'Hai chiến tuyến' trong gia đình tử sĩ Hoàng Sa

Tàu HQ 5 - Trần Bình Trọng, con tàu mà Thượng sĩ Nguyễn Phú Hảo đã hoạt động khi tử trận ở Hoàng Sa. Ảnh: Tư liệu
Tàu HQ 5 - Trần Bình Trọng, con tàu mà Thượng sĩ Nguyễn Phú Hảo đã hoạt động khi tử trận ở Hoàng Sa. Ảnh: Tư liệu
TP - Cứ đến dịp cận kề ngày thống nhất, ông Nguyễn Phú Cường (quận Hải Châu - Đà Nẵng) lại càng tỉ mẩn đánh chùi từng bát nhang, chén nước trên bàn thờ nơi đặt di ảnh của người đã khuất. Những bức ảnh người thân của gia đình ông đều hy sinh trong chiến tranh, ở đó, có người ở phía Việt Cộng, người ở Việt Nam Cộng hòa…

Chuyện những người cộng sản…

Ngôi nhà rộng, thoáng mát nằm ẩn sâu trong một hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng) với chiếc bàn thờ mà trên đó là nhiều bức ảnh người thân của ông Nguyễn Phú Cường như chứa đựng một phần lịch sử hào hùng nhưng không kém đau thương. Tôi cùng ông Cường tỉ mẩn săm soi từng khuôn mặt trên đó, những khuôn mặt góp công vào một thời khắc lịch sử Quảng Đà nói riêng cũng như bức tranh chung của toàn dân tộc.

 “Thôi cậu ạ, chuyện gì đã qua rồi cho nó qua đi. Căn nhà này đúng là chất chứa nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có…”.

Ông Nguyễn Phú Cường

Một người rất nổi tiếng với bức ảnh được đặt trang trọng trên bàn thờ là ông Nguyễn Sơn Trà (1902 - 1975). Ông là một trong 3 Bí thư chi bộ đầu tiên của Đảng bộ lâm thời Đà Nẵng được thành lập vào năm 1930. Ông Nguyễn Sơn Trà chính là chú ruột của ông Cường. Vì mải mê hoạt động cách mạng, lại bị địch bắt, tù đày giam cầm nên ông Trà không lấy vợ. “Ông ấy sống cùng tôi, coi tôi như con ruột” - ông Cường trầm ngâm nhớ lại.

Theo lịch sử Đà Nẵng, nhà cách mạng Nguyễn Sơn Trà sinh năm 1902 tại Đà Nẵng. Từ năm 1927 đến 1929, ông hoạt động trong Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng tại Đà Nẵng. Năm 1930, Đảng bộ lâm thời thành phố Đà Nẵng thành lập với 10 đảng viên, tổ chức thành 3 Chi bộ, trong đó có một Chi bộ do Ông làm Bí thư (gồm 5 đảng viên là: Hoàng Phi Tường, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Thái, Mai Xuân Sinh và Nguyễn Sơn Trà). Sau đó, ông bị bắt và đày lên cầm cố ở ngục Đăk Tô, rồi đưa lên nhà tù Lao Bảo giam cầm 3 năm.

Năm 1933, ông được thả về nhưng bị quản thúc ở địa phương. Thời gian này, ông nối lại với tổ chức và âm thầm thu thập tài liệu, tin tức, rồi viết bài gửi đăng ở các báo Phụ nữ tân văn, Công luận, Nghe thấy, Ánh sáng, Hồn trẻ, Essor Indochinoir... có nội dung, tư tưởng yêu nước; chống chế độ tay sai Nam triều, sự xâm lăng của thực dân Pháp. Năm 1936, để mở được Hiệu sách Việt Quảng, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương đưa ông và Lê Văn Hiến gia nhập Đảng xã hội Pháp (Sfio) ở Đà Nẵng. Sau đó, ông phụ trách Hiệu sách Việt Quảng, thay cho ông Phan Bôi, Lê Văn Hiến. Hiệu sách Việt Quảng cũng là nơi cư trú và đi lại của các đồng chí cán bộ lãnh đạo như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trác, Nguyễn Xuân Nhĩ,...

Ông cũng chính là người kết nạp Đảng cho Huỳnh Ngọc Huệ - một chí sĩ cánh mạng nổi tiếng từng giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và là lãnh đạo Ủy ban khởi nghĩa thành phố vào năm 1945. Tên của Nguyễn Sơn Trà hiện được đặt cho một con đường ở quận Hải Châu.

