Hai chú khuyển ở Trường Sa

Hai chú khuyển ở Trường Sa
TP - Cả đảo Trường Sa Lớn ai cũng yêu quí Cua và Bốp, hai chú khuyển rất đẹp và khôn ngoan. Thành tích nổi bật của Cua và Bốp mấy năm nay là thực hiện nhiệm vụ săn chuột.
Hai chú khuyển ở Trường Sa ảnh 1
Thượng tá Đỗ Khắc Phương, Phó đảo trưởng Chính trị đảo Trường Sa Lớn và binh nhì Hồ Minh Cường động viên Cua và Bốp

Sáng hôm đó không thấy Cua và Bốp quanh quẩn ở nhà như mọi khi, binh nhì Hồ Minh Cường, chiến sĩ liên lạc của đảo linh tính có chuyện chẳng lành. Anh đi ra phía cột mốc chủ quyền rồi vòng quanh mé biển, vừa đi vừa bắc loa tay gọi Cua và Bốp.

Được một đoạn thì gặp Bốp. Nó từ mé biển đi lên, bộ lông sũng nước, mồm rên ư ử rồi sủa lên ba tiếng. Đoạn, nó dẫn Cường phóng nhanh về phía biển. Nó quay về hướng có tảng san hô nhô lên mặt nước cách bờ độ vài chục mét, cụp đuôi xuống rồi lại sủa lên ba tiếng.

Cường nhìn theo. Thôi chết rồi! Cua! Làm sao nó nên nông nỗi này? Cường lao ra. Nước biển ngang bụng. Sóng đánh mạnh. Cua đã kiệt sức, hai chân trước cố bám vào tảng san hô để giữ cho cái đầu khỏi bị nhấn chìm.

Nhưng kìa! Cái mõm nó đang ngoạm một con chuột to gần bằng bắp chân, đen trũi. Cường đã hiểu tất cả.

Anh xốc Cua lên vai đưa về nhà. Cua đã uống khá nhiều nước, bụng căng đầy, bọt mép sùi ra. Cường dốc ngược nó lên, hô hấp nhân tạo cho nước từ bụng nó trào ra.

Cua dần qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn rất yếu, rét run bần bật. Cường lau khô nước trên người nó rồi lấy một tấm chăn lót ổ cho nó nằm. Tự nhiên nước mắt Cường trào ra. Anh ôm Cua vào lòng khóc hu hu.

Cánh phóng viên chúng tôi và Ban Chỉ huy đảo đang làm việc ở phòng trên nghe tiếng khóc của Cường liền tất tả chạy xuống. Biết Cua lâm nạn, ai cũng mủi lòng.

Chẳng ai bảo ai, mắt chúng tôi đều đỏ hoe. Cũng may mà tình huống xấu nhất chưa xảy ra với chú khuyển đáng yêu này…

Cua và Bốp là hai chú chó rất đẹp và khôn ngoan. Cả đảo Trường Sa Lớn ai cũng yêu quí chúng nhưng người gần gũi chăm sóc và cưng chiều chúng nhất là binh nhì Hồ Minh Cường.

Một vấn nạn ở đảo được các phân đội đặt chỉ tiêu thi đua diệt trừ đó là chuột. Thành tích nổi bật của Cua và Bốp mấy năm nay là thực hiện nhiệm vụ săn chuột.

Theo binh nhì Hồ Minh Cường thì trung bình mỗi năm Cua và Bốp tiêu diệt khoảng 1.000 con chuột. Có ngày cao điểm chúng săn được cả chục con. Chiến công của hai chú khuyển được Hồ Minh Cường theo dõi, ghi chép hàng ngày vào một cuốn sổ tay.

Anh em cán bộ, chiến sỹ trên đảo yêu quí phong cho Cua và Bốp danh hiệu “Dũng sỹ diệt chuột”. Phong trào xây dựng môi trường văn hóa xanh-sạch-đẹp trên đảo có công đóng góp rất lớn của hai chàng khuyển này. Cua và Bốp thường săn chuột vào ban đêm.

Mỗi khi bắt được chuột chúng lại tha về để dưới gốc cây bàng vuông trước nhà Ban chỉ huy để sáng mai được anh em cán bộ, chiến sỹ vỗ về khen ngợi. Chuột săn được, anh em nướng lên làm thức ăn cho đàn heo.

Cua và Bốp được đưa từ đất liền ra cùng một đợt khi chúng còn đang là hai chú cún và được lính đảo huấn luyện cách săn chuột từ đó. Mỗi lần đi săn, chú khuyển trắng (Bốp) có cái mũi cực thính nên thường làm nhiệm vụ “thọc sâu”, xộc vào tận hang hốc hoặc các giao thông hào để phát hiện mục tiêu.

