Hai cha con cùng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh

Hai cha con cùng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh
Lần đầu tiên trong danh sách đồng tác giả đoạt giải thưởng cấp Nhà nước về Khoa học và Công nghệ dành cho Cụm công trình ghép tạng có hai cha con, đó là GS-TSKH, anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thế Trung và con trai cả của ông PGS-TSKH đại tá Lê Trung Hải.

Dù đã về hưu, tuổi cũng gần 80, nhưng GS, Thầy thuốc Nhân dân, Thiếu tướng Lê Thế Trung vẫn tất bật cùng các y bác sĩ của Viện quân y 103 điều trị, cứu những bệnh nhân nặng.

Giữ trọng trách Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Y học Thảm họa và hướng dẫn cho các học trò làm luận án... nên lịch làm việc của ông gần như kín.

Trong phòng làm việc của ông, ngoài những cuốn sách, tài liệu được chất cao tới nóc nhà, điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là những công trình nghiên cứu và những kỷ vật được ông lưu giữ cẩn trọng, tỉ mỉ theo từng bước đi của đời mình. Căn phòng như một viện bảo tàng đã minh chứng phần nào cho mồ hôi, nước mắt, có cả máu của ông và những đồng đội đã đổ trên khắp đất nước này.

Sinh năm 1928, học xong trường Bưởi, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập tự Vệ thành rồi vào Vệ quốc đoàn. Năm 1946 ông đi học lớp y tá, tại lễ tốt nghiệp ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp trao bằng tốt nghiệp và động viên, và ông gắn với ngành y từ đó.

Vừa đeo túi thuốc chữa bệnh, vừa cầm súng chiến đấu ở các chiến trường, Lê Thế Trung nhiều lần phải đau đớn nhìn đồng chí, đồng đội của mình chết trên tay vì không có phương tiện, thuốc men cứu chữa và cũng do trình độ về y học của mình có hạn. Vì thế, ông quyết bổ sung kiến thức bằng cách chăm chỉ đọc sách cả tây lẫn ta ở bất cứ địa điểm nào từ ga tàu, cổng chợ ồn ào hay ngay cạnh... lợn. Ông là một trong số ít người được thế giới cấp hai bằng Tiến sĩ khoa học về Tây y và Đông y.

Ngày 19.8.1969, Lê Thế Trung được Bác Hồ tặng Huy hiệu Bác Hồ trước khi Người qua đời, đây là phần thưởng mà ông cảm thấy quý nhất trong cuộc đời của mình.

Ông nghiên cứu tìm ra hơn 50 cây thuốc chữa bỏng, chế thành công thuốc điều trị bỏng rất hiệu nghiệm: Maduxin (triết xuất từ cây sến mật), thuốc B76 (từ vỏ cây sơn trà). Với ông, ngay cả những miếng da ếch, nước dãi... cũng biến thành vị thuốc. Mọi người từng ví: "Mỹ có B52, ông Trung có B76".

Gần đây, ông lại nghiên cứu và phát hiện ra chất ngăn ngừa ung thư từ cây xạ đen và đã được bào chế thành thuốc Philamin.

Năm 1971, tham dự Hội nghị Oslo (Nauy), ông đem đến đây những chứng tích về tội ác của Mỹ ở Việt Nam: Chân người bị bom Napan cháy đen, gan người ngâm phoócmôn bị chết vì bom phốt pho,  não người ngâm phoóc môn bị bom bi Mỹ giết. Đây là một phần thi thể của đồng đội hy sinh trong chiến dịch Khe Sanh. Cả thế giới bàng hoàng khi trông thấy những hiện vật khủng khiếp và nghe sự thuyết trình của ông về các loại vũ khí giết người vô nhân tính của Mỹ.

Cha, con tiên phong ghép tạng

Tháng 1.2004, lần đầu tiên nền y học Việt Nam tiến hành ca phẫu thuật ghép gan có sự góp mặt của ông cùng người con trai cả của mình là PGS, TS, đại tá Lê Trung Hải, chủ nhiệm khoa Phẫu thuật bụng, bệnh viện 103 - Học viện Quân y. Bệnh nhân là em Nguyễn Thị Diệp ở xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu - Nam Định, bị mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, phải thay gan.

Mặc dù nghỉ hưu từ năm 2003, nhưng với tài đức của mình, giáo sư Lê Thế Trung vẫn được mọi người giao cho trọng trách chỉ huy trưởng kíp mổ. Còn đại tá Lê Trung Hải trực tiếp đứng cạnh phụ mổ với GS Mashito Makuchi (Nhật Bản), người thực hiện ca mổ.

Để em Diệp có thể sống, khoẻ mạnh như hôm nay, Giáo sư Trung đã phải đứng ở bàn mổ suốt 12 tiếng đồng hồ (khi ông đã 77 tuổi). Ít ai biết rằng, để chuẩn bị cho ca mổ này, người thầy thuốc già Lê Thế Trung phải tập phẫu thuật thực nghiệm trên động vật từ năm 1970. Đến năm 1971, ông đã mổ cắt thuỳ trái thành công cho thượng uý Nguyễn Văn Tịnh. Rồi sau đó 21 năm, ông lại thành công với ca ghép thận đầu tiên của nước ta vào năm 1992.

Có lẽ do được di truyền từ cha, nên bác sĩ Lê Trung Hải học đâu sáng đó. Anh đã học về phẫu thuật ghép tạng và được cấp bằng chứng nhận ở Đức, Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan... Năm 2002, TS  Lê Trung Hải được phong hàm Phó giáo sư, là một trong những người trẻ nhất (45 tuổi) trong ngành Y được phong danh hiệu này. Bác sĩ Hải tinh thông bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức. Tại Hội nghị Quân y Châu Á Thái Bình Dương 2005, Lê Trung Hải là chủ tọa phiên họp và kiêm luôn tổ trưởng tổ phiên dịch.

Hiện số ca ghép thận anh chủ trì đứng thứ hai ở Việt Nam. Và anh cũng là bác sĩ duy nhất trực tiếp cùng tham gia thực hiện phẫu thuật hai ca ghép gan đầu tiên, thành công ở Việt Nam. Tháng 12 này, anh chuẩn bị thực hiện ca ghép gan thứ ba tại TP Hồ Chí Minh. Anh là Phẫu thuật viên ghép tạng hàng đầu của nước ta. Được biết, một ca ghép thận ở Việt Nam chỉ mất khoảng từ 30, 50 triệu đồng, nếu ra nước ngoài phải chi phí gấp từ 7 - 8 lần.

Theo Dân Trí

MỚI - NÓNG