'Hai chiến tuyến' trong gia đình tử sĩ Hoàng Sa ảnh 1

Bàn thờ gia đình ông Nguyễn Phú Cường là di ảnh của những người ở “hai chiến tuyến”

Ông Cường lặng lẽ đứng nhìn di ảnh người chú ruột ở bên trái, rồi chậm rãi chỉ vào di ảnh phía bên phải: “Đó là em trai của ông Nguyễn Sơn Trà, cũng là chú ruột của tui - ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Bí thư sứ quán Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tại Indonesia, nguyên cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng…”. Đó là hai người cộng sản nổi tiếng trong gia đình của ông Nguyễn Phú Cường.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều người còn sống hoặc đã mất nhưng ông Cường khéo léo nói tránh: “Thôi cậu ạ, chuyện gì đã qua rồi cho nó qua đi. Căn nhà này đúng là chất chứa nhiều kỷ niệm, vui có buồn có…”. Ông Cường là nhà giáo, tốt nghiệp ĐH Huế từ năm 1956 rồi đi dạy, xuyên suốt các thời kỳ, đến sau 1975 cho tận ngày nghỉ hưu. Đúng cốt cách của một nhà giáo thời xưa, ông nhìn bức ảnh em trai mình - tử sĩ Hoàng Sa Nguyễn Phú Hảo thật lâu. Trong một đại gia đình, có lẽ đây là lần đầu tiên sau mấy chục năm, ông tâm sự với người ngoài về những “người bên kia chiến tuyến”…

…và những người “cộng hòa”

Ngoài 2 người chú ruột là những người cách mạng nổi tiếng thì gia đình ông Nguyễn Phú Cường có 5 anh em, trong đó 3 người ở phía Việt Nam Cộng hòa, một người theo Cách mạng. Riêng ông Cường suốt cuộc đời làm nghề giáo. “Tui phi chính trị” – ông cười hiền. Trong số 3 người bên phía Việt Nam Cộng hòa, một người đã mất chính là tử sĩ Hoàng Sa Nguyễn Phú Hảo, người em kế út trong gia đình.

“Trong mấy anh em, Hảo là người có tư chất thông minh, sáng dạ lại đẹp trai nhất nhà” - ông Cường nhớ lại. Sinh 1940, học giỏi đặc biệt ở các môn kỹ thuật, điện tử, Hảo gia nhập Hải quân Việt Nam Cộng hòa năm 1964 ở Nha Trang. Năm 1974, Nguyễn Phú Hảo lúc bấy giờ là sĩ quan điện tử có mặt trên con tàu HQ 5 - Trần Bình Trọng ra Hoàng Sa. Trận hải chiến bi hùng trong những ngày từ 15 - 19/1/1974 khiến 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận. Trong đó, thượng sĩ Nguyễn Phú Hảo được vinh danh là một trong những người đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền dân tộc.

'Hai chiến tuyến' trong gia đình tử sĩ Hoàng Sa ảnh 2

Đường Nguyễn Sơn Trà ở Đà Nẵng

Ông Cường cho biết thi thể của thượng sĩ Hảo may mắn được đưa về an táng tại Đà Nẵng, yên ấm trong vòng tay anh em, gia đình. “Đó là nhờ Hảo có người bạn làm chi cục trưởng gì đó ở Đà Nẵng và ông anh trai của nó, tức người em ruột của tui, Thiếu tá Nguyễn Phú Hữu”. Là người con trai thứ 3, ông Hữu làm ở đặc khu, đeo lon thiếu tá. Sau ngày giải phóng, ông đi cải tạo 5 năm, đến 1990 nhập cư sang Mỹ theo diện HO. Người con út trong gia đình ông Nguyễn Phú Cường là ông Nguyễn Phú Hào, chính là họa sĩ Nguyên Hạo của báo Sài Gòn Giải phóng những năm 1980. Họa sĩ Nguyên Hạo vẫn nhớ như in những kỷ niệm về người anh tử sĩ Hoàng Sa.

Vĩ thanh

Buổi nói chuyện giữa tôi với ông Nguyễn Phú Cường trong căn nhà rợp bóng cây ở một hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu dường như chẳng ai muốn chạm đến quá khứ đầy bi hùng trong chính căn nhà này. Ngay cả khi tôi đề nghị chụp một tấm hình ông đang tỉ mẩn lau chùi từng bát hương, di ảnh, ông cũng cười hiền, nhẹ nhàng từ chối.

Ông Cường kể, chiến tranh tao loạn, là anh em trong gia đình, có người bên này hay bên kia chiến tuyến, đó cũng là lẽ thường tình. Như nhà của một ông bác trong họ, hai anh em trở về, sau này ngồi lại với nhau, kể ra mới biết, họ đã từng đối đầu, nã súng vào nhau trong một trận đánh. Rất may, cả hai đều vẫn còn nguyên vẹn để kể với nhau những trận chiến kinh hoàng. “Có anh em nào cũng được may mắn vậy đâu” - ông Cường nói.

Khi tôi đề cập đến câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 40 năm giải phóng, họa sĩ Nguyên Hạo cởi mở hơn chút ít, tâm sự: “Thì mình cũng có phân vân chút đỉnh trong những ngày này. Nhưng chiến tranh mà, nhiều gia đình cũng có bên này bên kia. Những ông anh tui đi hải quân, đi lính Việt Nam cộng hòa hồi đó, cũng chỉ là hoàn cảnh mà thôi. 40 năm qua rồi, chúng ta phải cùng nhau nhìn về phía trước”. 

MỚI - NÓNG