Bắt gặp chuột, chú sẽ “bốp” một nhát. Thế nhưng lũ chuột rất ranh mãnh, mấy khi chúng hớ hênh cho mà “bốp”. Thế nên phải có sự phối hợp của chú khuyển vàng (Cua) từ vòng ngoài. 

Khi lũ chuột đánh hơi thấy bị tấn công, chúng thường lủi rất sâu vào hang rồi trốn thoát theo lối cửa phụ. Chỉ chờ có thế, chú khuyển vàng sẽ phát huy vai trò “phối hợp”, “đánh chặn”, lập tức “cua” một vòng thì đố con chuột nào thoát nổi. Chính từ “chức năng nhiệm vụ” trong “chiến thuật” săn chuột đã được huấn luyện nên lính đảo nhà ta mới đặt tên cho hai chú khuyển như vậy.

Dường như cảm nhận được đó là một vinh dự nên chỉ sau vài lần gọi cả hai chú khuyển đều vẫy đuôi mừng rỡ. Đêm hôm qua cũng như bao đêm khác Cua và Bốp “thực thi nhiệm vụ”.

Và sự dũng cảm truy đuổi kẻ thù đến tận cùng đã làm Cua lâm nạn. Lần theo dấu vết ở hiện trường, Hồ Minh Cường đã kết luận được vụ việc Cua gặp nạn hôm nay…

Con chuột cống này đào hang làm ổ dưới giao thông hào. Bốp và Cua đã nhiều lần mai phục nhưng chưa bắt được. Đêm qua, hai chàng khuyển lại phối hợp “tác chiến”. Bốp tấn công trực diện vào cửa hang chính. Con chuột lủi ra lối cửa hang phụ ở mé trên.

Bị Cua truy đuổi, nó mất đường trốn nên lao ra biển nhằm tảng san hô nổi phía ngoài bơi ra thoát thân. Không cho kẻ thù chạy thoát, Cua kiên quyết lao theo.

Do sóng mạnh, lại uống phải nước biển mặn chát nên khi tóm được kẻ thù thì Cua kiệt sức không bơi vào bờ được. Thấy bạn lâm nạn, Bốp lao xuống ứng cứu nhưng bất lực, đành chạy về nhà cầu cứu…

Cua hồi phục sức khoẻ khá nhanh và đến trưa thì nó đã tự đứng dậy, bước ra khỏi ổ chăn. Khỏi phải nói về nỗi vui mừng của Hồ Minh Cường và anh em cán bộ chiến sỹ trên đảo. Anh em quyết định khen thưởng đột xuất, trao cho mỗi chú một khoanh thịt hộp thơm lừng và một hộp sữa vừa đưa từ đất liền ra.

Khi chúng tôi rời Trường Sa trở về đất liền, lính đảo đứng chen chân trên cầu cảng đưa tiễn. Chúng tôi ôm siết lấy và bắt tay nhau thật chặt. Giây phút tiễn đưa lưu luyến, cảm động quá nên chúng tôi không để ý đến sự có mặt của Cua và Bốp.

Đến khi xuồng nổ máy đưa chúng tôi ra tàu lớn, chúng tôi ngoảnh lại vẫy tay chào lính đảo thì bỗng thấy Cua, Bốp từ phía sau lách chân người ngoi lên. Chúng bám hai chân trước vào mép cầu cảng và nhao thân về phía trước.

Dường như Cua và Bốp đang trách chúng tôi sao quá vô tình? Tôi liền bắc loa tay gọi thật to: “Cua ơi! Bốp ơi! Tạm biệt nhé”. Cả Cua và Bốp đều vươn mõm lên, sủa vang ba tiếng.

Lại đến một dịp Tết nữa –Tết mang tên của những chú khuyển. Tôi liền gọi điện thoại ra đảo Trường Sa Lớn và hỏi thăm tình hình của Cua, Bốp. Thượng tá Trịnh Lương Vượng, đảo trưởng nói như reo: Tuyệt lắm! Cua và Bốp càng ngày săn chuột càng giỏi.

Năm nay hai chàng săn chuột gấp rưỡi những năm trước. Có lẽ là lập công để mừng Tết Tuất. Chúng đang giỡn nhau dưới gốc cây bàng vuông kia kìa. Đấy! Anh có nghe tiếng sủa của chúng không.

MỚI - NÓNG