bản án nghiêm khắc hơn với bị cáo ở phiên phúc thẩm, cần loại bị cáo ra khỏi đời sống xã hội (đoạn này tôi bê nguyên văn trong cáo trạng). Báo ra buổi sáng thì gần trưa, khi đang ngồi làm việc ở phòng phóng viên thì điện thoại bàn đổ chuông. Tôi bốc máy, nghe giọng của một người phụ nữ đứng tuổi muốn gặp tôi. Tôi xưng danh thì người phụ nữ này mắng xối xả: “Tôi là mẹ của bị cáo N. Con tôi có tội thì phải đền tội nhưng còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Chú chỉ dự một phiên tòa, sao lại có thể viết bài báo đề nghị xử tội chết con tôi. Cứu một mạng người còn xây hơn 10 ngôi chùa chú ơi!”, bà vừa nói vừa khóc rồi cúp máy. Tôi lúc ấy, lòng tràn ngập đắng cay. May thay, lời đề nghị “đanh thép” của tôi không được lắng nghe ở phiên phúc thẩm. Bị cáo vẫn được tuyên chung thân! Tôi lấy đây làm bài học cho sự máy móc, hời hợt khi tác nghiệp của mình. Trước môt sinh mệnh con người, tôi có quyền “phán” như chủ tọa phiên tòa không?

Năm 2000, nhân ngày Quốc tế phòng chống HIV-AIDS, tòa soạn chỉ đạo tôi viết một bài về bi kịch của những người sử dụng ma túy bị vướng HIV. Anh T.H, TKTS đề nghị phải tìm những câu chuyện có thật để lột tả vì anh biết viết kiểu bài này, phóng viên hay “phịa”. Thế là, tôi bê nguyên câu chuyện của một gia đình trong xóm tôi lên báo. Tôi còn thật thà nêu tên thật của nhân vật, địa chỉ rất cụ thể. Cô T hay qua chơi nhà tôi, kể chuyện thằng con trai đầu bị nghiện, về nhà đòi tiền không có, nó nấu nồi nước sôi, dọa luộc luôn cha nó. Bi kịch hơn, nó ép cả cô người yêu sắp cưới bán dâm để có tiền hút chích. Kết quả, cả hai đứa bị HIV. Cô T khóc và mong chúng nó chết sớm để cả nhà đỡ khổ. Khi báo phát hành, đọc lại, tôi mới thấy chỉ vì muốn chứng minh với tòa soạn là câu chuyện có thật mà tôi đã đụng chạm đến nỗi đau của một gia đình. Tôi vô cùng áy náy và im luôn, không mang báo về nhà, sợ cô T qua nhà chơi, mượn báo đọc như mọi khi.

Thế nhưng, đâu chừng 1 tuần sau, khi tôi đi làm về, ngang qua nhà cô T thì cô T vội ra đường chặn tôi lại. Cô vừa nói vừa khóc: “Con ơi, sao con đem chuyện gia đình cô lên báo? Người nhà cô ngoài Bắc đọc được gọi vô cho cô. Chú (chồng cô T- PV) mà biết được chuyện này, chú giết cô chết con ơi”. Nghe cô T nói, tôi xấu hổ, xót xa, bẽ bàng và cay đắng.

Từ đó, càng làm nghề, tôi càng cẩn trọng và luôn dặn anh em đồng nghiệp hết sức lưu tâm, trân trọng chữ nghĩa bởi chính chữ đã nuôi mình. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng trong nhận định, một chữ sơ sểnh là ảnh hưởng đến nhân vật trong bài báo, nhiều khi ảnh hưởng đến cả số phận một con người. 

        L.T.T

____

(*) Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.